Nhà đầu tư băn khoăn với khoản nợ khổng lồ của Viglacera?
Tin tức 18/04/2018 15:56
Sáng 9/4/2018, Tổng Công ty Viglacera (HNX: VGC) tổ chức họp giao ban đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh quý 1/2018 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch quý 2/2018.
Để thực hiện được mục tiêu kế hoạch quý 2/2018, đại diện Viglacera cho biết sẽ tập trung vào 3 nhiệm vụ chính. Thứ nhất, triển khai việc thoái vốn nhà nước của Tổng Công ty về 36% trong tháng 5. Thứ hai, tổ chức triển khai đầu tư các dự án vật liệu xây dựng và bất động sản theo đúng tiến độ đã đề ra. Thứ ba, quản lý vận hành sản xuất ổn định, tiết giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo kế hoạch, Viglacera sẽ thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Tổng công ty trong năm 2019.
Hiện tại, Bộ Xây dựng đang là cổ đông lớn nhất của Viglacera khi nắm giữ gần 54% cổ phần tại doanh nghiệp này. Cổ đông lớn thứ 2 là tổ chức Vietnam Enterprise Investments Limited.
Có thể thấy, từ sự thành công của Vinamilk và Sabeco, nhà đầu tư kỳ vọng cú hích cho thị trường, là tiền đề để tiếp tục kỳ vọng vào kết quả của các thương vụ thoái vốn tiếp theo.
Vậy khả năng “chắc thắng” với cổ phiếu Viglacera như thế nào trong đợt thoái vốn sắp tới? Và đây là khoảng thời gian quan trọng cho Viglacera “thể hiện” bản thân để thu hút nhà đầu tư. Vì ngay ở thời điểm thông tin thoái vốn tại Viglacera chưa được công bố, nhiều nhà đầu tư đã rỉ tai nhau nói về kế hoạch “bắt đáy” cổ phiếu VGC.
Thế nhưng thời gian thoái vốn đang đến gần, nhà đầu tư lại bắt đầu hoang mang với những khoản nợ khổng lồ của Viglacera dù công ty này báo lợi nhuận tăng vọt.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017, lợi nhuận sau thuế của Viglacera đạt 722 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 621 tỷ đồng năm 2016. Lợi nhuận được cải thiện khi doanh thu tăng từ 8.146 tỷ đồng lên 9.206 tỷ đồng.
Lợi nhuận tăng mạnh nhưng Viglacera đang đối diện với áp lực nợ nần. Tại thời điểm 31/12/2017, tổng nợ phải trả của Viglacera là 9.315 tỷ đồng, nhiều gấp 1,4 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, nợ vay chiếm tỷ trọng lớn.
Nợ phải trả của Viglacera nhiều gấp 1,4 lần vốn chủ sở hữu (Nguồn BCTC) |
Trong khi duy trì chính sách nợ vay cao, Viglacera lại khá rộng tay cho vay. Cho vay tràn lan nên Viglacera phải gánh chịu khoản nợ xấu không hề nhỏ.
Tại thời điểm 31/12/2017, tổng nợ xấu của Tổng Công ty này lên tới gần 200 tỷ đồng. Đây là các khoản phải thu, cho vay quá hạn thanh toán hoặc chưa quá hạn nhưng khó thu hồi.
Công ty cổ phần Viglacera Đông Triều là con nợ lớn nhất. Nợ khó đòi của Viglacera tại công ty này lên tới 18,6 tỷ đồng.
Giá trị có thể thu hồi được từ khoản nợ này, theo tính toán của Viglacera, chỉ là 1,33 tỷ đồng. Công ty cổ phần cơ khí và xây dựng Viglacera là con nợ chây ì lớn thứ 2. Nợ xấu của Viglacera tại công ty này lên tới 9,2 tỷ đồng. Giá trị có thể thu hồi được của khoản nợ này được xác định là 0 đồng.Ngoài ra còn có 1 cá nhân là ông Trần Nguyễn Phúc Vũ đang nợ Viglacera 1,45 tỷ đồng. Số tiền này cũng được xác định là khó đòi.
Không chỉ có nợ xấu, hồi cuối năm 2017, Viglacera còn bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm ở một số dự án bất động sản ở Hà Nội liên quan đến nghĩa vụ tài chính về đất đai, lạm dụng chủ trương xây nhà ở xã hội, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở... Đáng chú ý, dự án khu nhà ở tại số 628 Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, TP Hà Nội do Viglacera làm chủ đầu tư bị phát hiện sai phạm với số tiền gần 12,5 tỷ đồng do xác định tiền sử dụng đất của dự án không đúng vị trí quy định tại bảng giá đất.
Ngoài ra, hàng loạt dự án như: Dự án khu nhà ở Đại Mỗ, tại xã Đại Mỗ, (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) với tổng mức đầu tư hơn 225 tỷ đồng và dự án khu chức năng đô thị Xuân Phương cũng xác định không đúng chi phí phát triển dự án trong quá trình tính tiền sử dụng đất, gây thất thu ngân sách.
Chất lượng “dở tệ”, dự án của Viglacera vẫn ẵm giải "Nhà ở xã hội tốt nhất" Mặc dù bị dư luận và chính cư dân đã phàn nàn về chất lượng, tuy nhiên dự án Đặng Xá của Viglacera vẫn ẵm giải "Nhà ở xã hội chất lượng nhất" trong giải thưởng bất động sản Quốc gia lần thứ nhất vừa được tổ chức hôm 14/4 vừa qua. Dự án nhà ở xã hội Đặng Xá nằm trong khu đô thị Đặng Xá do Tổng Công ty Thủy Tinh và Gốm xây dựng – Viglacera làm chủ đầu tư. Đến năm 2015, dự án hoàn thiện và cho người dân vào sinh sống. Dù mới dọn đến ở được thời gian ngắn nhưng chất lượng công trình tại các khu nhà D9, D10, D11 lại đang xuống cấp nghiêm trọng Trước đây, nhiều cư dân cũng phản ánh về tình trạng nhiều hạng mục trong tòa nhà cũng bị “cắt cúp” so với thiết kế ban đầu nhưng chủ đầu tư và đơn vị quản lý không thông báo tới người dân. Nghiêm trọng hơn, hàng nghìn hộ dân đã và đang phải sử dụng nguồn nước không đảm bảo từ nhiều năm qua do nhiễm asen mà không thể khắc phục được, khiến cho nỗi lo về bệnh tật, ảnh hưởng tới sức khỏe luôn thường trực. Nhiều hộ dân cho biết, đã lên tiếng phản ánh về chất lượng công trình, chất lượng dịch vụ và công tác quản lý, vận hành không đảm bảo, gây ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên tình trạng trên chỉ khắc phục được phần nào, và thường diễn ra rất chậm… |
An Nhiên - Đình Vũ