“Mang hết tâm huyết, tấm lòng phục vụ bà con”
Hoạt động hội 19/09/2020 08:14
Ông Tính vốn là giáo viên tiếng Anh, dạy học tại Trường cấp III (sau này là Trường THPT) Quốc Oai, Hà Tây (cũ). 5 năm ngồi trên ghế giảng đường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, được dạy rất kĩ về giáo học pháp, văn phong, ngữ pháp nên sau này ông khá vững tin khi soạn thảo văn bản, viết bài cho báo chí. Năm 1980 ông viết bài đầu tiên cho Báo Hà Sơn Bình, rồi là cộng tác viên của Đài Phát thanh tỉnh, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Tiền phong, Báo Nhân dân. Năm 1982, ông tham dự lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí do Hội Nhà báo tỉnh tổ chức, các nhà báo kì cựu ở Hội Nhà báo Việt Nam về giảng đã tiếp thêm trong ông ngọn lửa đam mê.
Ông Đặng Tài Tính (thứ hai từ trái sang) tại Hội nghị cộng tác viên của Báo Người cao tuổi năm 2019 |
Nhận công tác ở Ban Tôn giáo Chính phủ cuối những năm 80 thế kỉ trước, ông tiếp tục viết bài và tham gia thành lập Bản tin Tôn giáo, tiền thân của Tạp chí Công tác Tôn giáo hiện nay. Mặc dù công việc rất bận nhưng ông vẫn dành thời gian viết bài cho một số cơ quan báo chí. Công việc thường xuyên phải cọ xát, giảng bài trong nước và tham gia nhiều cuộc đối thoại trực tiếp, đấu tranh bảo vệ nhân quyền, tự do tôn giáo với Mỹ, Liên minh châu Âu, Australia, Đan Mạch, Na Uy và nhiều nước khác đã cho ông cơ hội tích lũy kinh nghiệm phục vụ cho việc viết bài.
Từ năm 1990 và những năm đầu của thế kỉ XXI, các thế lực thù địch nước ngoài câu kết với các phần tử xấu ở trong nước lợi dụng nhân quyền, dân chủ, dân tộc, tôn giáo để vu cáo, xuyên tạc cái gọi là “Tình hình vi phạm nhân quyền, tự do tôn giáo” ở Việt Nam, kích động số chống đối ở trong nước có lúc gây căng thẳng, phức tạp. Ông đã có hàng mấy chục bài khẳng định quan điểm, chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và chính sách, pháp luật công khai, minh bạch của Nhà nước ta phù hợp với luật pháp quốc tế và tương thích với luật pháp của nhiều quốc gia trên thế giới. Những bài viết khách quan, hùng hồn, phê phán đanh thép như “Hãy dọn dẹp căn nhà của mình trước đã” khi đề cập đến các thế lực xấu ở nước ngoài kích động gây tình hình căng thẳng ở Tây Nguyên vào tháng 4/2001, đã góp phần làm cho dư luận trong và ngoài nước hiểu bản chất các thế lực thù địch. Từ những bài viết và những buổi nói chuyện tại CLB Ba Đình, Thăng Long và một số hội nghị do Ban Tuyên giáo TƯ tổ chức, một số cơ quan báo chí đã cử phóng viên đến gặp và đặt bài ông. Với những bài viết chất lượng, hiệu quả tuyên truyền lớn, ông đã được nhận Giải Khuyến khích tại Giải Báo chí Quốc gia lần thứ V năm 2010.
Ông Đặng Tài Tính (giữa) trong đoàn lãnh đạo TƯ Hội đi cơ sở |
Tháng 9/2011, ông Tính về công tác ở TƯ Hội NCT Việt Nam. Chỉ một thời gian ngắn ông đã viết bài cho Báo, Tạp chí Người cao tuổi. Theo ông, để cho ra lò một sản phẩm, phải sắp xếp bố cục, nội dung và đọc đi đọc lại điều chỉnh, sửa chữa từng câu từng đoạn, khi thấy yên tâm mới “bắn” cho tòa soạn. Ông bảo, độc giả của Báo Người cao tuổi cũng rất “đặc thù”, nhiều cụ là bậc lão luyện trong chữ nghĩa, nên phải rất cẩn trọng chỉn chu câu chữ, phải luôn sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu để viết tốt hơn.
