Kỉ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5: Hai đại biểu nông dân và phụ nữ tại Lễ Kỉ niệm ngày 1/5/1938
Tin tức - Sự kiện 01/05/2018 07:59
Cuộc mít tinh thu hút khoảng 25.000 lao động và các tầng lớp Nhân dân, chia làm 25 đoàn, thuộc đủ các ngành, các giới với những huy hiệu và biểu tượng riêng. Không khí diễn ra vô cùng sôi nổi, hào hứng với các bài diễn thuyết và khẩu hiệu đấu tranh: "Tự do nghiệp đoàn", "Chống nạn thất nghiệp", "Chống phát xít và chiến tranh", "Tự do - cơm áo - hòa bình", "Giải phóng phụ nữ - nam nữ bình quyền"... Đây là cuộc biểu dương lực lượng, cuộc biểu tình lớn nhất trong thời kì Mặt trận Dân chủ (1936 - 1939), thể hiện trình độ giác ngộ, tinh thần đoàn kết đấu tranh của quần chúng; nghệ thuật tổ chức và chính sách Mặt trận đúng đắn của Đảng Cộng sản Đông Dương. Sự kiện lịch sử này, trong báo cáo gửi Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đánh giá: "Ngày đó thật là lớn và đối với Đông Dương có thể nói là vĩ đại".
Hòa trong biển người đó, thực hiện sự chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, Chi bộ Sài Sơn (Quốc Oai) huy động khoảng 100 quần chúng tích cực trong các đoàn thể Phụ nữ, Thanh niên Dân chủ... bí mật vượt cánh đồng Sấu Giá, tập kết tại khu Đấu Xảo theo quy định. Đặc biệt, đoàn Sài Sơn có hai đại biểu được Ban tổ chức giới thiệu lên phát biểu tại cuộc mít tinh...
Người thứ nhất, đại diện cho tiếng nói của nông dân là anh Mai Khắc Thể, 32 tuổi người xóm Đông, làng Đa Phúc. Trước sóng người bừng bừng khí thế đấu tranh, Mai Khắc Thể bước lên lễ đài, dõng dạc tố cáo chế độ thuế khóa hà khắc của thực dân Pháp, đòi hủy bỏ thuế thân và các thứ thuế phi lí khác. Bãi bỏ độc quyền rượu, muối. Cấm bán thuốc phiện... Tiếng vỗ tay hưởng ứng vang lên như sấm dậy.
Mít tinh quần chúng ngày 1/5/1938 tại Khu Đấu xảo Hà Nội - nay là Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị
Mai Khắc Thể có ba người con, trong đó Mai Thị Mai là du kích chống Pháp và Mai Khắc Khuê là bộ đội hải quân 41 năm, trực tiếp chiến đấu trên nhiều chiến trường, nay đã nghỉ hưu với cấp bậc Đại tá. Gia đình hai cụ Mai Khắc Nhất - Phan Thị Đót, thân sinh ông Mai Khắc Thể, là cơ sở cách mạng, từng được Xứ ủy Bắc Kỳ chọn tổ chức Lễ truy điệu đồng chí Hoàng Văn Thụ. Cụ Phan Thị Đót được thưởng đồng tiền vàng, Bằng có công với Nước và đã qua đời năm 1955.
Người thứ hai, đại diện cho giới phụ nữ là chị Nguyễn Thị San, 20 tuổi, người thôn Đình Lợ, làng Thụy Khuê là con cả của hai cụ Nguyễn Huy Ngọc và Phan Thị Châu.
Ở một vùng quê có truyền thống yêu nước và cách mạng, nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Sơn Tây, hai cụ thân sinh ra chị San được sự tuyên truyền, giác ngộ của các đồng chí Phan Trọng Tuệ, Phan Thị Khôi, Nguyễn Đình Thỏa... đã tạo mọi điều kiện cho các con tham gia các tổ chức Thanh niên, Phụ nữ Dân chủ. Sau cách mạng tháng Tám, hai cụ hăng hái tham gia các cuộc vận động đời sống mới, "Tuần lễ vàng", "Chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm" do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động. Trong chống Pháp, gia đình hai cụ là cơ sở kháng chiến, có hầm bí mật trong nhà và thường xuyên tiếp tế lương thực cho du kích hoạt động. Người con gái thứ tư của hai cụ, Nguyễn Thị Xuyên là du kích chống Pháp, từng bị địch bắt tù ở Nhà Tiền 6 tháng. Người con trai thứ ba, Nguyễn Huy Lân (bí danh Lâm Trang) tham gia Đoàn Thanh niên Dân chủ, Thanh niên Cứu quốc..., sau này là Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Sơn Bình.
Khi được Chi bộ chọn cử phát biểu tại cuộc mít tinh lịch sử, chị San tố cáo nỗi thống khổ của chị em phụ nữ, nhất là phụ nữ ở nông thôn dưới ách thực dân phong kiến, đòi giải phóng phụ nữ, thực hiện nam nữ bình quyền. Những tiếng vỗ tay hưởng ứng nổi lên như sóng trào... Sau cuộc mít tinh, Nguyễn Thị San càng nhiệt tình tham gia công tác đoàn thể, từ Hội Phụ nữ Dân chủ đến Hội Phụ nữ Cứu quốc... Nặng gánh gia đình, chồng mất sớm, đi bước nữa, Nguyễn Thị San tần tảo xây dựng gia đình hòa thuận, chăm lo nuôi dạy con cái nên người, kể cả con riêng của chồng, được mọi người kính nể. Sáu người con đều là cán bộ, công nhân viên chức Nhà nước. Bà San mất năm 1998, thọ 78 tuổi, an táng tại Nghĩa trang Vạn Phúc, Hà Đông.
Hình ảnh hai người con tiêu biểu Mai Khắc Thể và Nguyễn Thị San, đại diện cho giới nông dân và phụ nữ, phát biểu tại cuộc mít tinh kỉ niệm ngày 1/5/1938 là một trong những trang đẹp nhất trong lịch sử cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân Sài Sơn.
Đào Ngọc Chung