Đoàn kết, năng động sáng tạo, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2021 và cả nhiệm kì
Sự kiện 28/12/2020 16:42
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhắc tới hàng loạt kết quả nổi bật như tăng trưởng GDP, xuất khẩu, nợ công, giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội, đối ngoại, quốc phòng - an ninh... Trong bối cảnh gồng mình chống thiên tai dịch bệnh, chúng ta vẫn tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp và chuẩn bị tổ chức Đại hội XIII theo kế hoạch chặt chẽ, kĩ lưỡng, bài bản, đúng quy định, nhiều đổi mới.
Chỉ đạo về giải pháp, nhiệm vụ lớn năm 2021 và thời gian tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn vì mục tiêu đặt ra trong năm 2021 rất cao trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, tình hình thế giới còn diễn biến phức tạp, khó đoán định dưới tác động của đại dịch COVID-19… Sau Hội nghị này, với khí thế mới, niềm tin mới, Chính phủ, các địa phương tiếp tục đoàn kết, năng động sáng tạo, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ năm 2021 và cả nhiệm kì, góp phần xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ hằng mong đợi.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Trong 5 năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã tạo ra hơn 1.200 tỉ đô-la giá trị GDP. Năm 2020, dù trong muôn vàn khó khăn bởi COVID-19 và sự suy thoái nghiêm trọng của kinh tế thế giới, kinh tế nước ta vẫn kiên cường duy trì tăng trưởng dương xấp xỉ gần 3%. Theo tính toán của IMF, quy mô kinh tế nước ta đạt hơn 340 tỉ đô-la - đứng trong tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo số liệu của WB, với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8%/năm trong giai đoạn 2016 - 2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới.
Hiện thu nhập bình quân mỗi lao động đạt gần 5.000 USD/năm. Tính cả nhiệm kì qua, thu nhập bình quân của người dân tăng gần 145%. Đánh giá theo tiêu chuẩn của WB tính theo sức mua tương đương, thu nhập trung bình của người dân Việt Nam gần 9.000 USD.
Tuổi thọ trung bình của người dân tăng lên gần 74 tuổi. Chỉ số Phát triển Con người (HDI) của Việt Nam được xếp vào nhóm phát triển cao của thế giới. Tình trạng bất bình đẳng được kiểm soát tốt, cả bình đẳng về thu nhập lẫn bình đẳng giới. Việt Nam cũng đạt được nhiều thành quả vô cùng ý nghĩa về giảm nghèo, được quốc tế đánh giá cao. Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều còn dưới 3% so với 10% của 5 năm trước.
Đảng và Nhà nước luôn thống nhất quan điểm "Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển", xem "Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu". Mỗi năm ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục không thấp hơn 20% tổng chi ngân sách, tương đương trên 5,7% GDP, thuộc nhóm cao trên thế giới. Chất lượng giáo dục nhìn chung được nâng lên. Việt Nam tiếp tục giữ vững truyền thống giành nhiều thành tích quan trọng ở các kì thi khu vực và quốc tế.
Đảng và Nhà nước cũng đầu tư và thực hiện ngày một tốt hơn các chính sách chăm sóc y tế cho Nhân dân. Thành quả chống COVID-19 có được là ý chí của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của toàn dân và phần nào cho thấy tính hiệu quả của hệ thống y tế công cộng mà Đảng, Nhà nước ta quan tâm đầu tư. Cùng với đó, chính sách bảo hiểm y tế đóng vai trò rất lớn trong mạng lưới an sinh xã hội.
Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế; an ninh lương thực được bảo đảm; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ đang trở thành xu hướng; xuất khẩu nông sản đạt hơn 41 tỉ USD. Công nghiệp chuyển biến theo chiều sâu với tỉ trọng hàng xuất khẩu qua chế biến tăng từ 65% năm 2016 lên 85% năm 2020; tỉ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao tăng từ 23% lên 50%. Nhiều ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, hàm lượng khoa học, công nghệ cao như viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, du lịch, thương mại điện tử phát triển khá nhanh.
Khu vực kinh tế tư nhân ngày càng lớn mạnh trở thành mũi nhọn tại một số ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam chuyển hướng đầu tư vào công nghệ, sáng tạo, nắm bắt và làm chủ các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0. Nhiều sản phẩm hàng hóa do Việt Nam sản xuất đã vươn ra thị trường toàn cầu.
Thị trường chứng khoán tăng trưởng đạt điểm kỉ lục với 1.200 điểm vào tháng 4/2018. Quy mô vốn hóa thị trường đạt trên 100% GDP, trong đó cổ phiếu đạt gần 70% GDP, giúp bổ sung thêm khoảng trên 120 tỉ đô-la vào tài sản quốc gia so với cách đây 5 năm. Giá trị tài sản của các ngân hàng tiếp tục tăng; năng lực tài chính, độ vững mạnh và an toàn hệ thống được củng cố, tỉ lệ nợ xấu thấp…
Việt Nam có những thay đổi tích cực, mang lại đột phá, giải phóng sức lao động của con người, làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn, chẳng hạn như đột phá trong y học ghép tạng giúp con người sống khỏe mạnh và thọ hơn. Việt Nam cũng bắt đầu tiến hành những thử nghiệm lâm sàng về Vaccine COVID-19 trên người, cho thấy nền y học của nước nhà không thua kém nhiều nước trên thế giới…
Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 khoảng 6%, lạm phát khoảng 4%, cùng 10 chỉ tiêu KT-XH khác. Những chỉ tiêu này được xây dựng trên cơ sở đã tính toán, cân đối các nguồn lực gắn với bối cảnh dự báo cho năm 2021, nhất là tình hình COVID-19 trong nước và thế giới. Để đạt được mục tiêu này là rất thách thức, nhưng với quyết tâm chính trị cao, Chính phủ phấn đấu trong điều hành GDP 2021 thêm ít nhất 0,5 điểm phần trăm, lên mức 6,5% và đặt quyết tâm cao hơn cho các chỉ tiêu KT-XH khác.