Người cao tuổi với đạo lí gia đình trong xã hội ngày nay
Vì Người cao tuổi 16/12/2024 09:40
Già cậy con...
Tính đến năm 2023, Việt Nam có hơn 16 triệu NCT. Bên cạnh những nỗi lo về bệnh tật, lão hóa thì không ít NCT đang và đã trải qua cảm giác cô đơn và bị “lãng quên” ở tuổi già khi sống cùng con cháu.
Xã hội ngày càng phát triển, kéo theo là nhịp sống của giới trẻ cũng vội vàng, gấp gáp như chạy đua theo thời gian và công việc. Có những gia đình sống 3-4 thế hệ: ông bà, bố mẹ, cháu, chắt trong cùng một mái nhà. Tuy nhiên đôi khi, chính ông, bà lại là những người đã từng ít nhiều, trải qua cảm giác không được quan tâm, cô đơn và giảm sự kết nối giữa người thân và xã hội.
Cụ Hoàng Thị Thận, 85 tuổi, ở huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang tâm sự: “Gia đình tôi sống có tới 4 thế hệ: tôi, vợ chồng con trai tôi, vợ chồng cháu nội và chắt nội tôi nữa. Nhưng cả ngày tôi chỉ lủi thủi một mình,quét cái sân, cái nhà rồi xem tivi, nghe đài… các con, các cháu đi làm từ sáng đến tối mới về, chắt thì đi học. Tối về cũng nói với nhau mấy câu rồi đứa nào đứa nấy lại phải làm việc. Nhiều lúc buồn lắm chứ, nhưng chúng nó còn trẻ, còn phải làm, phải phấn đấu, mình bắt chúng nó ở nhà trông mình sao được”.
Ảnh minh họa |
Bà Ngụy Phan Lương, 70 tuổi, ở quận Tây Hồ, TP Hà Nội chia sẻ: “Tôi nghe theo các con bán nhà ở quê đi, để lên đây cho có nhiều dịch vụ tiện ích, mặt khác để được gần con gần cháu. Sống ở quê một mình, đau ốm con cái cũng ko về kịp được. Giờ lên đây, vợ chồng nó đi làm tối ngày, Thứ 7, Chủ nhật có khi cũng làm kín hết. Thời gian ăn cơm ở nhà cả tuần tính chỉ được 2 - 3 bữa. Nhà chung cư, nên tôi chỉ biết đi loanh quanh trong nhà, làm việc nhà rồi đưa đón cháu đi học, buồn quá thì xuống khuôn viên chung cư tập thể dục với mấy bà hàng xóm. Ngày nào cũng thế, nhiều khi tôi thấy buồn lắm, nhưng giờ chỉ còn cách là tự tìm niềm vui cho mình là tham gia các câu lạc bộ, các hội hè... Chứ suy nghĩ nhiều ốm lại là gánh nặng cho con cái”.
Trên đây là hai ví dụ cho thấy, những NCT đang sống cùng con cháu, nhưng họ không cảm thấy vui và thật sự hạnh phúc như nhiều người từng nghĩ. Gia đình càng nhiều thế hệ thì tư tưởng và lối sống càng có sự trái ngược nhau. Chính vì những điều này, mà một số thế hệ trẻ họ có tư tưởng né tránh và không muốn tiếp xúc hay nói chuyện với NCT. Lâu dần làm cho không khí gia đình càng căng thẳng và ngột ngạt, tẻ nhạt.
Tuy nhiên vài năm trở lại đây, NCT có tâm lí sống phụ thuộc vào con cái, ở chung hay ở riêng dần có sự thay đổi. Họ sau khi nghỉ hưu, rời xa công việc, NCT đều lấy việc gặp mặt con cháu làm niềm vui, hoặc tham gia các câu lạc bộ thể thao, dưỡng sinh… chứ không giữ quan điểm già là phải ở cùng con.
