Mạnh dạn cho các địa phương Vùng Tây Nguyên thí điểm chính sách đặc thù
Xã hội 22/11/2022 09:43
Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23 đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, 23 nhiệm vụ cụ thể, 9 dự án đầu tư và hạ tầng giao thông kết nối và phân công cho các Bộ, ngành triển khai thực hiện, có lộ trình thời gian cụ thể. Chương trình có nhiều điểm mới, có tính đột phá trong phát triển của Vùng, nhất là về định hướng phát triển, mục tiêu cụ thể, giải pháp rõ ràng, nhiệm vụ cụ thể; gắn với một số chủ trương lớn về xây dựng cơ chế chính sách đặc thù... là cơ sở và là cơ hội cho Vùng Tây Nguyên phát triển trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045.
Các Bộ, ngành, địa phương tham luận về kế hoạch của Bộ, ngành, địa phương mình thực hiện Chương trình. Các tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp tham luận về việc hợp tác đầu tư, đẩy mạnh kết nối hạ tầng vùng Tây Nguyên với hạ tầng quốc gia và khu vực; huy động sự quan tâm và hỗ trợ của cộng đồng trong hợp tác phát triển hài hòa giữa KT-XH, bảo vệ tài nguyên, môi trường, gìn giữ văn hóa truyền thống; tiềm năng, cơ hội hợp tác kinh tế xanh trên địa bàn Tây Nguyên...
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Tây Nguyên |
Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Tây Nguyên có vai trò, vị trí chiến lược, đặc biệt quan trọng; có tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, song chưa phát triển tương xứng. Do đó cần phải thúc đẩy phát triển vùng Tây Nguyên phù hợp với chiến lược phát triển chung của cả nước.
Các bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng chương trình hành động thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ; hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế chính sách đặc thù trình Chính phủ để cho làm thí điểm; thực hiện xây dựng quy hoạch với tầm nhìn chiến lược và tư duy đột phá; xây dựng hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, trong đó xây dựng các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt kết nối Đông - Tây; phát triển công nghiệp chế biến gắn với kinh tế nông nghiệp; phát triển văn hóa gắn với du lịch; huy động các nguồn lực vào đầu tư, trong đó có hợp tác giữa Trung ương và địa phương, hợp tác công tư và thu hút đầu tư nước ngoài; xây dựng thương hiệu mạnh cho các sản phẩm của Tây Nguyên.
Về xúc tiến đầu tư, phải dựa vào quy hoạch, dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Tây Nguyên và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Do đó, các địa phương phải sớm hoàn thiện và ổn định cơ chế chính sách thu hút đầu tư phù hợp, sát thực tiễn, mang tính khả thi, mang lại hiệu quả.
Đối với các doanh nghiệp, Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đối tác phát triển tiếp tục giữ vững niềm tin, nêu cao tinh thần hợp tác cùng có lợi, khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam và Tây Nguyên. Xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thực hiện đúng cam kết đầu tư, thoả thuận hợp tác; nghiêm túc tuân thủ luật pháp; thực hiện tốt văn hóa doanh nhân, nói không với tiêu cực; thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người lao động và đồng hành với chính quyền các cấp...
Các địa phương cần hoàn thiện quy hoạch; thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh thực hiện 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia; thực hiện tăng thu, tiết kiệm chi, trong đó tiếp tục cắt giảm 10% chi tiêu; hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh; tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh, hiệu quả, bền vững…