Hi sinh một phần tăng trưởng kinh tế bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân
Kinh tế 15/02/2020 09:23
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), các tổ chức quốc tế đánh giá kinh tế thế giới năm 2020 tiếp tục xu hướng giảm và tác động từ dịch sẽ làm suy giảm nhanh hơn, đặc biệt khi bệnh dịch kéo dài. Kinh tế Trung Quốc và toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thiệt hại có thể lên tới 160 tỉ USD, gấp 3 - 4 lần so với dịch SARS. Dịch ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu, gây gián đoạn chuỗi cung ứng nhiều sản phẩm hàng hóa của thế giới, đình trệ trong sản xuất kinh doanh; suy giảm nhu cầu tạm thời từ Trung Quốc đối với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, ảnh hưởng tới tăng trưởng của khu vực và toàn cầu. Việt Nam có độ mở của nền kinh tế lớn và có đường biên giới dài với Trung Quốc, chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ.
Bộ KH&ĐT dự báo, nếu khống chế được dịch trong quý I/2020 thì tăng trưởng của nước ta dự báo là 6,25%, giảm 0,55% so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ. Trường hợp dịch được khống chế trong quý II/2020 thì tăng trưởng của ta dự báo là 5,96% giảm 0,84% và giảm 0,29 điểm % so với kịch bản khống chế được dịch trong quý I/2020.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại chủ trương hi sinh một phần tăng trưởng kinh tế để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân; nhiều tấm gương của tổ chức, cá nhân trong phòng chống dịch đáng được biểu dương đã góp phần giúp việc kiểm soát dịch hiệu quả. Tuy vậy, không thể chỉ chống dịch mà lơ là nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với nhiều chỉ tiêu Quốc hội giao. Vì vậy, yêu cầu tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao với tinh thần cao nhất. “Chúng ta phải chống cả hai loại virus, một làCovid-19 và một loại nữa là “virus trì trệ”, không chịu làm việc, lấy lí do là có dịch bệnh nên không hành động, làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh - tế xã hội của đất nước" - Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu không được đổ lỗi cho khách quan, không chịu triển khai các giải pháp mới, tái cơ cấu lại ngành, lĩnh vực, sản phẩm do ảnh hưởng của Covid-19 gây ra, làm ảnh hưởng đến đời sống, việc làm, thu nhập của người dân và đặc biệt là hệ thống doanh nghiệp.
Cần phải tìm ra giải pháp để tiếp tục ổn định và phát triển đất nước thông qua sản xuất kinh doanh và dịch vụ, tái cơ cấu nền kinh tế, giảm chi phí, chính sách để thúc đẩy phát triển, kể cả kích cầu phát triển, giải ngân vốn, giảm phí, lệ phí một số dịch vụ, trong đó có dịch vụ logistic, hỗ trợ cho các nhà đầu tư...
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh hiện nay; đồng thời yêu cầu các ngành phải có đề án riêng để bảo đảm tăng trưởng và thực hiện các mục tiêu; không chỉ có biện pháp về kinh tế mà cả biện pháp về thể chế, chính sách để tạo điều kiện cho phát triển…