Kinh tế năm 2024 sẽ có nhiều khởi sắc
Kinh tế 01/01/2024 15:32
Kết quả nỗ lực vượt “cơn gió ngược”
Đánh giá tổng quan nền kinh tế có nhiều động lực cho tăng trưởng cả năm 2023 như: Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và dòng vốn đầu tư toàn cầu; thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại; dịch vụ, tiêu dùng tăng khá; đầu tư công được đẩy mạnh, rủi ro tài khóa ở mức trung bình, dư địa chính sách vẫn còn; lạm phát và lãi suất đang giảm, tỉ giá cơ bản ổn định, rủi ro nợ xấu trong tầm kiểm soát… Dự báo năm 2023, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt trên 5 - 5,2%, dù thấp hơn so với chỉ tiêu 6 - 6,5% nhưng vẫn ở mức tăng trưởng gần như cao nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Năm 2023 vừa khép lại, trong bối cảnh chung, Việt Nam không thể tránh được những tác động từ tình hình khó khăn của kinh tế thế giới, nhưng những tín hiệu phục hồi của nền kinh tế hiện khá rõ nét. Giai đoạn vừa qua Việt Nam là điểm sáng khi đứng đầu tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương khi GDP đạt 4,7%. Nông nghiệp là “bệ đỡ” quan trọng khi có thể tự cung 85% nhu cầu trong nước và luôn đóng góp từ 12 -13% GDP.
Đáng chú ý, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và dòng vốn đầu tư toàn cầu là một trong số những cơ hội, bởi Việt Nam vẫn đang hưởng làn sóng đầu tư nước ngoài (FDI) lần thứ tư như việc Hãng Intel mở rộng nhà máy sản xuất, toàn bộ hệ thống tai nghe của Apple sẽ tiếp tục mở rộng tại Việt Nam… Vốn FDI đăng kí 11 tháng năm 2023 ghi nhận tăng đến 14,8% so với cùng kì năm trước.
Tiếp đến đó là xuất khẩu, những tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam giảm tới 26% nhưng đến thời điểm này, mức giảm chỉ còn dưới 6%. Tương tự, chỉ số sản xuất công nghiệp, thời điểm đầu năm có lúc tăng trưởng âm đến 15% nhưng hiện đã đạt mức tăng dương 1%. Mức độ giảm đang ít đi có nghĩa là kinh tế đang tốt lên. Rõ ràng đã phục hồi và đang lấy lại đà tăng trưởng tích cực.
Đầu tư công cũng đang triển khai rất tốt, đến thời điểm hiện nay đã tăng khoảng 20% so với cùng kì. Giải ngân vốn FDI cũng tăng trưởng khoảng 4%. Tuy nhiên, đầu tư tư nhân chưa như kì vọng, chỉ đạt khoảng trên 3%, trong khi thông thường mức tăng vào khoảng 6 - 7%. Do đó, thời điểm này cần có các biện pháp để phục hồi đầu tư của khối tư nhân.
Trái phiếu doanh nghiệp, giá trị phát hành cũng đang chuyển biến tích cực. Đến cuối tháng 11/2023, phát hành trái phiếu đạt 240.000 tỉ đồng. Quan sát số liệu từng tháng cho thấy, giá trị phát hành tháng sau cao hơn tháng trước, riêng tháng 10 giá trị trái phiếu phát hành thành công khoảng 41.000 tỉ đồng, tăng 194% so với tháng 10/2022.
Đặc biệt, việc thúc đẩy hoàn thiện thể chế. Nhiều quy định, luật quan trọng, như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng… được nghiên cứu, sửa đổi, dù không thông qua cùng thời điểm. Bên cạnh đó, toàn bộ các chính sách (bao gồm giãn, hoãn, giảm thuế, phí,…) mà Chính phủ ban hành trong thời gian vừa qua nhằm hỗ trợ cho các thị trường, như thị trường vốn, đất đai, bất động sản, du lịch… có thể nói là chưa từng có. Đáng chú ý, hầu hết các chính sách áp dụng từ thời kì dịch Covid-19 đến nay được giữ nguyên.
Dự báo triển vọng năm 2024
Năm 2024, tăng trưởng kinh tế thế giới có thể đi ngang hoặc giảm nhẹ nhưng Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi ở mức 6 - 6,5%. Trước đó, Quốc hội và Chính phủ cũng yêu cầu phấn đấu ở chỉ tiêu này. Về lạm phát không quá lo, đến tháng 11/2023 tăng bình quân 3,22% và cả năm là 3,3%, dự báo năm 2024 bình quân ở mức 3,5%, do giá cả hàng hóa còn cao, lượng cung tiền và vòng quay tiền sôi động hơn.
Mặt khác, thời kì khó khăn nhất của thị trường bất động sản đã qua khi nhiều dự án lớn đang được Tổ công tác của Chính phủ giải cứu. Dù vậy, vẫn còn những thách thức, như: Rủi ro về địa chính trị tác động đến lĩnh vực đầu tư, xuất khẩu, du lịch. Lạm phát và lãi suất dù kiểm soát tốt nhưng vẫn ở mức cao, giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa đột phá, doanh nghiệp trong nước vẫn đang gặp khó về nhiều mặt (vướng pháp lí, đầu ra thị trường, nguồn lực,…), tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, nhất là tổ chức tín dụng yếu kém còn chậm… Đòi hỏi các doanh nghiệp phải đẩy mạnh cơ cấu lại, đa dạng hóa nguồn vốn, nâng cao tính thích ứng, và nhất là nhanh chóng chuyển đổi theo hướng xanh hóa và số hóa.
Kì vọng đầu năm 2024 sẽ là thời điểm thuận lợi để đưa ra quyết định đầu tư vào thị trường địa ốc, bởi lãi suất giảm và giá bất động sản được điều hòa hợp lí. Các luật mới được thông qua cần thời gian để “ngấm” chính sách, những vụ việc vi phạm pháp luật, pháp lí trong năm nay về cơ bản sẽ được xử lí. Cùng thời điểm đó, tình hình phục hồi kinh tế và vĩ mô của Việt Nam, thế giới cũng sẽ rõ nét hơn nên việc thị trường sẽ hồi phục vào quý đầu năm 2024, hoàn toàn có thể xảy ra.
Tuy nhiên, để đón đầu xu hướng bất động sản trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh câu chuyện cơ cấu lại, bao gồm cơ cấu lại hoạt động, sản phẩm, thị trường, danh mục đầu tư và dự án. Doanh nghiệp phải chủ động minh bạch hóa thông tin chứ không phải cứ niêm yết doanh nghiệp là minh bạch hóa. Bởi minh bạch mới giải quyết được vấn đề về trái phiếu ngân hàng và minh bạch thông tin về dự án, về bản thân chủ đầu tư. Đây là yếu tố cốt lõi và mới phát triển trường tồn trên thị trường này.
Doanh nghiệp cần đặc biệt quyết tâm vượt qua áp lực tài chính, bao gồm tất cả nghĩa vụ liên quan đến nợ. Một mặt đàm phán để giãn hoãn nợ, một mặt cơ cấu lại tài chính để bảo đảm trả nợ đúng hạn. Thậm chí, trong trường hợp cần thiết, doanh nghiệp bán bất động sản ở mức chiết khấu thấp hơn để bảo đảm dòng tiền. Cùng với đó, doanh nghiệp cần chủ động trong tiến trình xanh hoá, số hoá, đây vừa là giải pháp trước mắt, vừa là biện pháp lâu dài để phát triển thị trường bất động sản minh bạch và bền vững.