Hiệp hội Nhựa Việt Nam: Đồng hành cùng doanh nghiệp, hướng đến tương lai
Tin tức 08/12/2024 15:16
Hiệp hội Nhựa Việt Nam họp mặt hội viên năm 2024 |
Đại biểu dự họp mặt hội viên |
Cơ hội từ chuyển đổi xanh và hội nhập sâu rộng
Trong suốt thập kỷ qua, ngành nhựa Việt Nam đã duy trì đà tăng trưởng ổn định, trở thành một trong những ngành công nghiệp trọng yếu, góp phần thúc đẩy kinh tế quốc gia. Hiện nay, có hơn 4.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành, trong đó 90% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, với hơn 250.000 lao động. Sản phẩm nhựa Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước mà còn vươn xa đến hơn 170 thị trường trên thế giới. Đặc biệt, xuất khẩu nhựa sang Mỹ- thị trường lớn nhất của ngành- cùng các thị trường tiềm năng, như: Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, Châu Âu, Thái Lan và Ấn Độ, đã ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2024, dự kiến kim ngạch xuất khẩu đạt 6,57 tỷ USD, tăng 26,79% so với năm 2023.
Dự báo, sản lượng nhựa Việt Nam sẽ đạt 11,65 triệu tấn vào năm 2024 và tăng trưởng ấn tượng lên 16,36 triệu tấn vào năm 2029, với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm (CAGR) 8,44%. Doanh thu ngành năm 2024 dự kiến đạt 31 tỷ USD, tăng 23.9% so với năm trước, đánh dấu một bước tiến quan trọng trên hành trình hội nhập và phát triển bền vững.
Theo đại diện Hiệp hội Nhựa Việt Nam, nhu cầu toàn cầu đối với sản phẩm nhựa tái chế và thân thiện môi trường đang mở ra cơ hội lớn cho ngành nhựa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Các hiệp định, như: EVFTA, CPTPP, RCEP không chỉ giúp mở rộng thị trường xuất khẩu mà còn là động lực để nâng cao tiêu chuẩn sản xuất, phát triển sản phẩm giá trị gia tăng. Quy định EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) và các chính sách ưu tiên đầu tư tái chế, đổi mới công nghệ tạo điều kiện thuận lợi để ngành chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.
Theo đó, phân khúc ngành nhựa Việt Nam, gồm:
- Nhựa bao bì: Chiếm 35% sản lượng, dẫn đầu về xuất khẩu.
- Nhựa kỹ thuật: Chiếm 18%, ứng dụng trong các ngành công nghiệp công nghệ cao như ô tô, điện tử, và y tế.
- Nhựa gia dụng: Đáp ứng 22% nhu cầu tiêu thụ nội địa, giữ vai trò quan trọng trong đời sống thường nhật.
- Nhựa xây dựng: Chiếm 25%, tập trung vào sản xuất ống nhựa và vật liệu xây dựng.
Tầm nhìn chiến lược: Đổi mới để vươn xa
Là cầu nối giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý, Hiệp hội Nhựa Việt Nam đã không ngừng nỗ lực kiến tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ngành. Là thành viên của các tổ chức quốc tế như Liên đoàn Công nghiệp Nhựa ASEAN (AFPI), Diễn đàn Nhựa Châu Á (APF) và Hiệp ước Nhựa Toàn cầu (WPC), VPA đã đóng góp tích cực trong việc xây dựng chính sách và thúc đẩy hợp tác khu vực.
Ngành nhựa Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa thay đổi lớn. Với sự đồng hành của Hiệp hội, cùng nỗ lực đổi mới công nghệ, xây dựng chuỗi cung ứng bền vững và tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp, ngành nhựa Việt Nam không chỉ khẳng định vị thế tại khu vực mà còn hướng tới trở thành một trong những ngành công nghiệp xanh hàng đầu trên thế giới.