Lào truy tặng Huân chương Anh dũng hạng Nhất cho Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện
Tin tức 28/09/2023 08:40
Quân khu Trung Lào và Tỉnh ủy Sa Ra Van thăm và làm việc với Sư đoàn 968 tại Sa Ra Van, Nam Lào năm 1972. Từ trái sang: Đồng chí Hoàng Thế Thiện, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn; Xủm Sừn, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Nhân dân cách mạng Lào phụ trách Nam và Hạ Lào; Bun Thà, Phó Bí thư Tỉnh ủy Sa Ra Van; Nguyễn Ngọc Sơn, Chính ủy Sư đoàn 96. (Nguồn: Nhà lưu niệm Thiếu tướng Hoàng Thái Thiện) |
Chiều 26/9/2023, tại Hội trường Bộ Quốc phòng, quận Ba Đình, TP. Hà Nội, Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào phối hợp với Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức Lễ trao khen thưởng của Nhà nước và Bộ Quốc phòng Lào cho các tập thể, cá nhân Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Cố Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện (1922-1995), nguyên Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV, Trưởng Ban B.68 Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn, Đoàn 559; là chiến sĩ Cách mạng hoạt động ở cả ba nước Đông Dương, giúp cách mạng Lào và cách mạng Campuchia.
Thừa uỷ nhiệm của Nhà nước Lào, Đại sứ Sengphet Houngboungnuang trao Huân chương Anh dũng hạng Nhất truy tặng cố Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam. Đại diện gia đình Cố Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện đón nhận huân chương (ngoài cùng bên phải) |
Từ tháng 5/1970 đến tháng 2/1975, Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện công tác và chiến đấu tại chiến trường Trường Sơn, lần lượt giữ các chức vụ: Phó Chính ủy Mặt trận 968 - Nam Lào, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh khu vực 470, Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Trong thời gian này, Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện có những đóng góp đối với Cách mạng Lào, góp phần tô thắm tình đoàn kết gắn bó keo sơn giữa hai quân đội và hai dân tộc Việt - Lào trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung, cụ thể:
Tham gia chỉ huy cụm phía Tây trong chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào (từ 30/1/1971 đến 23/3/1971), góp phần đáng kể vào thắng lợi to lớn của chiến dịch.
Trước khi diễn ra chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào, trên cương vị là Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn Hoàng Thế Thiện cùng Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn Hoàng Kiện trực tiếp chỉ huy Sư đoàn 968 và Trung đoàn 29 đánh quân Ngụy Lào nống lấn ra Mường Phìn, đường 9, địa phận Xa Van Na Khét, đã đẩy địch lùi về Đồng Hến.
Trong kế hoạch chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào, Bộ Tư lệnh Trường Sơn lập ra Bộ Tư lệnh Tiền phương phụ trách đánh địch ở cụm phía Tây đường 9 với lực lượng gồm có Sư đoàn 968, các trung đoàn độc lập và Sư đoàn 2, Quân khu 5. Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Trường Sơn phân công làm Chính ủy Bộ Tư lệnh Tiền phương, Đảng ủy viên Bộ Tư lệnh chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào (Bộ Tư lệnh 702).
Khi diễn ra chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào, đồng chí Hoàng Thế Thiện cùng Bộ Tư lệnh Tiền phương chỉ huy bộ đội ngoan cường, linh hoạt chiến đấu, chặn đánh quân chủ lực Ngụy Lào và quân Thái Lan, tiêu diệt hàng trăm tên địch, đánh bại chiến thuật “trực thăng vận” của địch, giải phóng được Mường Pha Lan, làm cho địch không thực hiện được âm mưu hợp điểm với quân Mỹ và quân ngụy Sài Gòn ở Sê Pôn, góp phần đáng kể vào thắng lợi to lớn của chiến dịch.
Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào đã làm thất bại nặng nề về quân sự và chính trị của Mỹ và chính quyền ngụy Sài Gòn, bảo vệ vững chắc tuyến hành lang vận tải chiến lược dọc biên giới Việt Nam - Lào, tạo ra bước ngoặt quan trọng trong so sánh tương quan lực lượng và thế chiến lược trên chiến trường có lợi cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước không chỉ của Việt Nam, mà cả ba nước Đông Dương.
Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào đã mở ra cục diện mới trên chiến trường, tạo thế và lực đưa sự nghiệp cách mạng của nhân dân Lào đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Sau thắng lợi của chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào, đầu tháng 4/1971, đồng chí Hoàng Thế Thiện cùng Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn Đồng Sĩ Nguyên tổ chức đợt chiến đấu mới, tiêu diệt và làm tan rã 3 tiểu đoàn của quân Ngụy Lào và quân Thái Lan, giải phóng Đồng Hến, đẩy địch đến tận Sê Nô (Đường 13), đảm bảo an toàn cho hành lang phía Tây của tuyến chi viện Trường Sơn.
