Người cao tuổi làm giàu từ nuôi cá công nghệ cao
Hoạt động hội 26/02/2023 10:26
Ông Mùi đang cho cá ăn |
Dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình nuôi cá công nghệ cao, ông Đỗ Văn Mùi tâm sự: Sau khi xuất ngũ trở về địa phương, cuộc sống gia đình còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, tôi làm đủ thứ nghề để mưu sinh nhưng cái đói, cái nghèo cứ bám riết. Đầu năm 1993, tôi quyết định, mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng lúa hiệu quả thấp và nhận thầu của bà con sang đào ao thả cá.
“Những ngày đầu mới khởi nghiệp, gặp nhiều khó khăn như: thiếu vốn, chưa có kinh nghiệm và tôi chủ yếu nuôi cá truyền thống nên chất lượng không cao, nhiều khi cá bị chết hàng loạt, có năm thiệt hại hàng trăm triệu đồng….”, ông Mùi kể.
Ông Mùi thổ lộ: Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian tìm hiểu thực tế ở một số mô hình nuôi cá công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn VietGAP thông qua sách báo, tôi cũng nắm bắt và được chuyển giao một phần kỹ thuật nuôi cá mới này. Bởi nuôi cá công nghệ cao, nhưng nguồn nước luôn chảy tuần hoàn, cá vận động không ngừng nghỉ nên khỏe mạnh, chóng lớn.
“Đây là mô hình mới, với nguyên lý bơm khí tạo thành dòng chảy trong ao, tăng cường oxy, có các sủi phụ lắp đặt quanh các thành bờ ao, bên dưới lắp đặt thêm các hệ thống thu gom phân và đẩy ra ngoài ao, sau đó phân sẽ được thu gom lại để sử dụng cho đất canh tác”, ông Mùi bật mí.
Ông Mùi nhấn mạnh: “Chăn nuôi cá theo hình thức này, cá lúc nào cũng khỏe mạnh, sức đề kháng cao, không tiếp xúc với bùn, kháng được dịch bệnh, môi trường nước luôn sạch sẽ. Đặc biệt thịt cá săn chắc, giai giòn và chất lượng thịt thơm ngon hơn so với nuôi truyền thống, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy”.
“Đặc biệt, nuôi cá công nghệ cao những con cá trong ao như những vận động viên điền kinh, bởi chúng có sức khỏe rất tốt, hoạt động cả ngày lẫn đêm mà không biết mệt mỏi. Từ đó, những con cá chép, trắm… được ông “ưu ái” đặt cho cái tên mới là “cá thể thao”, ông Mùi ví von.
Cũng theo ông Mùi, nuôi cá công nghệ cao, dễ làm lại rất hiệu quả, do gần nhà nên việc quản lý và chăm sóc được thường xuyên, thức ăn chủ yếu là thức ăn hỗn hợp để nâng chất lượng thịt cá. Ngoài ra, anh còn tận dụng bờ ao trồng thêm cỏ voi để chủ động nguồn thức ăn nhiều chất xơ tự nhiên cho cá.
Đồng thời, để phòng bệnh cho cá, đều đặn mỗi tháng từ 4 - 6 lần, ông dùng các chế phẩm vi sinh xử lý môi trường nuôi, làm sạch nguồn nước và chuyển hoá các chất thải, thức ăn thừa thành phù du có lợi cho con cá. Cạnh đó, ông Mùi còn thường xuyên bổ sung các loại vitamin, tỏi trộn lẫn với thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá.
Hiện tại, ao nuôi cá của ông Mùi đều được đầu tư, xây dựng rất khoa học. Thành bờ ao được kè cứng xây cao và mặt ao luôn thoáng đãng. Đồng thời, hệ thống điện lưới được xây lắp đồng bộ, các phương tiện cơ giới có thể lưu thông dễ dàng hơn…
Ông Mùi bên đàn trâu của gia đình |
Ông Mùi cho biết thêm: Với diện tích hơn 7ha ao, các đối tượng nuôi chủ yếu là cá truyền thống như: Trắm, trôi, mè, chép, chim, rô phi, mỗi năm xuất bán ra thị trường trên 80 tấn cá. Ngoài ra, ông Mùi còn có 3ha chủ yếu trồng cây ăn quả xây dựng chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm và khoảng 70 con trâu…. Sau khi trừ chi phí đi gia đình tôi “bỏ ống” nửa tỷ đồng/1 năm”.
“Ông Đỗ Văn Mùi, hội viên NCT thôn Phù Lưu là tấm gương điển hình trong phong trào phát triển kinh tế của Hội NCT xã Tam Hồng. Bằng sự nỗ lực vươn lên, tích cực tìm tòi, học hỏi cùng sự năng động, dám nghĩ, dám làm, hiện nay, ông đã xây dựng thành công mô hình nuôi cá công nghệ cao, gia cầm, gia súc vươn lên ổn định cuộc sống”, ông Nguyễn Ngọc Tiếp, Phó Chủ tịch Hội NCT xã Tam Hồng cho hay.