Theo số liệu điều tra của Viện Dân số - Sức khỏe và Phát triển vào năm 2020, thực hiện với hơn 6.000 NCT trên cả nước, cho thấy, có 8,6% NCT sống một mình, hơn 50% số NCT sống một mình có con cái sống cùng xã, phường. Có thể thấy, mô hình gia đình nhiều thế hệ dần được thế chỗ bởi những gia đình vệ tinh (tức là NCT sống gần chứ không sống chung với con cháu). Và việc chăm sóc NCT đang chuyển dần từ chăm sóc trực tiếp sang chăm sóc gián tiếp, từ chăm sóc vật chất sang chăm sóc tình cảm, tinh thần. Tuy nhiên, với đặc thù về lứa tuổi học tập, lao động, con cháu thường xuyên vắng nhà hoặc bận rộn, đa phần khoảng thời gian trong ngày, NCT tự sắp xếp cuộc sống của mình. Vì vậy, việc chuẩn bị mọi điều kiện để NCT làm chủ cuộc sống của mình từ sớm là rất quan trọng.
Kết quả điều tra về Vai trò NCT trong xã hội Việt Nam đang già hoá, do PGS.TS. Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới làm chủ nhiệm, được thực hiện ở hơn 300 NCT sống ở Ninh Bình và 500 NCT ở Đà Nẵng - cũng cung cấp một số liệu rất có ý nghĩa.
Cụ thể, tỉ lệ NCT sống cô đơn tăng từ 3,47% vào năm 1992/1993 lên 20,5% vào năm 2017. Tỉ lệ NCT sống cùng bạn đời cũng tăng từ 9,48% vào năm 1992/1993 lên 50,4% vào năm 2017. Tỉ lệ NCT sống cùng con giảm từ 79,73% vào năm 1992/1993 xuống còn 28,4% vào năm 2017.
Bác sĩ Mai Xuân Phương, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế cho rằng: “Với NCT, hơn lúc nào hết, không còn cách nào khác là phải có tính chủ động ngay từ khi mình chưa lên NCT. Việc đầu tiên là không bán nhà đi ở với con. Nếu có điều kiện hãy ở gần con chứ không ở cùng con, đừng vội vàng chia tài sản cho con, đặc biệt là sổ đỏ cho con để dẫn tới tình trạng không còn gì trong tay; do vậy NCT luôn ở thế chủ động với tinh thần “đời cua cua máy, đời cáy cáy đào”. Người ta khuyên một câu là “chỉ thăm cháu mà không chăm cháu”, đó mới là điều quan trọng. Khi con là người có trách nhiệm, nó phải tự quyết định, tự lập, tự do và tự chịu trách nhiệm với bối cảnh của mình”.
Trẻ cậy cha...
“Cha mẹ nuôi con như trời như bể, con nuôi cha mẹ kể lể từng ngày”. Đây cũng là thực trạng đang và đã diễn ra ở nước ta. Có không ít trường hợp, gia đình đến 8 người con nhưng nuôi mẹ tính đủ tháng là lại chuyển sang cho người khác nuôi. Anh em bất hòa vì ganh tị nuôi mẹ… Chưa kể còn tranh chấp nhau vì thừa kế tài sản, anh nhiều em ít… xã hội muôn hình muôn vẻ, “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Song song với những gia đình kia thì cũng có rất nhiều gia đình đang hạnh phúc, con cái hiếu thuận với cha mẹ, quan tâm chăm sóc cho bố mẹ rất chu đáo.
Quy luật “sinh, lão, bệnh, tử” ai cũng phải trải qua. Chúng ta cũng vậy, sau này cũng phải già đi, NCT thường hơi khó tính khó chiều. Họ có cuộc sống tự lập nhưng phải quan tâm họ. Điều vô cùng quan trọng là yếu tố tinh thần, phải quý trọng, lễ phép và quan tâm cuộc sống tinh thần. Họ không ăn được nhiều nhưng cần lời nói, cử chỉ, ánh mắt thân thiện. Họ già yếu làm việc không được như ý mình thì cũng nên hiểu và cảm thông chứ đừng buông lời nặng nề hay cáu gắt… Điều NCT cần là sự hậu thuẫn chăm sóc. Hiện nay có rất nhiều mô hình phong phú và đa dạng về chăm sóc NCT. Chúng ta nên học cách tìm hiểu và áp dụng sao cho phù hợp với ông bà, bố mẹ của mình, để họ luôn cảm thấy về già nhưng vẫn được quan tâm, được lo lắng và yêu thương.