Nhiều thách thức đối với an ninh nguồn nước
Xã hội 18/08/2020 09:30
Tổng lượng dòng chảy trung bình nhiều năm của các sông vào khoảng 830-840 tỉ m3. Cả nước có khoảng trên 7.160 hồ chứa thủy lợi, với tổng dung tích ước tính khoảng 70 tỉ m3. Về nguồn nước dưới đất có trữ lượng khoảng 189,3 triệu m3/ngày đêm, tiềm năng có thể khai thác trung bình khoảng 61,2 triệu m3/ngày đêm, tập trung ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên.
Với trữ lượng nêu trên, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tài nguyên nước mặt, nước ngầm khá phong phú; nhưng nguồn nước mặt bị phụ thuộc nhiều vào nguồn nước ngoại sinh. Tổng lượng nước bình quân trên đầu người của Việt Nam vào khoảng 9.434 m3/người/năm, cao so với tiêu chuẩn của khu vực và trên toàn cầu.
Hạn hán và xâm nhập mặn tại các tỉnh, TP khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng gay gắt |
Do tài nguyên nước của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nước ngoài, nguồn nước nội sinh của Việt Nam chỉ đạt 4.200 m3/người/năm, thấp so với trung bình của Đông Nam Á là 4.900m3/người/năm. Kết quả giám sát chuyên đề an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lí an toàn hồ, đập của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội trong tháng 7/2020 tại 14 tỉnh cho thấy: Đập, hồ chứa quan trọng, hồ chứa nước lớn có độ an toàn cao do được kiểm soát tốt từ khâu xây dựng, có quy trình vận hành, có tổ chức quản lí đủ điều kiện, được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên.
Tuy nhiên, đập, hồ chứa nước vừa và nhỏ có nguy cơ mất an toàn cao do bị hư hỏng, xuống cấp. Nhiều hồ, đập được xây dựng cách đây 30 - 50 năm điều kiện thiết kế, thi công còn hạn chế, chủ yếu là đập đất nên khả năng mất an toàn cao.
Bên cạnh đó, tài nguyên nước phân bố không đều theo không gian và thời gian: Phần lãnh thổ từ các tỉnh biên giới phía Bắc đến TP Hồ Chí Minh, nơi có 80% dân số, trên 90% hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ nhưng chỉ có gần 40% lượng nước của cả nước; 60% lượng nước còn lại là ở vùng ĐBSCL, nơi chỉ có 20% dân số và khoảng 10% hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ nhưng cũng đang chịu tác động từ sử dụng nước khu vực thượng nguồn.
Một thách thức nữa với vấn đề an ninh nguồn nước là tình trạng sử dụng nước kém hiệu quả, còn lãng phí, các mô hình khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phát triển kinh tế chưa bền vững; ô nhiễm nguồn nước do khai thác khoáng sản, sử dụng hóa chất trong nông nghiệp, nước thải chưa xử lí của các đô thị, công nghiệp, làng nghề; trên 90% nước thải sinh hoạt nông thôn chưa được xử lí.
Tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ nguồn nước làm biến đổi dòng chảy, suy giảm diện tích đất rừng, nguồn sinh thủy còn diễn ra. Cùng với sự phát triển kinh tế, đô thị hóa, hoạt động sản xuất, gia tăng các hoạt động xả nước thải đang tác động và gây sức ép ngày càng lớn lên nguồn nước.
Do biến đổi khí hậu mùa khô kéo dài 6-8 tháng lượng nước chỉ chiếm 20-30% tổng lượng nước cả năm; thời kì hạn hán gây xâm nhập mặn của ĐBSCL vừa qua kéo dài gấp từ 2-2,5 lần giai đoạn 2016. Các hoạt động khai thác nước thượng nguồn gia tăng, dẫn đến tình trạng suy giảm nguồn nước và chất lượng nước.
Hiện nay, các hồ chứa thủy điện và hồ chứa thượng nguồn chỉ có thể kiểm soát được 20% tổng lượng nước chảy vào Việt Nam. Theo tính toán của Ngân hàng thế giới thì tổng nhu cầu về nước vào mùa khô của Việt Nam sẽ gia tăng 32% vào năm 2030, 11/16 lưu vực sông chính của Việt Nam sẽ đối mặt với tình trạng căng thẳng về nước đặc biệt là trên 4 lưu vực sông chính tạo ra 80% GDP của Việt Nam là sông Hồng-Thái Bình, Cửu Long, Đồng Nai và nhóm lưu vực sông Đông Nam Bộ.
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong khoảng 20 - 30 năm tới nhiều tỉnh sẽ thiếu nước nghiêm trọng, đặc biệt là cho sản xuất nông nghiệp.