Điểm chuẩn đại học 2018: Thấp hơn nhiều so với dự kiến
Giáo dục 07/08/2018 14:00
Khối trường công an, quân đội biến động nhất, khối ngành y dược hạ thấp
Trong mùa tuyển sinh năm nay, điểm chuẩn có nhiều biến động nhất phải kể đến khối các trường công an, quân đội.
Nếu như năm ngoái, có trường hợp thí sinh dù đạt mức tối đa 30 điểm vẫn trượt đại học thì năm nay, điểm chuẩn cao nhất của khối ngành này chỉ khoảng 26 điểm.
Mặc dù điểm chuẩn các trường giảm nhiều, tuy nhiên, theo các chuyên gia việc giảm điểm chuẩn không ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Ảnh: L.S |
Mức điểm chuẩn trung bình giảm từ 3-5 điểm. Cá biệt, có ngành giảm tới 9 điểm so với năm 2017. Cụ thể, tại Học viện Quân y, năm 2018, đối với thí sinh nam miền Bắc xét tuyển bằng tổ hợp A00 có điểm xét tuyển giảm gần 9 điểm so với năm ngoái, xuống còn 20,05 điểm. Năm 2017, mức điểm trúng tuyển đối với nhóm thí sinh này là 29.
Đối với thí sinh nam miền Nam, điểm chuẩn cũng giảm đến 6,65 điểm so với năm ngoái, từ 27,25 xuống còn 20,60 điểm. Như vậy, mức điểm chuẩn theo từng đối tượng và từng khối xét tuyển của Học viện Quân y năm 2018 đều giảm khá sâu so với năm ngoái.
Cũng trong bối cảnh điểm chuẩn giảm chung, Học viện An ninh nhân dân vốn có điểm trúng tuyển cao nhất nhì cả nước, năm nay cũng giảm. Năm ngoái, thí sinh nữ muốn dự thi khối D01 vào Học viện An ninh phải đạt mức điểm lên tới 30,5 thì năm nay, mức điểm chuẩn đã hạ xuống còn 26,1 điểm.
Hay một trường quân đội là Học viện Kỹ thuật Quân sự, năm 2017, điểm trúng tuyển vào trường đối với thí sinh nữ miền Bắc là 30 điểm tuyệt đối thì năm nay, với mức điểm 25,10 - thí sinh nữ miền Bắc đã có thể đỗ.
Trong khi đó, khối trường y - dược điểm trúng tuyển giảm, không có ngành nào điểm trên 25.
Nếu năm ngoái một thí sinh đạt 29,35 điểm vẫn trượt ngành Y đa khoa của Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, thì năm nay thủ khoa của trường này là 29,1 điểm. Thí sinh có điểm xét tuyển cao nhất vào trường chỉ 29,15. Các trường y trên cả nước không có ngành nào có điểm chuẩn từ 25 trở lên.
Năm 2017, điểm trúng tuyển ngành Y đa khoa Trường Đại học Y Hà Nội lên tới 29,25 kèm theo 4 tiêu chí phụ. Năm nay điểm chuẩn ngành này chỉ còn 24,75 (giảm 4,5 điểm). Hầu hết các ngành cũng có xu hướng giảm từ 4-6 điểm. Ngành Y tế Công đồng thấp nhất là 18,1 trong khi năm 2017 là 23,75.
Điểm cao nhất ngành Y đa khoa Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh năm nay chỉ là 24,95 điểm (giảm 4,3 điểm so với năm 2017). Ngành Răng - Hàm - Mặt có điểm chuẩn 24,45 - giảm 4,55 điểm so với năm 2017. Ngành thấp nhất là 18 - giảm 4,25 điểm so với năm 2017 và giảm 2,5 điểm so với năm 2016.
Trường Đại học Y Thái Bình, điểm chuẩn vào ngành Y khoa là 22,7 điểm (giảm 4,8 điểm so với năm ngoái), ngành Dược học là 21,55 điểm (giảm 4,45 điểm so với năm 2017). Thậm chí, năm nay với mức điểm 15,75, thí sinh có thể trúng tuyển vào ngành Y tế công cộng Trường Đại học Y Thái Bình.
Khối trường sư phạm, kinh tế, kỹ thuật giảm sâu
Đây là năm đầu tiên các trường, ngành sư phạm trên cả nước phải áp chung một mức điểm sàn 17 điểm.
Trong mặt bằng chung điểm chuẩn giảm từ 1-4 điểm ở nhiều ngành học của Đại học Sư phạm Hà Nội so với năm 2017. Tuy nhiên, trong số đó, duy trì ở mức điểm chuẩn cao nhất vào trường vẫn là các ngành học dạy bằng tiếng Anh như Sư phạm Toán (dạy Toán bằng tiếng Anh), Sư phạm Tin học (dạy Tin bằng tiếng Anh)...
Ở một số ngành học khác, điểm chuẩn chỉ ở mức 16 điểm.
Tại Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, điểm chuẩn các ngành sư phạm cũng giảm trung bình 4 điểm. Ngành Sư phạm Toán học có điểm chuẩn cao nhất với 22,25, nhưng mức này đã giảm 4 điểm so với năm ngoái. Sư phạm Hóa học giảm 4,2 điểm, Sư phạm Vật lý giảm 4 điểm; Sư phạm Ngữ văn giảm 4 điểm; Sư phạm Sinh học giảm 4,25; Sư phạm Sử giảm 4,25…
Điểm chuẩn Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) cũng trong xu thế giảm khi các ngành Sư phạm Toán, Lý, Hóa, Tin có môn chính nhân hệ số 2 nhưng chỉ ở mức 22 điểm (trung bình 5,5 điểm/môn). Các ngành còn lại lấy bằng ngưỡng điểm Bộ GD-ĐT quy định.
