Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ có phương thức quản lí mới để vùng phát triển
Tin tức - Sự kiện 26/06/2019 09:06
Với 7 tỉnh, thành phố, bao gồm Thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, thời gian qua, vùng kinh tế có dân số hơn 16 triệu người này đã làm được nhiều công trình, dự án quan trọng có tính chất liên vùng, một hướng đi tất yếu nhằm khai thác thế mạnh từng địa phương để tạo điều kiện, nền tảng phát triển nhanh hơn.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chưa có cơ chế, chính sách liên kết giữa các tỉnh trong vùng và giữa vùng đối với các vùng khác trong việc hợp tác phát triển kinh tế và giải quyết những vấn đề mang tính liên tỉnh, liên vùng. Liên kết giữa các tỉnh trong khu vực vẫn chỉ theo kiểu tận thu những lợi thế sẵn có, ngắn hạn, mang tính thời vụ.
Do đó, bên cạnh giải “bài toán” liên kết vùng, hội nghị lần này sẽ thảo luận, đánh giá tình hình kinh tế-xã hội của vùng; các vấn đề về môi trường đầu tư, kinh doanh và hạ tầng đô thị, giao thông, phát triển logistics, nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển dịch vụ du lịch… trong vùng.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng đề nghị tập trung thảo luận về đổi mới thể chế, cơ chế điều phối vùng, “đây là vấn đề rất quan trọng mà chúng ta đang loay hoay, chưa thực hiện hiệu quả”.
Nhấn mạnh tình hình thế giới đang diễn biến phức tạp, khó khăn thách thức đan xen nhau, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, “thời cơ, nguy cơ đều có, trong nguy có cơ hội để Việt Nam, nhất là vùng kinh tế trọng điểm phát triển”. Do đó rất cần có phương thức quản lí mới để vùng phát triển.
Với sự linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả hơn trong hệ thống tổ chức quản lí nhà nước và hoạt động sản xuất kinh doanh cả về thời gian và không gian vùng lãnh thổ, nếu làm tốt hơn, điều hành sát hơn, khoa học hơn sẽ góp phần làm thay đổi căn bản đời sống xã hội và toàn bộ nền kinh tế.
Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ có trung tâm là tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Đây là vùng chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và là vùng kinh tế lớn thứ 2 của cả nước (chiếm 32% GDP, 33% thu ngân sách Nhà nước, 30% xuất khẩu cả nước).
Thời gian qua, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ có nhiều chuyển biến tích cực. Tăng trưởng GDP bình quân 3 năm 2016-2018 đạt 9,86%; GDP đầu người năm 2018 đạt trên 4.800 USD. Đặc biệt, đây, là vùng duy nhất trong 4 vùng kinh tế trọng điểm trên cả nước có 100% các tỉnh, thành phố trong vùng có điều tiết về ngân sách Trung ương. Tỉ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước, chỉ còn 2% theo chuẩn đa chiều.
Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đang có rất nhiều thuận lợi với cả 3 yếu tố “thiên thời - địa lợi - nhân hòa”. Các tỉnh, thành phố thuộc vùng đều có trình độ phát triển cao so với trung bình cả nước, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội và tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Vì vậy, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương và các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá kết quả đạt được, đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc. Trên cơ sở đó đề xuất, kiến nghị những nhiệm vụ, giải pháp với nội hàm mới, cụ thể, thiết thực trong cả ngắn hạn và dài hạn, trước hết là những giải pháp cần tập trung thực hiện ngay trong năm nay và năm 2020. “Tôi đề nghị quý vị hiến kế làm thế nào, cần có cơ chế gì để giải quyết bài toán điều phối vùng hiệu quả, nhất là những vấn đề mang tính liên tỉnh, liên vùng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng mong rằng, sau hội nghị này, với sự đóng góp ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, các bộ, ngành, địa phương sẽ tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, từ đó có các cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể để tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nói riêng và các vùng kinh tế trọng điểm nói chung phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển bứt phá và bền vững, tạo sức lan tỏa lớn và đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước.