Mái ấm tình thương của NCT
Chăm sóc NCT 01/07/2022 08:24
Mỗi cụ mỗi hoàn cảnh thương tâm khác nhau và đã được nuôi dưỡng ở đây hàng chục năm. Cụ Lê Thị Hiền (quận Hải Châu), 92 tuổi, là người cao tuổi nhất ở mái ấm này nhưng vẫn còn minh mẫn, làm chủ được sinh hoạt. Không còn ai thân thích, cụ Hiền sống ở mái ấm này đã hơn 20 năm và coi nơi đây như gia đình của mình. Cụ Hiền bộc bạch: “Chị em chúng tôi đồng cảnh ngộ, coi nhau như ruột thịt, thương yêu, động viên, gắn bó nhau để sống những năm tháng cuối đời”. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Lan, 61 tuổi, bị bệnh động kinh, không nơi nương tựa, được đưa vào đây sinh sống. Nữ tu Huỳnh Thị An, Giám đốc Mái ấm tình thương cho biết: “Ngoại trừ những lúc lên cơn động kinh, bà Lan rất siêng năng phụ giúp các công việc làm bếp, quét nhà, tăng gia, chăn nuôi”.
Mái ấm tình thương được thành lập từ năm 1995 |
Mái ấm tình thương được thành lập năm 1995, hiện do Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em TP Đà Nẵng quản lí. Trong 25 NCT ở mái ấm này có 5 người bất động, nằm liệt giường, hằng ngày được các nữ tu phục vụ tại chỗ, 19 người phải đi lại trên xe lăn, xe đẩy. Mỗi năm, các cụ được khám sức khỏe định kì 2 lần tại bệnh viện và nhiều lần được các thầy thuốc và các chuyên viên phục hồi chức năng làm công tác thiện nguyện đến khám bệnh, tập luyện, cấp thuốc chữa bệnh tại chỗ. Xơ An, 1 trong 8 người đang trực tiếp chăm sóc các cụ cho biết: “8 nữ tu chúng tôi không phân biệt vị trí, chức tước, ai cũng tận tình tham gia chăm sóc các cụ, coi các cụ như người ruột thịt”.
Nguồn kinh phí nuôi dưỡng các cụ dựa vào kết quả tăng gia sản xuất, chăn nuôi, chế độ hỗ trợ NCT của TP Đà Nẵng và sự ủng hộ của các nhà hảo tâm gần xa. Đặc biệt, một tổ chức phi Chính phủ của Pháp đã hỗ trợ lắp đặt thiết bị điện năng lượng mặt trời, bảo đảm nguồn điện cho mái ấm đun nấu và cho các cụ sử dụng tắm rửa bằng nước ấm quanh năm. Xơ An chia sẻ: “Mới đây, nhân Ngày truyền thống NCT Việt Nam (6/6), lãnh đạo TP Đà Nẵng đến thăm, tặng quà và hỗ trợ Mái ấm tình thương 5 triệu đồng”.
Ngoài ra, Mái ấm tình thương tạo điều kiện cho 17 sinh viên xa nhà, có hoàn cảnh nghèo khó, chỗ ở và ăn uống miễn phí. Hằng ngày, ngoài giờ học, sinh viên nam giúp làm vườn, chăn nuôi, chăm sóc cây xanh, cảnh quan. Trong khi đó, sinh viên nữ phụ giúp công tác cấp dưỡng, quét dọn, hỗ trợ các cụ tắm rửa, làm vệ sinh cá nhân…
Với diện tích khuôn viên rộng hơn 6.000m2, lượng rau xanh làm ra không những đủ dùng trong mái ấm mà còn có bán để mua thịt, cá, cải thiện chất lượng bữa ăn cho các cụ. Các nữ tu còn tổ chức chăn nuôi đàn gà, mỗi lứa 100 con để tạo nguồn thực phẩm, nâng cao đời sống các cụ.
Trao đổi với phóng viên, Xơ An cho biết, trong Mái ấm tình thương hiện có 10 cụ chưa được nhập khẩu và chưa được hưởng chế độ NCT, đồng thời 8 nữ tu phục vụ các cụ rất mong được lãnh đạo thành phố hỗ trợ bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội. Đặc biệt, các cụ hiện có hộ khẩu của Tu viện Sao Biển (16 Phan Tứ) nên có nguyện vọng muốn tách thành hộ khẩu độc lập, mong được cơ quan có thẩm quyền giải quyết.