Làm gì để tạo bệ phóng cho ngân hàng số bứt phá?
Kinh tế 02/04/2022 15:55
Luật gia Hồ Minh Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) |
Có thể khẳng định, cuộc Cách mạng Công nghiệp (CMCN) 4.0 cùng với sự phát triển công nghệ thông tin đã tác động tới tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Trong đó, sự phát triển mạnh mẽ của các công ty công nghệ tài chính (Fintech), chuyển đổi thành ngân hàng số là hướng phát triển bền vững cho các ngân hàng trên thế giới và tại Việt Nam. Đáng chú ý, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát đã làm thay đổi nhận thức và dần thay đổi thói quen sử dụng dịch vụ ngân hàng của đại bộ phận người dân Việt Nam trên nền tảng số. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho các ngân hàng tại Việt Nam trong việc phát triển ngân hàng số.
Điển hình, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã triển khai khai thành công nền tảng ngân hàng mở (Open API) từ cuối năm 2019. Giám đốc khối bán lẻ của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) Nguyễn Văn Hương cho hay, Open API sẽ giúp ngân hàng tạo hệ sinh thái khách hàng lớn và ổn định, kết nối với nhiều tổ chức, DN, cá nhân khác nhau. Ngoài việc có thể tích hợp Open API vào hệ thống quản trị ERP để giảm thiểu thời gian phát triển sản phẩm, tập trung vào tính năng cốt lõi giúp tiết kiệm thời gian, chi phí vận hành, giảm thiểu rủi ro.
Đồng thời, thông qua Open API, các DN, tập đoàn, fintech, công ty phần mềm có thể đẩy mạnh dịch vụ, chủ động thực hiện lệnh thanh toán, chuyển tiền… qua OCB nhanh chóng, ít rủi ro, giảm thiểu chi phí và có thể thực hiện được ngay trên hệ thống quản lý của đối tác. Sản phẩm, dịch vụ thực hiện qua Open API khá đa dạng, gồm mở tài khoản, chuyển tiền, truy vấn thông tin, tính năng xác thực… OCB cũng mở rộng sản phẩm, dịch vụ thông qua Open API theo nhu cầu của từng khách hang, Giám đốc Khối Bán lẻ của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) Nguyễn Văn Hương thông tin thêm.
Luật gia Hồ Minh Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) cho rằng: Với việc chuyển đổi số của các ngân hàng đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của khách hàng, thể hiện qua số lượng người dùng dịch vụ ngân hàng điện tử và doanh số giao dịch của ngân hàng điện tử đều tăng rất mạnh.
Trong khi đó, ông Bùi Anh Tú, Phó giám đốc Trung tâm chuyển đổi số của Sacombank cho rằng, hiện có hơn 3 triệu người dùng dịch vụ ngân hàng điện tử của Sacombank, ghi nhận mức tăng trưởng hơn 19%; doanh số giao dịch cũng tăng mạnh 43%, đạt 3.583 tỷ đồng. Tỷ lệ giao dịch online của ngân hàng liên tục tăng trưởng cao qua từng năm, đạt mức 55% trong năm 2020 và 74% trong năm 2021. Hiện nay, có 80-90% sản phẩm dịch vụ của Sacombank đã được số hóa lên online, ngân hàng cũng đã phát triển thành công mô hình ngân hàng hợp kênh, kết nối vào hệ sinh thái API…
Trong xu hướng phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0, thì các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam đã triển khai và đạt được một số thành công nhất định trong số hóa và ứng dụng công nghệ hiện đại trong các hoạt động tài chính - ngân hang, gồm: Digital banking/Digital Lab; Timo Bank, ATM + LiveBank... Một số NHTM đã hợp tác thành công với các công ty Fintech để đưa công nghệ mới, hiện đại vào hoạt động thanh toán trên thiết bị di động như: Áp dụng sinh trắc học, sử dụng QR code, Tokenization, công nghệ mPOS, ví điện tử... Các NHTM đã thực hiện những bước đầu tiên của quá trình nghiên cứu và áp dụng trí tuệ nhân tạo, tự động hóa bằng robot, Blockchain...
Mặt khác, hiện nay các công ty khởi nghiệp và những “gã kinh doanh khổng lồ” đều coi mình là các dự án Fintech vì chính sách của họ hướng đến việc cải tiến thường xuyên và tối ưu hóa các dịch vụ tài chính. Cùng với đó, cả hệ thống thanh toán trực tuyến và các sàn giao dịch, hỗ trợ thu đổi ngoại tệ trên internet; tất cả các loại hình công ty tài chính thực hiện các giao dịch với tiền điện tử, nơi người dùng có thể mở tài khoản trực tuyến và chuyển tiền; ngân hàng trực tuyến và ngân hàng di động, cũng như các ngân hàng truyền thống đang thực hiện tối ưu hóa và nâng cao chất lượng thông qua ứng dụng các công nghệ hiện đại và tiền điện tử. Ngân hàng số hiện đang dần thay thế các sản phẩm cổ điển.
Theo ông Phạm Thanh Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Ngân hàng Nhà nước) cũng cho rằng dù các công ty fintech ít nhiều được tiếp cận thông tin của các ngân hàng khi triển khai hoạt động hợp tác, song vẫn chưa có quy định pháp lý trực tiếp điều chỉnh nghĩa vụ bảo mật thông tin của công ty fintech. Điều này là do các công ty fintech (ngoại trừ các trung gian thanh toán) vẫn chưa được quản lý bởi pháp luật chuyên ngành và cơ quan quản lý chuyên ngành mà vẫn đang hoạt động dưới đăng ký kinh doanh gồm các ngành nghề kinh doanh không có điều kiện.
Ông Sơn cho biết thêm, Việt Nam hiện chưa có quy định, hướng dẫn riêng và đầy đủ về lĩnh vực ngân hàng mở mà hiện mới chỉ có những chính sách chung về chuyển đổi số và một số quy định riêng lẻ liên quan tới một số khía cạnh của ngân hàng mở cả về pháp lý cũng như kỹ thuật. Khi xây dựng, triển khai ngân hàng mở, hiện các ngân hàng chủ yếu dựa vào Thông tư 39/2014/TT-NHNN ngày 11/12/2014 hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có điều khoản cho phép ngân hàng được hợp tác với bên thứ 3 cung cấp dịch vụ tài chính. Tuy nhiên, hiện vẫn còn thiếu hành lang pháp lý riêng, đầy đủ, cụ thể để hỗ trợ thuận lợi cho các tổ chức tín dụng triển khai ngân hàng mở.
Tương tự, ông Ngọc, cũng thông tin, Thông tư 39 chỉ cho phép các trung gian thanh toán được NHNN cấp phép mới được phép sử dụng dịch vụ thanh toán của ngân hàng, còn việc cung cấp dịch vụ ngân hàng trên các ứng dụng của fintech khác chưa được quy định. Hiện cũng chưa có quy định về những dịch vụ, dữ liệu nào của ngân hàng mà fintech được sử dụng; chưa có quy định về tiêu chuẩn công nghệ thông tin liên quan đến lưu trữ thông tin khách hàng, bảo mật dữ liệu trong quá trình kết nối; chưa có quy định về áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật vào quy trình xác thực khách hàng từ bên thứ ba. NHNN đang gấp rút hoàn thiện dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm sandbox đối với hoạt động fintech. Nghị định này dự kiến điều chỉnh các hoạt động cho vay ngang hàng, hỗ trợ định danh khách hàng, Open API, các giải pháp ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo như blockchain…Trong đó, có điều kiện về xây dựng hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu an toàn thông tin và bảo mật thông tin. Bộ Công an cũng đang xây dựng Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân quy định về xử lý dữ liệu cá nhân, biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân, xử lý vi phạm về dữ liệu cá nhân, trách nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. “Tuy nhiên, cho đến khi các nghị định này được ban hành, các tổ chức tín dụng cần chủ động giám sát, ràng buộc các công ty fintech trong việc sử dụng đúng mục đích thông tin ngân hàng, đồng thời phải có chính sách bảo mật nội bộ phù hợp. Các DN fintech cũng cần quan tâm đến khía cạnh bảo mật khi đưa ra ý tưởng và triển khai hợp tác cung ứng dịch vụ” – ông Phạm Thanh Ngọc lưu ý.
Nhấn mạnh về vấn đề này, Luật gia Hồ Minh Sơn chia sẻ: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong ngành ngân hàng trên toàn thế giới. Có thể thấy, số lượng chi nhánh ngân hàng tại châu Âu đang giảm rất nhanh, từ 71,3 nghìn chi nhánh vào năm 2016 xuống chỉ còn 59,9 nghìn trong năm 2020 và dự kiến sẽ giảm mạnh chỉ còn 36 nghìn vào năm 2023. Song song đó, các NHTM ở Việt Nam đã tích cực, chủ động triển khai chuyển đổi số và đạt được kết quả tích cực. Cụ thể, tính đến cuối tháng 8/2020, số tài khoản cá nhân đạt 95,6 triệu, tăng 45,5% so với cùng kỳ năm 2016; Tổng lượng thẻ lưu hành đạt 109 triệu thẻ. Mạng lưới ATM, POS phủ sóng đến tất cả các tỉnh thành phố trên cả nước với 19.541 ATM và 274.539 POS. Số lượng và giá trị thanh toán qua kênh internet đạt 282,4 triệu giao dịch với 17,4 triệu tỷ đồng (tăng 262,5% và 353,1% so với cùng kỳ năm 2016); Số lượng và giá trị thanh toán qua kênh điện thoại di động đạt 682,3 triệu giao dịch với gần 7,2 triệu tỷ đồng (tăng 980,9% và 793,6% so với cùng kỳ năm 2016); Thanh toán qua POS đạt hơn 218 triệu món với 382,86 nghìn tỷ đồng (tăng tương ứng 176,45% và 139,52% so với cùng kỳ năm 2016); Thanh toán qua ATM đạt 660 triệu món với 1.818,58 nghìn tỷ đồng (tăng tương ứng 38,65% và 53,77% so với cùng kỳ năm 2016)…
Đặc biệt, hiện nay Việt Nam có khoảng 30 triệu người sử dụng hệ thống thanh toán ngân hàng qua internet hằng ngày. Tin rằng, với tốc độ tăng trưởng về lượng giao dịch trên mobile banking tại Việt Nam là 200%. Giá trị giao dịch tiền với riêng kênh điện thoại di động hiện đạt khoảng 300 nghìn tỷ đồng/ngày. Do đó, nhằm tiếp tục phát triển mô hình ngân hàng số, góp phần thực hiện các mục tiêu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, những trở ngại chủ yếu nêu trên cần được quan tâm giải quyết từ phía các cơ quan quản lý và các tổ chức tài chính có liên quan. Đồng thời, hứa hẹn có thể sẽ tiến tới một xã hội đổi mới về chất, liên quan đến số hóa hầu hết các quy trình, thủ tục, hướng đến đơn giản hóa cuộc sống của con người, khuyến khích sự phát triển của công nghệ hiện đại, mở rộng kiến thức và tiếp thu các kỹ năng mới.