Động lực và khó khăn trong xuất nhập khẩu từ đầu tư nước ngoài
Kinh tế 16/02/2023 10:45
Kì 1: Điểm sáng và động lực
Điểm sáng trong bức tranh kinh tế
Dòng vốn FDI vào Việt Nam năm 2022 có những nét nổi bật: Mặc dù vốn đầu tư đăng kí mới giảm nhưng số dự án đầu tư mới tăng, vốn đầu tư điều chỉnh cũng tăng so với cùng kì năm 2021. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư chiếm 60,6% tổng vốn đầu tư đăng kí. Đã có 108 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. 54 tỉnh, thành phố trên cả nước được tiếp nhận FDI. Điều đó khẳng định tính đúng đắn từ chủ trương đến sáng tạo trong thực hiện thu hút FDI. Khu vực kinh tế FDI đã thành động lực tăng trưởng của Việt Nam với những điểm nhấn: Bổ sung đáng kể số vốn đầu tư xã hội; nâng cao tổng giá trị sản xuất công nghiệp; xuất nhập khẩu (XNK) thăng tiến; tạo hàng triệu việc làm.
Trên 90% doanh nghiệp (DN) FDI hoạt động hiệu quả, tình hình tài chính từ mức trung bình đến cao.Phần lớn lạc quan, tin tưởng và cam kết tiếp tục mở rộng đầu tư. Ngày càng có nhiều nhà đầu tư có tên tuổi chọn Việt Nam là điểm đến với hành trang hấp dẫn.
Bắc Ninh là một trong những tỉnh có nhiều khu công nghiệp nhất cả nước |
Động lực xuất nhập khẩu
Dù tác động của đại dịch, kinh tế thế giới và lĩnh vực FDI toàn cầu, kinh tế nước ta chịu tác động tiêu cực, song việc thu hút, sử dụng vốn FDI và hoạt động của Khu vực FDI vẫn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế, nhất là XNK. Kim ngạch hai chiều cả nước luôn lập đỉnh mới, năm 2020 vượt 500 tỉ USD, năm 2021 qua 600 tỉ USD và năm 2022 trên 700 tỉ USD, duy trì xuất siêu 7 năm liền. FDI góp phần đưa Việt Nam vào nhóm các nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế, hứa hẹn khởi sắc trong thời gian tới.
Xuất khẩu (XK) của Khối FDI tăng mạnh, nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần cao. Năm 2005, XK của DN FDI có 37% trong tổng kim ngạch XK của cả nước đến 2010 đã tới 54%. Từ 2015, xác lập tương quan tỉ trọng giữa DN FDI với DN Việt Nam là 70/30, đến năm 2022, tỉ trọng của FDI lên tới 74,4%
FDI vào công nghiệp chế biến, chế tạo đứng đầu, chiếm 58% tổng số vốn đầu tư vào Việt Nam, vừa tạo ra các ngành sản xuất công nghệ cao như điện, điện tử - bán dẫn, quang học… từ đó cho ra các mặt hàng XK chủ lực mới, vượt trội. Năm 2022 có 39 mặt hàng XK đạt từ 1 tỉ USD, tăng 4 mặt hàng so với năm 2021, trong đó có 9 mặt hàng đạt từ 10 tỉ USD trở lên khi năm 2021 con số này là 8, tiếp ứng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. FDI tiếp tục là tác nhân quan trọng cải tiến cơ cấu XK theo hướng tích cực với nhóm Công nghiệp chế biến chiếm 86% tổng kim ngạch XK.
Cùng với việc thu hút FDI, một mô hình mới tạo bứt phá về sản xuất, nhất là hình thành các Khu công nghiệp - Khu chế xuất (KCN) . Đến hết 2021, đã có 565 KCN được quy hoạch, trong đó có 402 KCN được thành lập ở mọi miền kể cả tại các Khu kinh tế cửa khẩu hoặc ven biển. Những tỉnh thành có nhiều KCN lớn là những địa phương nổi trội về thu hút FDI. Bắc Ninh có KCN Yên Phong lớn nhất nước về các tiêu chí: Diện tích, số dự án, số vốn FDI, số dự án đang hoạt động, vốn FDI thực hiện. Với 31 KCN, Đồng Nai và Bình Dương là hai địa phương có nhiều KCN nhiều nhất nước.
Nhờ có công nghệ cao cùng với những ưu thế về quản trị kinh doanh được vận hành bởi đội ngũ các chuyên gia quản lí, đội ngũ kĩ thuật viên thành thạo, năng lực của các DN FDI thường vượt trội các đồng nghiệp bản địa. Ngành gỗ có khoảng 4.500 DN, số DN Việt Nam chiếm 85%, còn lại 15% là khối DNFDI, song DN Việt Nam làm nên 52% kim ngạch của mặt hàng này còn các DN FDI góp tới 48%. Với mặt hàng công nghệ càng cao, số xí nghiệp FDI càng ít nhưng XK thì thật siêu. Tiếp cận với các DN FDI, như “gần đèn thì rạng”, đồng nghiệp Việt học hỏi kinh nghiệm, nâng cao năng lực quản trị, dày dạn sóng gió thương trường và hoàn thiện mình.
Tiềm năng XK ngày càng lớn đã thúc đẩy mở rộng thị trường XK ngày càng đa dạng. Năm 2022 có 33 thị trường đạt 1 tỉ USD trở lên, trong đó 6 thị trường đạt 10 tỉ USD trở lên, đặc biệt XK vào thị trường Hoa Kỳ đạt 109 tỉ USD, vững vàng ngôi quán quân.
Khối FDI là chủ lực tạo nên thặng dư thương mại cao của Việt Nam trong 7 năm liền (2016 - 2022), do liên tục xuất siêu lần lượt là: 23,8 tỉ USD - 27,6 tỉ USD - 32,1 tỉ U SD - 35,9 tỉ USD - 34,5 tỉ USD - 29,3 tỉ U SD và 41,8 tỉ USD.
Những điều tốt lành đó giúp Việt Nam có tiếng nói trong đàm phán, kí kết nhiều Hiệp định FTA, trong đó có FTA thế hệ mới và bồi trúc xung lực để thực thi, tăng sức hút của các FTA, hối thúc một số nền kinh tế có tên tuổi xin gia nhập các định chế này. Xuất khẩu sang các nền kinh tế có quan hệ theo các FTA đều có mức tăng trưởng trên 20%, một số thị trường trên 30%, góp phần nâng vị thế của Việt Nam lên tầm cao mới.
Nhờ FDI mà XK của một số địa phương lột xác. Bắc Ninh có diện tích nhỏ nhất nước nhưng kim ngạch XK đứng thứ 2 cả nước, sau TP Hồ Chí Minh, song Bắc Ninh xuất siêu, còn TP Hồ Chí Minh nhập siêu. Thành công của Bắc Ninh bắt nguồn từ phương châm hành động “2 ít, 3 cao, 4 sẵn sàng”. Theo đó, “2 ít” là ít đất - ít dùng lao động. “3 cao” là suất vốn đầu tư dự án cao - công nghệ cao - hiệu quả cao, “4 sẵn sàng” là sẵn sàng mặt bằng; sẵn sàng nhân lực chất lượng cao; sẵn sàng cơ chế, cải cách thủ tục, chính sách ưu đãi, tận dụng tối đa chính sách ưu đãi về pháp luật; sẵn sàng hỗ trợ, giải quyết mọi khó khăn của nhà đầu tư. Ngay từ những ngày đầu thu hút FDI, Bắc Ninh đã lập Tổ công tác đảm trách việc này.
Cùng trong TOP có kim ngạch XK cao nhất nước và cùng động lực từ thu hút FDI, song năm 2022 xuất siêu của Bình Dương đạt 9,2 tỉ USD, chiếm trên 80% của cả nước. Cùng hàng đầu với Cần Thơ về số KCN, song Bình Dương có tỉ lệ lấp đầy các KCN tới 95% khi của toàn quốc là 80%. Tỉnh đã định hướng chọn công nghệ cao, không khuyến khích thu hút các công nghệ thâm dụng lao động, đất đai, năng lượng; không chấp nhận những dự án gây ô nhiễm môi trường….
Trong cao trào bang giao giữa Việt Nam với cộng đồng quốc tế, những nhà FDI được xem là những “Đại sứ thiện chí”, là nhịp cầu nối những bờ vui.