Lâm Đồng: Bàn giao đàn bò tót lai cho Vườn Quốc gia Phước Bình
Tin tức 02/10/2020 12:42
Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng vừa ra quyết định bàn giao đàn bò tót lai gồm 11 con, cùng các tài sản có liên quan thuộc dự án “Khai thác và phát triển nguồn gene bò quý hiếm tại vùng rừng giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận-Lâm Đồng-Khánh Hòa” cho Ban quản lý Vườn Quốc gia Phước Bình, thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận.
Tại Quyết định số 2141/QĐ-UBND ngày 30/9/2020, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng bàn giao 10 con bò tót lai F1, 1 con bò tót lai F2 cùng 1 máy bơm nước, 1 máy băm cỏ cho Ban Quản lý rừng Quốc gia Phước Bình.
Các tài sản này được đánh giá: Giá trị từ 347.350.000 đồng xuống còn 187.485.000 đồng, trong đó mỗi con bò tót lai F1 có giá ban đầu là 28.500.000 đồng, nay còn lại 14.200.000 đồng. Con bò tót lai F2 giá trị ban đầu 50 triệu đồng, nay còn lại 43.750.000 đồng.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng, 11 con bò tót lai nêu trên là tài sản từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Khai thác và phát triển nguồn gene bò quý hiếm tại vùng rừng giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận-Lâm Đồng-Khánh Hòa” nghiên cứu bảo tồn nguồn gen bò tót quý hiếm từ nhiều năm nay.
Theo Quyết định trên, Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng) là đơn vị bàn giao tài sản dự án cho bên tiếp nhận là Ban quản lý Vườn Quốc gia Phước Bình thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận.
Hình ảnh bò tót lai thế hệ F1 gầy trơ xương vì đói. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN) |
Theo đó, khi tiếp nhận tài sản chuyển giao từ dự án nghiên cứu cấp Nhà nước, phía Ban quản lý Vườn Quốc gia Phước Bình có trách nhiệm tiếp nhận, tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo tồn và khai thác có hiệu quả nguồn gene bò tót lai quý hiếm.
Đồng thời, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng (ủy quyền cho Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh) được quyền tiếp tục khai thác nguồn gene bò tót lai để phục vụ công tác nghiên cứu khi cần thiết. Thời gian bàn giao thực hiện trong tháng 10/2020.
Quyết định trên căn cứ vào các văn bản số 5756/UBND-VX1 ngày 6/7/2020 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng về việc thống nhất phương án điều chuyển tài sản của nhiệm vụ khai thác và phát triển quỹ gene cấp quốc gia “Nghiên cứu giám định di truyền và đánh giá khả năng phát triển của nguồn gene bò quý hiếm tại vùng giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận-Lâm Đồng-Khánh Hòa” cho đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện quản lý, khai thác sử dụng thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận (Vườn Quốc gia Phước Bình); căn cứ văn bản số 2802/UBND-KTTH ngày 6/8/2020 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận về việc đồng ý chủ trương cho Ban quản lý Vườn Quốc gia Phước Bình tiếp nhận tài sản của nhiệm vụ quỹ gene cấp quốc gia; đồng thời xét đề nghị của Sở Khoa học và Công nghệ theo tờ trình số 1090/TTr-SKHCN ngày 30/9/2020. Như vậy, từ tháng 7/2020, tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận đã triển khai các bước để tiến hành bàn giao tài sản trong dự án này.
Trước đó, khi đề tài nghiên cứu “Khai thác và phát triển nguồn gene bò quý hiếm tại vùng rừng giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận-Lâm Đồng- Khánh Hòa” kết thúc cuối năm 2019, Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng do không đủ kinh phí nuôi đàn bò tót lai nêu trên đã làm tờ trình xin xử lý, chuyển giao tài sản gồm 11 bò tót lai cho Vườn Quốc gia Phước Bình.
Tới tháng 8/2020, phía Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng đã bàn bạc, đồng ý về mặt chủ trương chuyển giao đàn bò tót.
Trong những ngày qua, nhiều cơ quan báo chí đã phản ánh về tình trạng đàn bò lai bò tót trong nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Khai thác và phát triển nguồn gen bò quý hiếm tại vùng rừng giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận-Lâm Đồng-Khánh Hòa” gầy trơ xương, dấu hiệu suy kiệt do không được cho ăn đủ chất.
Ông Nguyễn Như Chương - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học và Công nghệ (đơn vị quản lý tạm thời đàn bò tót lai của dự án) nhận trách nhiệm một phần thuộc về đơn vị.
Theo ông Chương, khi dự án nghiên cứu tạm dừng, đơn vị không có nguồn vốn, chỉ trích được 10 triệu đồng/tháng từ quỹ tiết kiệm của cơ quan để mua cỏ cho bò ăn và thuê 1 người dân trông coi.
Việc thiếu các điều kiện chăm sóc khác như ăn cỏ tươi, chăn nuôi tự do, có nhân viên thú y giám sát thường xuyên… là lý do chính khiến đàn bò tót lai thời gian qua gầy đi rất nhiều so với khi dự án đang triển khai.
Ông Chương cùng các cán bộ của Trung tâm đã xuống thăm đàn bò này tại cơ sở nuôi dưỡng để khắc phục hậu quả trước mắt, trước khi bàn giao cho Ban quản lý Vườn Quốc gia Phước Bình.