Nhân lực ngành nông nghiệp công nghệ cao: Làm gì để không chảy máu chất xám nguồn cán bộ giỏi ?(Bài 2)
Kinh tế 25/12/2020 11:19
Chất lượng đào tạo chưa bắt kịp nhu cầu
Tại khoản 1, Điều 5 Luật Công nghệ cao số 21/2008/QH2012 quy định tập trung đầu tư phát triển công nghệ cao trong các lĩnh vực: công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa. Tại Quyết định số 37/2013/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành cũng cho biết các ngành đào tạo về công nghệ cao được xác định là các ngành ưu tiên đào tạo, bao gồm: công nghệ thông tin, công nghệ cơ điện tử và tự động hóa, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới và một số ngành, nghề kỹ thuật và công nghệ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Các ngành đào tạo trình độ đại học thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin đã được áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo theo Công văn số 5444/BGDĐT-GDĐH ngày 16/11/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Năm 2019, tổng chỉ tiêu tuyển sinh nhóm ngành công nghệ nông nghiệp là 65.409 chỉ tiêu, chiếm 15,5% tổng chỉ tiêu tuyển sinh các ngành trong cả nước. Trong đó, ngành công nghệ thông tin có số lượng chỉ tiêu tuyển sinh lớn nhất với 29.106 chỉ tiêu, chiếm 44,5% tổng chỉ tiêu của nhóm. Điều này cho thấy vị trí và vai trò dẫn dắt của ngành trong lĩnh vực công nghệ nói chung và công nghệ nông nghiệp nói riêng.
Theo thống kê vào năm 2019, cả nước có 237 trường đại học, học viện tham gia đào tạo trình độ đại học (gọi chung là các cơ sở giáo dục đại học), trong đó, ngành công nghệ thông tin được đào tọa tại 129 cơ sở giáo dục (chiếm 54,4%), ngành công nghệ sinh học có 49 cơ sở (chiếm 20,7%), ngành công nghệ kỹ thuật cơ điện tử có 23 cơ sở (chiếm 9,7%). Ngành robot và trí tuệ nhân tạo được mở mới và đào tạo tại 4 cơ sở giáo dục là Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh, Đại học FPT, Đại học Quốc tế Hồng Bàng. Cũng trong năm này, ngành công nghệ thông tin, công nghệ rau quả và thiết kế cảnh quan, nông nghiệp công nghệ cao đã bắt đầu được đào tạo tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Tuy rằng quy mô tuyển sinh và đào tạo nhóm ngành công nghệ và nông nghiệp công nghệ cao chiếm tỷ lệ không nhỏ trong tổng quy mô của cả nước nhưng đội ngũ giảng viên và chất lượng đào tạo chưa đáp ứng kịp nhu cầu.
Ngành nông nghiệp công nghệ cao vẫn "khát" nhân sự giỏi |
Vẫn câu chuyện “khát” nhân sự giỏi
Theo Thạc sĩ Phạm Đức Duy, dự kiến đào tạo đội ngũ nhân lực công nghệ cao đến năm 2020, các trường đại học cần tuyển 30 nghìn sinh viên công nghệ thông tin (CNTT), 25 nghìn sinh viên công nghệ sinh học, 25 nghìn sinh viên công nghệ tự động hóa và 25 nghìn sinh viên công nghệ vật liệu. Bên cạnh đó, phải đào tạo 28 nghìn người trình độ sau đại học về các lĩnh vực này. Thế nhưng, hiện nay đội ngũ giảng viên tại các trường đại học về công nghệ cao còn thiếu rất nhiều.
Trong tổng số 5.094 giảng viên cơ hữu của 10 trường đại học được thống kê vào năm 2016, chỉ có khoảng 1.500 giảng viên đúng chuyên ngành công nghệ cao, chiếm tỷ lệ 29,9%; trong đó chức danh giáo sư có 11 người, phó giáo sư có 97 người, tiến sỹ 270 người và 694 người có trình độ thạc sỹ. Ðây là thách thức lớn và cũng là áp lực lớn đối với việc đào tạo nhân lực cho các ngành công nghệ cao.
Đối với lĩnh vực công nghệ thông tin, hiện các trường đại học trong cả nước cung cấp cho thị trường lĩnh vực này khoảng 110.000 kỹ sư/năm nhưng trên thực tế chỉ khoảng 10% sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin có thể phục vụ tốt ngành này. Điều này dẫn đến tình trạng, mặc dù “khát” nhân lực nhưng các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao khi tuyển dụng luôn phải đào tạo lại nhân viên.
PGS. TS. Đào Thế Anh – Phó giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cũng cho rằng chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp cần được nâng cao hơn nữa. Hiện tại, có khoảng 8000 người làm công tác nghiên cứu khoa học tại các viện, trường trong cả nước nhưng vẫn thiếu cán bộ lãnh đạo giỏi, cán bộ nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu chuyên sâu. Không những thế, lực lượng nghiên cứu viên cao cấp đang bị già hóa, thế hệ kế cận chưa kịp phát triển, số người bỏ việc ra làm doanh nghiệp tăng lên do nhận được chế độ đãi ngộ tốt hơn. Bên cạnh đó, đa phần nguồn nhân lực cho chuyển giao công nghệ nông nghiệp không được đào tạo bài bản và cập nhật kiến thức mới thường xuyên. Cán bộ khuyến nông cấp cơ sở (cấp xã) và bán chuyên trách (cấp thôn/bản) có chế độ đãi ngộ thấp nên chưa an tâm công tác.
Vì lẽ đó, PGS. TS. Đào Thế Anh nhấn mạnh “nguồn nhân lực phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cần được đào tạo và đào tạo lại để cập nhật kiến thức, nâng cao chất lượng về chuyên môn để đáp ứng yêu cầu công việc ngày càng cao. Mặt khác, cần xem xét về chế độ đãi ngộ tốt hơn để không bị chảy máu chất xám đối với các cán bộ có trình độ chuyên môn giỏi”.
Có thể thấy, nhu cầu về nhân lực phục vụ trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam vẫn rất lớn. Đây cũng là cơ hội cho thế hệ trẻ thử sức mình. Tuy nhiên, định hướng đào tạo và phát triển nhân sự như thế nào cho đúng? Ngày mới Online sẽ tiếp tục thông tin trong viết tiếp theo.
Bài 3: Đi tìm lời giải cho "bài toán" đào tạo nhân lực công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp
Vai trò của công nghệ cao trong ứng dụng phát triển nông nghiệp tại Việt Nam (Bài 1) Công nghệ cao được tích hợp từ thành tựu trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ hiện đại nhằm tạo ra sản ... |
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn vướng nhiều rào cản Ứng dụng công nghệ tăng giá trị sản xuất trở thành vấn đề sống còn đối với ngành nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, quá ... |