Hội đồng hương Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh khu vực phía Nam: Hội tụ đoàn kết, nghĩa tình

Xã hội 21/01/2023 11:18
Tôi gặp bà Thanh tại buổi họp mặt nhân kỉ niệm 51 năm ngày nhập ngũ (30, 31/12/1971) của lớp nữ chiến sĩ Lữ đoàn 134, Binh chủng Thông tin liên lạc quê Ninh Bình. Ở tuổi 68, bà vẫn trẻ trung trong bộ quân phục màu xanh ô liu khi lên diễn đàn kể về những kỉ niệm thời quân ngũ.
Bị cuốn hút về câu chuyện đơn vị bà được Phu nhân Hoàng thân Xu-pha-nu-vông đến thăm, chúc Tết Nguyên đán Việt Nam tại Sầm Nưa, tôi liền đến hỏi kĩ hơn khi bà vừa rời diễn đàn. Với ánh mắt xa xăm và đầy cảm xúc, bà kể:
![]() |
“Cuối tháng 12/1971, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở giai đoạn hết sức quyết liệt. Tôi cùng 80 nữ thanh niên tuổi từ 17 - 20 của tỉnh Ninh Bình tình nguyện nhập ngũ và được biên chế về Trung đoàn 134 (nay là Lữ đoàn 134), thuộc Binh chủng Thông tin liên lạc. Sau mấy tháng huấn luyện quân sự và chuyên môn kĩ thuật, chúng tôi được điều động về các đơn vị của Trung đoàn đứng chân trên nhiều tỉnh, thành miền Bắc và tuyến lửa Quân khu 4. Tôi được về Đại đội 16, đóng quân tại Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa, làm nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc trên tuyến đường dây cấp chiến lược từ Việt Nam sang chiến trường Lào.
Vào đơn vị được ít ngày thì Chỉ huy đại đội giao nhiệm vụ cho tôi và đồng chí Nam sang công tác tại Trạm Cơ vụ A43 đóng tại Sầm Nưa, tỉnh Hủa Phăn, Lào. Nhận nhiệm vụ, tôi lo lắm! Mới 18 tuổi đầu, thân gái dặm trường, rừng núi xa lạ, bom đạn suốt ngày, nguy hiểm luôn rình rập… nhưng có lẽ ý chí của người lính và sự hăng hái của tuổi trẻ đã khiến tôi không chùn bước.
Cuộc hành quân rời đất mẹ Việt Nam sang chiến trường Lào của chúng tôi đi qua sông Chu, sông Mã, đèo Pa Pông và cả những nơi không biết địa danh. Có đoạn may mắn đi nhờ được xe vận tải quân sự của bộ đội, nhiều đoạn phải cuốc bộ, trèo đèo, vượt suối, xuyên rừng, trong khi trên đầu máy bay địch quần đảo, dưới đất lo lính Vàng Pao phục kích. Cứ ngày đi, tối tìm vào trạm giao liên hoặc đơn vị bộ đội, Thanh niên xung phong trú quân xin nghỉ, rồi chúng tôi cũng về đến Trạm Cơ vụ A43.
Những ngày đầu, tôi rất nhớ nhà, nhớ quê hương, đất nước. Cũng may, Sầm Nưa là căn cứ địa vững chắc ở gần Việt Nam và luôn nằm trong vùng kiểm soát của Bộ đội Pa thét Lào nên khá an toàn. Máy bay địch tuy vẫn bay qua và ném bom nhưng hầu như không gây thiệt hại đáng kể. Người dân Lào ở đây rất tốt, luôn giúp đỡ, đùm bọc Bộ đội tình nguyện Việt Nam. Vào dịp Tết năm mới Bunmipay cổ truyền của bạn, bộ đội ta còn được dự lễ hội té nước, đi thăm và chúc Tết đồng bào. Có điều, những người mới sang như tôi không biết tiếng Lào, ngôn ngữ bất đồng nên chỉ biết hòa mình vào các điệu lăm vông, lăm tơi với bà con mà thôi.
![]() |
Bà Hoàng Thị Thanh (hàng đầu thứ 2 từ trái sang) tại Trạm cơ vụ A43 ở Na Cay, Sầm Nưa, Hủa Phăn, Lào năm 1972-1973 |
Trạm Cơ vụ A43 nằm trong hang đá, là Tổng đài Thông tin đầu mối phục vụ cho lãnh đạo Trung ương bạn và chuyên gia quân sự ta chỉ huy chiến đấu trên chiến trường Lào, đồng thời kết nối liên lạc với Việt Nam. Vì vậy, cán bộ, chiến sĩ của Trạm luôn được các cấp lãnh đạo hai bên rất quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi trong mỗi lần vào sửa dây, thay máy điện thoại nơi làm việc của các đồng chí lãnh đạo tối cao của bạn ở các nơi khác. Về đây, tôi được giao nhiệm vụ trực Tổng đài 100 số, tiếp chuyển liên lạc cho các máy điện thoại của lãnh đạo, chỉ huy, cơ quan, đơn vị của bạn và ta trong căn cứ địa. Có những lần tôi còn được vào hang Noọng, được các đồng chí Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào Cay-xỏn Phôm-vi-hản; Hoàng thân, Chủ tịch Xu-pha-nu-vông ân cần thăm hỏi, động viên.
