Năm 2020: Phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 86 nghìn tỷ đồng
Sự kiện 25/07/2021 09:13
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2020, ngành Thanh tra cả nước đã triển khai 187.426 cuộc thanh tra, kiểm tra; phát hiện vi phạm về kinh tế 86.369 tỷ đồng, 6.366 héc ta đất; kiến nghị thu hồi nộp Ngân sách Nhà nước 23.843 tỷ đồng và thu hồi 830 héc ta đất; Xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 62.526 tỷ đồng, 5.536 ha đất.
Bên cạnh đó, đã tiến hành xử lý hành chính đối với 2.123 tập thể và 485 cá nhân; ban hành 90.193 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân, với số tiền 7.164 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý theo quy định 97 vụ, 99 đối tượng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày trước Quốc hội về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020, chiều ngày 24/7 |
Đánh giá chung về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, kiểm soát và hạn chế được tác động của dịch bệnh. Tuy nhiên theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như:
Một số bộ, ngành, địa phương chậm ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 và chậm báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 so với thời hạn quy định.
Hệ thống pháp luật còn thiếu đồng bộ; tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục, đến ngày 31/12/2020 còn nợ 07 nghị định và 30 văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 nhưng chưa được ban hành. Để khắc phục tồn tại, hạn chế nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật trong thời gian tới.
Đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, Chính phủ xác định phương châm hành động “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”, trọng tâm chỉ đạo, điều hành là tiếp tục thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2276/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 về Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021. Một số nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chủ yếu như sau:
Một là, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực theo quy định của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tài nguyên thiên nhiên; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm trật tự xã hội, phát triển kinh tế; phấn đấu đạt các mục tiêu kinh tế xã hội được Quốc hội thông qua (tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng khoảng 6%, bình quân GDP đầu người khoảng 3.700 USD).
Hai là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại các bộ, ngành, địa phương. Xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm cho từng lĩnh vực, gắn với công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên; phân công rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đưa kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là tiêu chí đánh giá công tác thi đua, khen thưởng và bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức.
Ba là, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và toàn xã hội. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những gương điển hình trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bảo vệ người cung cấp thông tin phát hiện lãng phí theo quy định của pháp luật.
Bốn là, triển khai thực hiện có hiệu quả pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, gắn với công tác phòng chống tham nhũng. Nâng cao công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương; giữa các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Năm là, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện nghiêm việc công khai các hành vi lãng phí và kết quả xử lý hành vi lãng phí theo quy định của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.