Luôn nhiệt tình, tận tâm trong công việc, ông được bà con tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng dân phố ở phường Cống Vị (quận Ba Đình, TP Hà Nội) trong suốt hơn 23 năm. Công việc nhiều, nhưng ông vẫn dành thời gian đến từng hộ, gặp gỡ NCT, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, từ đó, bổ sung thông tin, kiến thức cho bài viết. Các bài viết của ông luôn hướng về NCT, hoạt động Hội, về Chân - Thiện - Mĩ; tình đoàn kết, hòa hợp trong cộng đồng, sống hướng thiện; mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình; nhân phẩm, đạo đức cán bộ, đảng viên hay vấn đề đào tạo, lựa chọn những “công bộc” của dân theo lời dạy của Bác Hồ. Ông cũng không ngần ngại phê phán những người lợi dụng ngòi bút để viết cốt làm thỏa mãn “thị hiếu” kiếm tiền, phản ánh sai sự thật… Bài viết của ông, vừa ngắn gọn vừa có tính giáo dục, được bạn đọc tâm đắc, đánh giá cao. Với ông, đó là phần thưởng vô giá. Ông tâm sự, nhiều cụ bảo tôi đọc Báo (nay là Tạp chí Người cao tuổi) từ trang đầu đến trang cuối vì nội dung hấp dẫn, phù hợp với tuổi già, có nhiều bài còn photocopy cho người khác cùng đọc.
Ông Đặng Tài Tính phát biểu tại Hội nghị Đảng bộ Cơ quan TƯ Hội NCT Việt Nam |
Hỏi ông quan tâm đến lĩnh vực nào nhất, ông bảo: Tôn giáo, nhân quyền là đề tài gắn bó suốt mấy chục năm nên vẫn viết. Sau khi về công tác ở Hội NCT, ông cũng nghiên cứu viết khá nhiều bài về hoạt động Hội và nhiều mảng khác như nông nghiệp, môi trường, giáo dục, cuộc sống xã hội… Nhưng điều quan trọng với ông là viết để bạn đọc “tiêu” được, không viết những bài thiếu tâm huyết, thiếu trách nhiệm. Đến nay, ông đã viết ngót nghìn tin, bài các loại, mỗi tháng ông có khoảng gần chục bài gửi cho báo Hội.
Nói chuyện mãi về bài viết, tôi hỏi ông khi đương chức thường xuyên đi công tác trong nước và nước ngoài, làm thế nào mà ông vẫn đảm nhận công việc ở tổ dân phố, lại còn viết được nhiều bài? Ông cười, chắc là mình có duyên với chức này nên làm được. Trong cuộc sống, ông luôn gần gũi, chia sẻ, sẵn sàng giúp đỡ mọi người, có gia đình nhờ giúp khuyên bảo các cháu không làm việc sai trái, ông kiên trì phân tích, thuyết phục; có gia đình nhờ giúp tổ chức lễ tang cho người thân, ông báo cáo cấp ủy, bàn với Ban Công tác Mặt trận cùng lo việc tang. Ngoài ra, ông còn nỗ lực vun đắp tình đoàn kết, xây dựng môi trường sống thân thiện, tạo niềm tin cho người dân bằng những việc làm hiệu quả, thiết thực. Tổ dân phố do ông làm Tổ trưởng luôn đạt “Tổ dân phố Văn hóa”, Gia đình ông luôn đạt danh hiệu “Gia đình Văn hóa”.
Tôi hỏi tiếp, nhiều người bảo ông còn khỏe, sức viết còn tốt. Ông kể: Cách đây hơn 20 năm ông rất khỏe, hầu như không đau ốm, đi công tác ở các tỉnh phía Nam có những đợt kéo dài hàng tháng trời, nặng tới 70kg nên chủ quan không đi khám bệnh. Tháng 12/2000, ông bị trận ốm thập tử nhất sinh, tưởng đã “đi” rồi nhưng được cấp cứu kịp thời. Sau lần đó, ông dành thời gian luyện tập thể dục hằng ngày, thực hiện chế độ ăn uống hợp lí để bảo đảm sức khỏe, tiếp tục công tác bình thường, 20 năm nay cân nặng chỉ trong khoảng 60 - 61kg.
Bắt tay tạm biệt tôi, ông vui vẻ: Sẽ cầm bút viết đến khi nào không thể làm được mới thôi và tiếp tục đóng góp cho địa phương với tinh thần “có thể làm được điều gì cho người dân, đóng góp cho xã hội, sẽ làm hết mình, mang hết tâm huyết, tấm lòng phục vụ bà con".