Tết Nguyên đán Quý Sửu 1973, cán bộ, chiến sĩ Trạm Cơ vụ A43 vừa tập trung bảo đảm thông tin cho lãnh đạo bạn và ta khiển khai nhiệm vụ đầu năm, vừa chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc. Nói là chuẩn bị đón Tết nhưng cũng không có gì ngoài tiêu chuẩn được bảo đảm tại căn cứ và không có bánh chưng. Thực ra, trên đất nước Lào, người dân thường ăn xôi, nên gạo nếp để gói bánh chưng không hiếm. Cái khó là không có đủ nguyên liệu và điều kiện để gói, luộc bánh chưng, thành ra bữa cơm 30 Tết của Trạm cũng chỉ tươi hơn ngày thường một chút.
Đúng lúc ấy, Trạm được trên thông báo có lãnh đạo cơ quan Trung ương của bạn Lào đến thăm, chúc Tết nên cán bộ, chiến sĩ rất phấn khởi. Mọi người ùa ra đón khách và thật bất ngờ khi thấy người dẫn đầu đoàn khách chính là bà Viêng-khăm Xu-pha-nu-vông, phu nhân của Hoàng thân Chủ tịch Xu-pha-nu-vông. Bà tươi cười thăm hỏi, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ trong Trạm bằng tiếng Việt rất sõi, với chất giọng miền Trung ấm áp. Khi người trong đoàn đưa ra một túi quà, bà bảo: “Tết cổ truyền của Việt Nam không thể thiếu bánh chưng, vì thế tôi tặng các đồng chí một ít bánh chưng được đưa từ Việt Nam sang, để các đồng chí có được hương vị quê hương”.
Món quà khiến cả trạm vô cùng xúc động. Không ai ngờ phu nhân của Hoàng thân, Chủ tịch nước Lào lại am hiểu phong tục Tết của Việt Nam và quan tâm đến Bộ đội Việt Nam như vậy. Có lẽ, trong cuộc đời, tôi chưa bao giờ được ăn một miếng bánh chưng ngon và đậm đà tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Lào đến thế.
Sau này, qua tìm hiểu, tôi được biết, phu nhân của Chủ tịch Xu-pha-nu-vông là người Việt Nam. Bà tên là Nguyễn Thị Kỳ Nam, quê ở Huế, vốn là nữ sinh trường Đồng Khánh Nha Trang, con gái một gia đình tư sản giàu có, hoa khôi xứ Trung Kì, được nhiều người quyền quý theo đuổi. Năm 1937, gặp Hoàng thân Xu-pha-nu-vông tại Nha Trang, bà ngưỡng mộ tư chất và lí tưởng cách mạng của ông nên đã quyết tâm suốt đời gắn bó với ông trên con đường kháng chiến. Vợ chồng Hoàng thân sinh được 10 người con, tất cả đều có tên Việt Nam, trong đó có 4 người con được Bác Hồ đặt tên là Quang, Minh, Chính, Đại… Cho nên tôi càng thấm thía câu thơ của Bác Hồ về tình hữu nghị đặc biệt giữa 2 dân tộc: “Việt - Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà - Cửu Long”, để phấn đấu làm tròn nhiệm vụ quốc tế của mình”.
Kỉ niệm từ 50 năm trước ùa về, khiến gương mặt bà Thanh như trẻ lại và bừng sáng. Vì thời gian quá ít, tôi không kịp hỏi kĩ hơn về những năm tháng bà ở chiến trường Lào. Gặng thêm bà về cuộc sống hiện tại, bà vắn tắt cho biết, sau khi cách mạng Lào giành thắng lợi và đất nước hoàn toàn thống nhất, bà về nước công tác. Năm 1976, bà chuyển ngành về Bưu điện tỉnh Ninh Bình, lấy chồng, sinh con, ổn định cuộc sống tại ngõ 151, phố Khánh Bình, phường Ninh Khánh, TP Ninh Bình.
Năm 2009, sau khi nghỉ hưu, bà vẫn tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương. Hiện bà là Phó Chi hội trưởng Chi hội NCT khu phố, tích cực động viên NCT và bà con trong khu phố tham gia các phong trào thi đua yêu nước, trong đó có phong trào “Tuổi cao - Gương sáng”