Quay lại Sầm Sơn sau 5 năm, chị Hoàng Hà (Nam Định) thực sự bất ngờ vì sự thay đổi của nơi đây. “Sầm Sơn thay đổi rất nhiều so với ấn tượng lần cuối cùng tôi ghé thăm. Bãi biển đẹp, sạch sẽ. Dịch vụ văn minh và chuyên nghiệp. Đặc biệt điều mà gia đình tôi lo lắng nhất là giá cả thì lại được niêm yết hết sức rõ ràng. Bảng giá đặt ngay tại khu lễ tân và thậm chí kèm cả hotline của chính quyền. Thực sự rất yên tâm”, chị Hà nói.
|
Sầm Sơn đang trở thành thiên đường du lịch phía Bắc |
Một du khách khác, anh Nguyễn Hoàng (Hà Nội) cho biết, từ năm 2016, năm nào gia đình anh cũng phải book phòng tại Sầm Sơn.
“Nhiều năm trước đi Sầm Sơn chỉ có tắm biển, ăn hải sản rồi về. Người già trẻ nhỏ cũng chỉ có hai hoạt động giải trí này. Bây giờ Sầm Sơn có các khách sạn 5 sao, đầy đủ tiện ích; các lễ hội đường phố sôi động; vừa có thể tắm biển, đi dạo, mua sắm, ngắm cảnh, tham gia các hoạt động giải trí khá phong phú…”.
Sự hài lòng của những du khách như chị Hà, anh Hoàng… đã tạo nên sự tăng trưởng ấn tượng về du lịch cho Sầm Sơn những năm gần đây.
Thống kê của UBND thành phố cho hay, tính riêng trong 5 ngày nghỉ lễ từ 27-4 đến 1-5, Sầm Sơn đã đón lượng khách du lịch ước tính trên 730.000 người, tăng trên 30% so với cùng kỳ năm 2018; các cơ sở du lịch đã phục vụ 1,7 triệu ngày khách; doanh thu ước đạt 807 tỷ đồng.
Với thành tích này, Sầm Sơn tiếp tục trở thành một trong những bãi biển hút khách hàng đầu Việt Nam.
Dự kiến năm 2019, thành phố sẽ đón trên 4,8 triệu lượt khách, chiếm khoảng 50% mục tiêu về lượt khách của toàn Thanh Hóa.
Chính quyền vào cuộc Dù khách du lịch tăng đột biến đến 30% so với cùng kỳ, nhưng điểm cộng lớn cho du lịch Sầm Sơn là các hoạt động vui chơi, giải trí vẫn diễn ra một cách trật tự, quy củ trước sự chuẩn bị chu đáo và giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng.
Ông Lương Tất Thắng, chủ tịch UBND thành phố Sầm Sơn cho biết, bên cạnh việc chỉ đạo các doanh nghiệp, người dân kinh doanh dịch vụ du lịch phải niêm yết giá công khai, chính quyền địa phương đã tăng cường bố trí lực lượng cứu hộ và y tế túc trực 24/24, kiểm tra, xử lý các hành vi chèo kéo, "chặt chém" và cung cấp số điện thoại dây nóng cho du khách để được giải quyết kịp thời.
Công tác chuẩn bị cho mùa du lịch 2019 cũng được UBND thành phố triển khai quyết liệt với hàng loạt sự kiện như: tổ chức chợ đêm, tuyến phố đi bộ du lịch trên trục đường Thanh Niên, lắp đặt wifi miễn phí phục vụ du khách tại khuôn viên bãi biển, hay xây dựng đường hoa tươi lên khu vực hòn Trống - Mái....
Hạ tầng đồng bộ Song song với công tác quản lý, du lịch Sầm Sơn cũng gây ấn tượng với hệ thống hạ tầng giao thông và du lịch đồng bộ, liên tiếp được nâng cấp những năm gần đây, như đường Hồ Xuân Hương từ chân núi Trường Lệ đến Vạn Chài, đường Trần Nhân Tông từ giai đoạn 1 đại lộ Nam Sông Mã đến đường Nguyễn Du, đại lộ Voi - Sầm Sơn, sân bay Thọ Xuân…
Nếu như trước đây du khách đến với Sầm Sơn không có nhiều lựa chọn về nơi lưu trú, dịch vụ… tiện nghi và đồng bộ, thì điều này đã thay đổi đáng kể sau khi các hạ tầng du lịch mới được đưa vào vận hành với 830 cơ sở lưu trú, trong đó có 363 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 1 đến 5 sao trong năm 2019.
Cùng với đó là sự hiện diện của 15 Hubway trên 3,5 km dọc đường Hồ Xuân Hương đã mở ra một bãi biển kiểu mẫu, được quy hoạch bài bản và trở thành một trong những bãi biển quy hoạch đẹp nhất Việt Nam.
|
Quần thể nghỉ dưỡng 5 sao FLC Sầm Sơn |
Trong phân khúc nghỉ dưỡng cao cấp, đáng chú ý có sự xuất hiện của quần thể du lịch FLC Sầm Sơn – quần thể nghỉ dưỡng 5 sao đầu tiên tại Thanh Hóa. Sở hữu hơn 1000 phòng lưu trú chất lượng, hơn 70 tiện ích đẳng cấp, địa điểm này đã góp phần không nhỏ trong việc thay đổi diện mạo du lịch Sầm Sơn, mang đến cho thành phố biển một điểm đến chất lượng được ưa thích hàng đầu khu vực miền Bắc và Bắc Trung Bộ.
Năm 2019 Thanh Hóa phấn đấu đón được 9,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 298.000 lượt khách. Đến năm 2020, địa phương phấn đấu đón 11,2 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 400.000 lượt khách. Tổng thu từ du lịch ước đạt 20.500 tỷ đồng, trong đó tổng thu từ khách quốc tế đạt 130 triệu USD.
Để đạt được những kết quả nêu trên, bên cạnh Sầm Sơn đã khá thành công trong việc kêu gọi đầu tư, tỉnh Thanh Hóa đang xúc tiến kêu gọi đầu tư các khu, điểm du lịch trên toàn địa bàn như: Hải Hòa (Tĩnh Gia), Động Từ Thức (Nga Sơn), Thác Voi (Thạch Thành), Hang Co Phường (Quan Hóa), Động Tiên Sơn (Vĩnh Lộc), Thác Ma Hao (Lang Chánh)...
Ước tính tổng nguồn kinh phí thực hiện là hơn 25 nghìn tỷ đồng (trong đó kinh phí xã hội hóa chiếm hơn 92 % và còn lại là kinh phí Trung ương và địa phương).