Người cao tuổi làm giàu từ trồng cây trúc sào
Tuổi cao gương sáng 14/10/2023 08:04
Ông Đặng Quý Tấn (ngoài cùng bên trái) tại Lễ biểu dương NCT làm kinh tế giỏi, giai đoạn 2018 - 2023 |
Ông Đặng Quý Tấn kể: Trước đây, bà con dân bản vẫn trồng trúc sào theo lối truyền thống, không tập trung, chưa đem lại hiệu quả kinh tế cao. Qua những buổi tập huấn về kĩ thuật trồng, chăm sóc trúc sào, và hỗ trợ cây giống, phân bón nên bà con hưởng ứng nhiệt tình. Nhiều vùng đất hoang năm xưa nay đã phủ một màu xanh bạt ngàn của trúc. Cây trúc sào được đưa vào chương trình xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững tại địa phương.
Năm 2014, sau khi được nghỉ hưu theo chế độ, ông mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các loại giống mới có năng suất cao vào gieo trồng và trồng thử nghiệm cây trúc sào.
Cây trúc sào phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở khu vực này, đất đỏ khô cằn trồng cây khác chậm lớn. Trúc sào trồng 2 năm có thể chặt tỉa cây già bán, đến năm thứ 5 trở đi sản lượng trúc tăng, trung bình 1ha cho khai thác từ 1.500 - 2.000 cây, giá phụ thuộc tùy đường kính từng cây, giá từ 2.000 - 20.000 đồng/cây, thương lái đến tận trên này thu mua. Cây trúc sào đang mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều gia đình trên địa bàn xã.
Theo ông Tấn, thân cây trúc sào có rất nhiều ứng dụng trong đời sống như: Làm chiếu, rèm, thảm trúc, cây trúc khô trang trí, đóng đồ dùng thủ công mỹ nghệ, sản xuất các mặt hàng tre trúc… Thời gian gần đây, những rừng trúc sào còn được người dân làm ra sản phẩm phục vụ du lịch; tổ chức điểm du lịch sinh thái, thu hút nhiều khách đến trải nghiệm, chụp ảnh.
Ngoài ra, trúc còn làm được cả cốc, ấm chén, hộp đựng các loại sản phẩm khô; nhận gia công, thiết kế các sản phẩm bàn ghế, giường, tủ, quán cà phê hay homestay. Bình quân một tháng xuất bán 20 – 30 sản phẩm cho khách hàng khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Cung cấp sản phẩm ống trúc thô cho các công ty chuyên sản xuất các sản phẩm lưu niệm…
Nhận thấy cây trúc mang lại giá trị kinh tế cao, ông Tấn mở rộng diện tích, đến nay có hơn 7ha đã cho thu hoạch. Không dừng lại, ông còn mở thêm 4 cửa hàng dịch vụ gồm các mặt hàng thiết yếu bán cho bà con Nhân dân trong huyện…. Tạo công ăn việc làm ổn định cho 4 lao động và hơn 30 lao động thời vụ, doanh thu đạt trên 2tỉ đồng/năm.
Không chỉ tiêu biểu trong làm kinh tế giỏi, ông còn ủng hộ, đóng góp vào Qũy vì người nghèo, đền ơn đáp nghĩa, hiến hơn 1000m2 đất để mở rộng đường giao thông, cùng đồng hành với chính quyền địa phương trong việc đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Qua đó, góp phần làm thay đổi diện mạo làng quê nông thôn vùng cao.
Bên cạnh đó, ông còn động viên và giúp đỡ người thân, anh em con cháu, họ hàng, bà con dân bản, hội viên NCT cho vay vốn không tính lãi lên tới hàng trăm triệu đồng để họ có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.
Bà Nghĩa, Phó Trưởng ban Đại diện Hội NCT tỉnh tham quan vườn trúc sào của gia đình ông Tấn |
Nói về kế hoạch trong thời gian tới, ông Tấn cho biết: “Tiếp tục nhân rộng diện tích trồng cây trúc sáo, và mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư mở rộng mô hình kinh doanh, dịch vụ, các sản phẩm hàng hóa đa dạng, phong phú để tăng thêm thu nhập cho gia đình…”.
Được biết, cây trúc sào thực sự phát huy hiệu quả trong nâng cao thu nhập, giảm nghèo của bà con dân bản nói chung, gia đình ông Tấn nói riêng trong thời gian qua. Tuy nhiên, vấn đề trăn trở nhất đối với người trồng trúc sào như ông Tấn và bà con rất mong muốn Đảng – Nhà nước cần quan tâm hơn về thị trường tiêu thụ phải an toàn, ổn định, bền vững để họ yên tâm lao động và sản xuất./…