Kỉ niệm 79 năm Ngày truyền thống NCT Việt Nam, Ngày NCT việt Nam (6/6/1941-6/6/2020): Không ngừng bổ sung lí luận và thực tiễn về NCT, phong trào NCT
Hoạt động hội 05/06/2020 15:37
Kì 1: Những chặng đường vẻ vang
Vào năm 1284 tại điện Diên Hồng, Thái Thượng Hoàng Trần Thánh Tông cùng Vua Trần Nhân Tông đã triệu tập các bô lão cả nước để hỏi ý kiến, như một cuộc trưng cầu dân ý về chủ trương hòa hay đánh khi quân Nguyên Mông sang xâm lược Việt Nam lần thứ 2. Ý chí “quyết đánh” của các bô lão đã giúp Vua Trần củng cố quyết tâm, huy động lực lượng, sức mạnh dân tộc giữ trọn bờ cõi non sông đất nước.
Thời kì đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít và thực dân, khi Bác Hồ trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Trong thư "Kính cáo đồng bào" gửi phụ lão cả nước tháng 6/1941, Bác Hồ đã xác định vai trò và trách nhiệm của NCT Việt Nam. Người khẳng định: "Nước mất, phụ lão cứu, nước suy sụp, phụ lão phù trì". Bác cho rằng đoàn kết NCT trong một tổ chức là một yêu cầu cấp thiết. Do đó, ngay những ngày đầu Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 20/9/1945, Bác đã ra lời kêu gọi thành lập Hội Phụ lão cứu quốc - tiền thân của Hội NCT Việt Nam. Đáp lại lời kêu gọi của Bác, Hội Phụ lão cứu quốc được tổ chức khắp nơi đã góp phần tích cực cùng toàn dân tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược bằng các hình thức, hoạt động cụ thể (Hội Phụ lão cứu quốc, Hội Lão du kích, Bạch đầu quân, Hội Mẹ chiến sĩ, Hội Lão dân quân thường trực ngày đêm bắn máy bay Mỹ…).
Phó Chủ tịch Ngô Trọng Vịnh trao Bằng khen TƯ Hội cho cá nhân xuất sắc tỉnh Thái Bình. Ảnh Thanh Hà |
Trong suốt chặng đường lịch sử của dân tộc, NCT Việt Nam lao động cần cù, sáng tạo xây dựng gia đình, quê hương; quên mình chiến đấu, sẵn sàng hi sinh vì dân tộc; tham gia vận động thanh niên tòng quân, đi dân công hỏa tuyến, rào làng chiến đấu, nuôi giấu cán bộ, hậu phương thi đua với tiền phương, tay cày tay súng, tay búa tay liềm... Tất cả đều nhiệt huyết, góp phần đánh thắng hai đế quốc to và bè lũ tay sai giành thống nhất, độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Bước vào thời kì đổi mới, cả nước hăng hái thi đua, phấn đấu thực hiện các nghị quyết của Đảng, Nhà nước, phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, NCT tiếp tục đồng hành, đóng góp vào sự chuyển động mạnh mẽ, đi lên của đất nước.
Từ những năm 90 thế kỉ XX, điều kiện vật chất, mức sống của Nhân dân ngày càng cải thiện, NCT nhiều địa phương đã nhận thức và bày tỏ nguyện vọng cần có tổ chức tập hợp NCT để đoàn kết đóng góp tài sức kế tục lớp NCT đi trước cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện sự nghiệp "đổi mới", lúc này tổ chức các Hội thọ không còn đáp ứng được yêu cầu.
Hội NCT Việt Nam được thành lập ngày 24/9/1994 (theo Quyết định số 523/TTg do Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh kí). Để có quyết định thành lập là cả quá trình xem xét, vận động công phu có sự tham gia của các Bộ, ban, ngành, đoàn thể TƯ và Ban vận động thành lập Hội do luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch danh dự Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam làm Trưởng ban; Giáo sư, NGND Phạm Khuê, Viện trưởng Viện Lão khoa Việt Nam làm Phó Trưởng ban và 13 ủy viên. Ban vận động đã thuyết phục, tạo được sự đồng thuận cần thiết ra đời tổ chức Hội NCT thành hệ thống trong cả nước, đáp ứng nguyện vọng thiết tha, chính đáng của thế hệ đã có nhiều cống hiến cho đất nước, nhu cầu có lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
Ngay sau khi thành lập, Ban vận động tiếp tục chuẩn bị và tổ chức Đại hội thành lập Hội vào ngày 9 - 10/5/1995 tại Hà Nội. Tại nhiệm kì III, Ban Thường vụ TƯ Hội đã đề nghị và được Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 772/QĐ-TTg, ngày 26/5/2006 lấy ngày 6/6 hằng năm là Ngày truyền thống NCT Việt Nam. Điều lệ Hội cũng xác định ngày 6/6 đồng thời là Ngày NCT Việt Nam.
Đến nay, trải qua gần 5 nhiệm kì Đại hội với trên 10 triệu NCT, chiếm hơn 12% dân số cả nước, Hội có 9,4 triệu hội viên sinh hoạt tại gần 99.000 chi hội, 10.966 Hội cơ sở; trong đó, 76 nghìn hội viên dưới 60 tuổi; trung bình mỗi năm kết nạp 43 nghìn hội viên mới; tỉ lệ NCT gia nhập tổ chức Hội đạt 90%. Tổ chức Hội thực sự có ý nghĩa sâu sắc, gắn liền với đời sống, tinh thần và hoạt động cống hiến của NCT trong gia đình và xã hội.
Đến nay, đã có hệ thống văn bản pháp lí chặt chẽ và đồng bộ các vấn đề liên quan đến NCT (Hiến pháp, Luật NCT, Chương trình Hành động Quốc gia về NCT, các nghị định, quyết định của Chính phủ, hướng dẫn của các bộ, ngành), khẳng định bước tiến quan trọng về nhận thức xã hội đối với NCT. Đặc biệt, năm 2015 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định lấy tháng 10 hằng năm là "Tháng hành động vì NCT Việt Nam", NCT cả nước và toàn xã hội thực hiện quyết định này đạt kết quả tốt.
Trên cơ sở thực hiện các văn bản của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của TƯ Hội và Hội các cấp cùng sự chung tay của toàn thể hội viên trong cả nước, NCT được quan tâm bằng các chế độ chính sách. Hiện có 2,8 triệu NCT đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội; hơn 1,5 triệu NCT hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng. Hằng năm có 1,1 triệu NCT được chúc thọ mừng thọ; hơn 1 triệu NCT được thăm hỏi, động viên khi ốm đau, bệnh tật, tặng quà trong dịp lễ tết; gần 4 triệu NCT được khám chữa bệnh. Một số địa phương tổ chức khám sức khỏe định kì, lập sổ theo dõi sức khỏe NCT, 96% NCT có bảo hiểm y tế.
Các loại Quỹ hội từng bước được củng cố và phát triển. Quỹ Chăm sóc và Phát huy vai trò NCT thành lập ở 9.579/11.161 xã, phường, thị trấn, đạt 89% cơ sở; việc quản lí Quỹ bảo đảm đúng nguyên tắc tài chính, Điều lệ Hội. (Còn nữa)
(*) Phó Chủ tịch Hội NCT Việt Nam