Chỉ huy cụm Hạ Lào trong cuộc tiến công mở rộng vùng giải phóng Trung - Hạ Lào (từ 18/10/1972 đến 8/2/1973) giành thắng lợi lớn
Khi diễn ra cuộc tiến công mở rộng vùng giải phóng Trung - Hạ Lào, trên cương vị là Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn, đồng chí Hoàng Thế Thiện trực tiếp chỉ huy cụm Hạ Lào gồm Sư đoàn tình nguyện 968, Sư đoàn khu vực 471, các lực lượng chuyên gia giúp bạn phối hợp với bộ đội Pa Thét Lào mở các đợt tiến công mạnh quân Ngụy Lào, giải phóng tỉnh Sa Ra Van, sau đó giải phóng tiếp Tha Teng, Huội Xai, Huội Công, ngã ba Lào Ngam, phần lớn cao nguyên Bô Lô Ven và thị trấn Pắc Xoòng, làm cho căn cứ Hạ Lào mở rộng hơn bao giờ hết.
Cuộc tiến công liên tục của bộ đội Trường Sơn và bạn Lào kéo dài 128 ngày, giành thắng lợi lớn: Tiêu diệt 5.538 tên Ngụy Lào và quân Thái Lan; tiêu hao nặng 3 binh đoàn cơ động (GM 41, 42, 33); diệt gọn tiểu đoàn 621 quân Thái Lan và Sở chỉ huy Trung đoàn 401 của quân Ngụy Lào cùng các trận địa pháo; bắn rơi 57 máy bay Mỹ, 24 xe quân sự bị phá hủy. Một vùng đất rộng lớn với hàng loạt vị trí chiến lược của địch từ Pha Lan xuống Sa Ra Van, Bô Lô Ven, A Tô Pơ được giải phóng. Căn cứ cách mạng ba nước Đông Dương được mở rộng và củng cố.
Tham gia chỉ huy Bộ Tư lệnh khu vực 470, Cơ quan Tiền phương của Bộ Tư lệnh Trường Sơn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ khu căn cứ chiến lược ở vùng biên giới ba nước Việt Nam - Lào – Campuchia.
Từ tháng 7/1971 đến tháng 5/1973, trên cương vị là Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn, đồng chí Hoàng Thế Thiện được phân công kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh khu vực 470, cơ quan Tiền phương Bộ Tư lệnh Trường Sơn, đóng ở khu vực cuối đường Hồ Chí Minh, bảo vệ khu căn cứ chiến lược ở vùng biên giới ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Mặc dù bị địch đánh phá ác liệt, có lúc đường bị tắc, thiếu xăng dầu, cuộc chiến đấu vô cùng gian khổ, ác liệt, đồng chí Hoàng Thế Thiện đã cùng tập thể Đảng ủy Bộ Tư lệnh khu vực 470 tìm nhiều biện pháp làm thất bại âm mưu thủ đoạn của địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ khu căn cứ chiến lược ở vùng biên giới ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thăm và làm việc với Bộ Tư lệnh Trường Sơn và Mặt trận 968 Nam Lào tại Quảng Bình, tháng 7/1970, bàn mở đường tiêu chuẩn Đông Trường Sơn và chuẩn bị cho Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào. Từ phải sang: Đồng chí Lê Xy, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn; Hoàng Thế Thiện, Phó Chính ủy Mặt trận 968 Nam Lào; Đồng Sĩ Nguyên, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn; Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Cao Văn Khánh, Tư lệnh Mặt trận 968 Nam Lào; Nguyễn Lang, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn. (Nguồn: Nhà lưu niệm Thiếu tướng Hoàng Thái Thiện) |
Những đóng góp của đồng chí Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện đối với Cách mạng Lào trong thời kỳ công tác, chiến đấu tại chiến trường Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ đã góp phần tô thắm tình đoàn kết gắn bó keo sơn giữa hai quân đội và hai dân tộc Việt - Lào trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung, được sử sách hai nước trân trọng ghi nhận.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của Cố Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện
Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện, tên khai sinh là Lưu Văn Thi, quê ở quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng; tham gia cách mạng khi mới 18 tuổi. Tháng 3/1943, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, đày đi Sơn La. Hai năm sau, đồng chí vượt ngục, về hoạt động vũ trang tuyên truyền ở Võ Nhai, làm Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Vĩnh Yên.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tháng 4/1947, đồng chí Hoàng Thế Thiện được Đảng điều vào quân đội, làm Trưởng phòng Chính trị Liên khu 10; Chính ủy Trung đoàn Sông Lô; Chính ủy Trung đoàn Tây Đô, rồi Chủ nhiệm Chính trị Phân liên khu Tây Nam Bộ. Sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, tháng 12/1955, đồng chí là Chủ nhiệm Chính trị Liên khu 3, tiếp đó là Chính ủy Ban Nghiên cứu sân bay (tiền thân của bộ đội Không quân sau này). Đồng chí Hoàng Thế Thiện là Chính ủy đầu tiên của Cục Không quân, có công đặt nền móng công tác chính trị ở quân chủng kỹ thuật hiện đại này của quân đội ta. Tháng 10/1964, đồng chí được Đảng và quân đội cử vào Nam trên chuyến tàu không số. Từ 1964 đến 1974, đồng chí là Phó Chính ủy Quân khu 8, Phó Chính ủy Sư đoàn 9, Chính ủy Sư đoàn 1 Quân Giải phóng miền Nam, Chính ủy Sư đoàn 304, Phó Chính ủy Mặt trận 968 - Nam Lào, rồi Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn (Đoàn 559). Đầu năm 1975, Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện là Chính ủy đầu tiên của Quân đoàn 4 (Binh đoàn Cửu Long) tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh.
30 năm chiến tranh, đồng chí Hoàng Thế Thiện được Đảng và quân đội tin cậy giao đảm trách công tác Đảng, công tác chính trị ở nhiều đơn vị quan trọng. Được cử vào chiến trường Nam Bộ vào thời điểm khó khăn nhất, đồng chí đã không quản gian khổ hy sinh, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, ra sức đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Sau ngày non sông liền một dải, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ IV (tháng 12/1976), Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện được bầu là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tháng 4/1977, đồng chí giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng kinh tế. Cuối năm 1978, đồng chí là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban B.68 Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Phó Trưởng Ban lãnh đạo Đoàn chuyên gia của Trung ương tại Campuchia, Trưởng Đoàn chuyên gia Quân sự Việt Nam tại Campuchia.
Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế cao cả trở về nước, Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện được Đảng và Nhà nước phân công giữ chức Thứ trưởng thứ nhất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Thứ trưởng Thường trực đầu tiên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam khóa II. Trên các cương vị công tác, đồng chí luôn thể hiện là một cán bộ trung kiên của Đảng, xứng đáng là một chiến sĩ cách mạng mẫu mực, có phẩm chất và năng lực, đoàn kết chân thành, khiêm tốn giản dị, nhất mực nghĩa tình với đồng chí, đồng đội.
Là một cán bộ giàu lòng nhân ái, ngay từ khi chiến tranh chưa kết thúc, đồng chí Hoàng Thế Thiện đã cùng với Bộ Tư lệnh Trường Sơn chủ trương lập các đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ hy sinh ở Trường Sơn, chuẩn bị cho việc xây dựng nghĩa trang liệt sĩ của Bộ đội Trường Sơn. Khi giữ chức Thứ trưởng Thường trực đầu tiên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đồng chí đại diện cho Chính phủ Việt Nam đàm phán và ký kết Hiệp định về thành lập Làng trẻ em SOS Việt Nam với Làng trẻ em SOS Quốc tế. Hiện nay, mạng lưới Làng trẻ em SOS Việt Nam được phát triển và có các dự án hoạt động tại 17 tỉnh, thành trong cả nước. Là Chủ tịch danh dự đầu tiên của Làng trẻ em SOS Việt Nam, đồng chí được coi như người cha rất đỗi nhân văn của con trẻ.
Dẫu đã đi xa gần 30 năm, nhưng hình ảnh và cuộc đời hơn 55 năm hoạt động cách mạng, chiến đấu và công tác của Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện vẫn còn in đậm trong tâm trí của nhiều người. Nhiều tướng lĩnh, cán bộ lão thành cách mạng, các nhà nghiên cứu lịch sử, nhà văn, nhà báo, đã có những bài viết, nhận xét, thể hiện tình cảm kính trọng, yêu mến vị tướng tài năng, đức độ.
Trong thư gửi Ban liên lạc Ban B.68 Trung ương Đảng và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam ngày 5/9/2013, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá: “Đồng chí Hoàng Thế Thiện là một cán bộ cao cấp của Đảng, một vị tướng của Quân đội. Đồng chí đã từng đảm nhiệm những chức vụ quan trọng, suốt đời chiến đấu vì sự nghiệp của Đảng, của Dân tộc. Đồng chí có ưu điểm nổi bật là dù ở cương vị nào cũng là tấm gương đoàn kết và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được đồng chí, đồng đội tin yêu.”
Bộ Tem bưu chính “Chiến sĩ cách mạng Hoàng Thế Thiện (1922-1995)” |
Hiện nay, theo thống kê chưa đầy đủ, danh tướng Hoàng Thế Thiện đã được 15 tỉnh, thành phố chọn đặt tên đường, từ quê hương Hải Phòng đến Thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, v.v. Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Tên tuổi của đồng chí được định vị trong “Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam” (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004).