Kì họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV: “Tố cáo là quyền Hiến định nên phải tạo điều kiện cho công dân quyền Tố cáo”
Tin tức - Sự kiện 25/05/2018 08:42
Có nên mở rộng thêm hình thức tố cáo?
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lí dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, có 2 loại ý kiến về hình thức tố cáo.
Loại ý kiến thứ nhất đề nghị bổ sung hình thức tố cáo (TC) qua bản fax, thư điện tử, điện thoại. Việc mở rộng hình thức TC như trên nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong việc thực hiện TC.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị tiếp tục quy định 2 hình thức TC như luật hiện hành là TC bằng đơn và TC trực tiếp.
Thảo luận nội dung trên, đại biểu (ĐB) Phạm Đình Cúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) bày tỏ quan điểm, dự luật chỉ nên quy định 2 hình thức TC (bằng đơn và trực tiếp). “Như vậy mới xử lí được”, ông Cúc nhấn mạnh, nếu mở rộng thêm hình thức tố cáo sẽ dẫn đến tố cáo tràn lan...
Đồng quan điểm trên, một số đại biểu Bùi Huyền Mai (Hà Nội), Hồ Thị Cẩm Đào (Sóc Trăng) đều bày tỏ dự thảo luật đã tiếp thu chỉnh lí hoàn chỉnh và đồng tình với hình thức TC như luật hiện hành. Bởi khi tiếp nhận TC qua điện thoại hoặc phương tiện điện tử khác sẽ mất thời gian để xác minh người TC và rất khó xác định người TC là ai? dẫn đến lạm dụng làm ảnh hưởng đến sinh mệnh chính trị của người bị TC - gây hệ lụy, khắc phục rất khó khăn.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) bảo vệ quan điểm Dự thảo Luật TC sửa đổi cần quy định
TC qua điện thoại và mạng thông tin điện tử
Không đồng tình với quan điểm trên, ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) đánh giá việc thiết kế như dự thảo là “thông minh”. Bởi lẽ, Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005 quy định cơ quan tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để công dân TC trực tiếp, gửi đơn TC, TC qua điện thoại và TC qua mạng thông tin điện tử và các hình thức TC khác theo quy định của pháp luật. “13 năm rồi Quốc hội đã chấp nhận mà công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng của chúng ta còn gặp nhiều khó khăn. Tại sao lại bỏ đi, tôi thấy không đúng”. Đồng thời, ĐB Cầu nhấn mạnh TC là quyền Hiến định nên luật phải tạo điều kiện cho công dân TC và cơ quan có thẩm quyền trả lời đầy đủ.
Bên cạnh đó, để kiểm soát được quyền lực của quan chức thì vừa kiểm soát nội bộ nhưng đồng thời người dân và báo chí cũng giám sát được từ bên ngoài. Ông đề nghị Quốc hội giữ nguyên như dự thảo.
Tuy nhiên, ĐB Trần Văn Mão (Nghệ An) cho rằng, thực tiễn qua thực hiện 2 hình thức TC nêu trên cho thấy số vụ được thụ lí giải quyết chỉ có khoảng 18% là TC đúng, còn lại là sai và có đúng có sai. Do đó, nếu mở rộng hình thức TC sẽ dẫn đến tình trạng lợi dụng dân chủ tố cáo tràn lan, gây quá tải cho cơ quan quản lí nhà nước và yêu cầu phải đầu tư nguồn lực rất lớn.
Tiếp tục tranh luận lại ý kiến của đại biểu Trần Văn Mão, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu giữ nguyên quan điểm, đồng thời nhấn mạnh, công chức nhà nước nếu nói sòng phẳng là ăn lương nhà nước từ thuế của dân đóng thì yêu cầu của dân thì phải làm...
Cùng quan điểm với ĐB Cầu, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho rằng “Trong thời đại 4.0 mà không dùng điện thoại thông minh thì quay lại 0.4”. Theo đại biểu này, TC qua điện thoại chính là TC trực tiếp và nên ghi nhận chứ không phải thấy khó thì thoái thác.
Bổ sung thêm đối tượng được bảo vệ
Theo báo cáo của UBTVQH, dự thảo Luật trình Quốc hội tại kì họp thứ 4 chỉ quy định đối tượng được bảo vệ là người TC; nội dung bảo vệ bao gồm bảo vệ bí mật thông tin, bảo vệ vị trí công tác, việc làm, bảo vệ các quyền công dân tại nơi cư trú của người TC. Như vậy là hẹp hơn so với quy định của Luật hiện hành.
Theo đó, người được bảo vệ bao gồm: Người TC; vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo. Nội dung bảo vệ bao gồm bảo vệ bí mật thông tin, bảo vệ vị trí công tác, việc làm, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ.
Tuy nhiên, ĐB Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) băn khoăn và cho rằng dự thảo Luật cần nghiên cứu và bổ sung thêm một số đối tượng khác nữa cần được bảo vệ như người cung cấp thông tin, người tố giác tội phạm, người làm chứng... cũng cần được áp dụng để pháp luật bảo vệ như nhau... nhằm khuyến khích người dân thực hiện quyền TC và thể chế hóa chủ trương của Đảng về tăng cường công tác bảo vệ người TC, cũng như bảo đảm luật phù hợp với điều kiện thực tiễn
Hoàng Trang