17 giờ ngày 12/8 là hạn cuối thí sinh trúng tuyển đợt 1 xác nhận nhập học. Sau đó, các trường sẽ thông báo xét bổ sung nếu còn chỉ tiêu. Theo quy định, từ ngày 22/8, các trường bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung cho đến ngày 31/12.
Khối trường kinh tế, kỹ thuật mức điểm chuẩn trúng tuyển năm nay cũng giảm khá mạnh.
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội có mức điểm chuẩn dao động 20,5 - 24,35 điểm. Một số ngành có truyền thống điểm cao như Kinh tế quốc tế hay Kinh doanh quốc tế năm nay vẫn dẫn đầu. Tuy nhiên, so với năm 2017, điểm chuẩn của những ngành này cũng đã giảm từ 3-4 điểm .
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, mức điểm chuẩn năm nay dao động từ 18 - 25,35. Ngành có mức điểm chuẩn cao nhất của trường là Công nghệ thông tin với mức điểm 25,35. Năm ngoái, mức điểm chuẩn vào ngành này là 28,25 điểm. Như vậy, mức điểm đã giảm gần 3 điểm.
Năm ngoái, trường này có hơn 12 ngành điểm từ 25,5 trở lên.
Giảm điểm nhưng không ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo
Theo các chuyên gia, việc giảm điểm chuẩn không ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo vì nhiều trường đã tuyển được các thí sinh tốt thông qua việc xét tuyển học bạ hoặc kỳ thi đánh giá năng lực.
PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trường chủ trì nhóm xét tuyển phía Bắc với sự tham gia của 55 trường đại học nhận định, các trường ĐH miền Bắc năm nay xét tuyển tương đối tốt. “Tính đến nay các trường cơ bản tuyển được một lượng thí sinh tốt hơn năm ngoái. Có trường năm ngoái tuyển ít hơn thì năm nay đã đủ và có thể xét nhập học đủ số lượng. Nhóm các trường xét tuyển miền Bắc đều khá thành công” - ông Tớp đánh giá.
Chia sẻ về nguyên nhân điểm chuẩn năm nay giảm, PGS.TS Trần Văn Tớp cho biết, trước hết về phổ điểm, mặt bằng điểm năm nay nói chung so với năm ngoái giảm. Bên cạnh đó, điểm ưu tiên khu vực theo kiến nghị của các nơi từ năm ngoái, năm nay giảm một nửa (khu vực năm ngoái hưởng 1,5 điểm năm nay chỉ còn 0,75).
Trả lời báo chí, PGS.TS Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội lại cho rằng phổ điểm thi THPT Quốc gia như hiện tại giúp các trường dễ dàng trong tuyển sinh. “Đối với đội ngũ làm công tác tuyển sinh nhiều năm thì điểm chuẩn như hiện nay tạo sự thuận lợi cho công tác tuyển sinh. Trước đây, có những em học sinh đạt 3 điểm 9 vẫn chưa được vào trường là thời điểm chúng tôi làm công tác tuyển sinh rất khó khăn. Một cuộc thi mà phổ điểm của các em rải rộng sẽ giúp chúng tôi lựa chọn dễ dàng. Trong khi đề thi dễ quá, nhiều điểm 9-10 sẽ rất khó cho công tác tuyển sinh của các trường đại học” - PGS.TS Nguyễn Đức Hinh cho biết.
Theo thống kê của Học viện An ninh Nhân dân, trong 220 thí sinh trúng tuyển ngành Nghiệp vụ An ninh (ngành duy nhất tuyển sinh của trường năm 2018), Lạng Sơn có 23 thí sinh (chiếm 10,5%). Hà Tĩnh đứng thứ hai với 15 thí sinh (6,7 %). Hòa Bình và Cao Bằng cùng đứng thứ ba với 14 thí sinh (6,4%). Sơn La và Bắc Kạn, mỗi tỉnh có 10 thí sinh (4,5%).
Một điều đáng chú ý nữa là, có nhiều thí sinh đến từ các địa phương đang bị điều tra về nghi vấn sửa điểm thi THPT Quốc gia 2018 như Lạng Sơn, Hòa Bình, Sơn La đỗ thủ khoa. Cụ thể, trong số 6 thí sinh có tổng điểm xét tuyển cao nhất các khối thi (đã bao gồm điểm ưu tiên) thì có tới 3 thí sinh của Hòa Bình (chiếm tỷ lệ 50%). Hai thí sinh của Lạng Sơn (chiếm tỷ lệ 33,3%). Trong top 10 thí sinh có điểm thi khối A01 cao nhất đỗ vào Học viện An ninh năm nay, có 4 thí sinh đến từ Hòa Bình, 2 thí sinh đến từ Sơn La.
Chia sẻ với báo chí, cán bộ quản lý phòng đào tạo Học viện An ninh nhân dân cho biết, đây là những thống kê bước đầu mang tính định lượng được Hội đồng tuyển sinh học viện phân tích. Xét thấy kết quả thống kê dữ liệu này có những khác thường so với diễn biến thực tế của kỳ thi THPT Quốc gia 2018, nhà trường mong muốn lãnh đạo cấp trên tiến hành nghiên cứu và rà soát.
Báo Tin tức