Người rao bán hàng nghìn chứng minh nhân dân trên mạng có bị xử lý hình sự?
Tin pháp luật 18/05/2021 15:02
Vài ngày trước, trên một diễn đàn chuyên mua bán, trao đổi dữ liệu của giới hacker, một thành viên có tên “Ox1337xO” đã đăng tải nội dung rao bán 17GB dữ liệu, chứa ảnh chụp chứng minh nhân dân của hàng nghìn người Việt Nam.
Tài khoản này cho biết đang sở hữu các gói dữ liệu lớn gồm các thông tin KYC (Know Your Customer) - thông tin xác định danh tính, thông tin người dùng bao gồm: Tên, ngày sinh, địa chỉ, email, điện thoại, số chứng minh nhân dân, hình chụp mặt trước, sau của CMND...
Các dữ liệu này đang được hacker nói trên rao bán với giá 9.000 USD (khoảng 207 triệu đồng). Số tiền này phải được thanh toán bằng 1 trong 2 loại tiền ảo là Bitcoin (tương đương 0,2 BTC) hoặc Litecoin (LTC). Nếu muốn hình thức thanh toán khác, người mua có thể lựa chọn bằng cách giao dịch với một bên trung gian.
Đáng buồn sự việc trên không phải hi hữu, cách đây 4 tháng, dữ liệu cá nhân gồm tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại của 300.000 người Việt cũng bị rao bán trong diễn đàn “Rxxxforum". Tài khoản đăng tải thông tin trên không phát giá cụ thể mà cho biết, ai muốn mua đầy đủ dữ liệu có thể trao đổi riêng để thương lượng giá.
Hồi đầu tháng 11-2018, hơn 5,4 triệu thông tin khách hàng bao gồm lịch sử giao dịch, dữ liệu email, thẻ ngân hàng… được cho là của một đơn vị điện máy lớn cũng đã bị hacker đăng tải công khai lên mạng…
Về sự việc trên, theo anh Phan Anh – Kỹ sư Công nghệ thông tin, những thông tin liên quan đến chứng minh nhân dân rất quan trọng và có thể bị kẻ xấu lợi dụng. Tội phạm có thể dùng những thông tin này để lách qua các dịch vụ kiểm duyệt lỏng lẻo, đăng ký các loại hình tài chính, viễn thông... nhằm kiếm lời bất hợp pháp.
Do đó, cơ quan chức năng cần kiểm tra xác minh, xem xét những thông tin đó bị lộ ra từ đâu bởi hiện nay, có nhiều dịch vụ yêu cầu người dân cung cấp giấy tờ chứng minh nhân dân nên nguồn lộ ra có thể từ rất nhiều nơi, từ làm thẻ ngân hàng, lập hòm thư trực tuyến, giao dịch nhà đất hay đơn cử làm thẻ hội viên máy bay…
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, hành vi rao bán thông tin cá nhân của người khác trên mạng nhằm thu lợi bất chính là vi phạm pháp luật. Đối tượng thực hiện hành vi có thể bị xử lý hành chính theo Nghị định 174/2013, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự (nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm) về Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác (Điều 159 BLHS 2015) hoặc Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 288 BLHS 2015).
Còn theo Dự thảo Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân đã được Bộ Công an đưa ra lấy ý kiến đã đề xuất phạt mức phạt tiền lên đến 80 triệu đồng với hành vi tiết lộ dữ liệu cá nhân (họ và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; nhóm máu; giới tính; số điện thoại; nơi sinh; nơi thường trú; số chứng minh thư, căn cước; tình trạng hôn nhân; số giấy phép lái xe; mã số thuế cá nhân) trái phép.
Trước tình trạng thông tin cá nhân bị tiết lộ, bị mua bán đang diễn ra khá phổ biến, việc hoàn thiện các quy định của pháp luật, tăng chế tài xử lý đối với những hành vi này là cần thiết nhằm tạo ra hành lang pháp lý hiệu quả để ngăn ngừa việc tiết lộ, mua bán dữ liệu cá nhân. Tuy vậy, để hạn chế những vụ việc tương tự có thể xảy ra tiếp theo, mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác trước những vụ tấn công, lừa đảo trên mạng, hạn chế tối đa việc cung cấp, chia sẻ thông tin cá nhân – Luật sư Hồng Vân khuyến cáo.