Đèo Cả và tai tiếng chuyện thu phí
Đầu tư - Tài chính 25/05/2020 02:32
Thu phí giá cao vì Covid-19?
Dự án thành phần 1 có mục tiêu xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đoạn Km45+100 - Km108+500, kết hợp tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Km1+800 - Km106+500, tỉnh Bắc Giang và tỉnh Lạng Sơn. Tổng mức đầu tư Dự án thành phần 1 là 12.189 tỷ đồng, thời gian xây dựng từ năm 2015 đến năm 2019.
Ngoài Dự án thành phần 1, tại Dự án BOT đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, còn một cấu phần quan trọng khác nữa là Dự án thành phần 2 - xây dựng tuyến cao tốc từ cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng, với tổng mức đầu tư 8.743 tỷ đồng và cũng được đầu tư bằng hình thức BOT.
Tại Dự án thành phần 1, Hợp phần tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đã được Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn hoàn thành, đưa vào sử dụng và tổ chức thu phí từ ngày 1/6/2018; Hợp phần cao tốc cũng được thông xe kỹ thuật vào ngày 30/9/2019 và tổ chức thu phí từ ngày 18/2/2020 (sau khi tiến hành miễn phí cho các phương tiện giao thông một tháng).
Khi tiến hành đưa vào thu phí, nhiều ý kiến cho rằng, giá vé cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn còn cao so với một số tuyến cao tốc khu vực như Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Hải Phòng,..
Về việc này, UBND tỉnh Lạng Sơn cho rằng lý do nằm ở chỗ lưu lượng xe thực tế trong quý 1/2020 giảm so dịch bệnh, cắt giảm 1 trạm thu phí (phương án chủ đầu tư đã đề xuất đưa ra ngay từ đầu), giá đã giảm so với nhà đầu tư đề xuất,…và cũng tương đương với giá nhiều cao tốc khác!
Cụ thể, quá trình triển khai dự án, nhà đầu tư đã cắt giảm 1 trạm thu phí (Km24+800) trên QL1, miễn giảm phí cho gần 6.000 phương tiện người dân địa phương xung quanh trạm thu phí QL1, bổ sung chi phí tổ chức thu phí tự động không dừng (ETC). Những thay đổi này đã ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp.
UNBD tỉnh Lạng Sơn cũng cho rằng, theo phân tích của Kiểm toán Nhà nước ngày 16/1/2020, lưu lượng xe thực tế giảm gần 48% cho cả 2 tuyến QL1 và cao tốc so với dự báo tại phương án tài chính ban đầu dẫn đến ảnh hưởng lớn đến phương án tài chính của dự án.
Để khắc phục khó khăn, vướng mắc của dự án, Công ty cổ phần BOT Bắc Giang – Lạng Sơn đã có văn bản ngày 30/1/2020 đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn điều chỉnh mức phí sử dụng dịch vụ đường bộ của năm cơ sở 2020. Theo đó, nhà đầu tư đề xuất mức vé thấp nhất trên QL1 là 62.000 đồng/ lượt, cao nhất là 240.000 đồng lượt; mức vé thấp nhất trên cao tốc là 2.200 đồng/km, cao nhất là 8.600 đồng/km, tùy loại xe.
Sau đó, UBND tỉnh Lạng Sơn đã giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh xem xét đề nghị của Nhà đầu tư BOT. Cơ quan chức năng đã phân tích kỹ yếu tố lưu lượng xe, việc cắt giảm 1 trạm thu phí, miễn giảm phí gần 6.000 phương tiện và tham khảo mức giá vé sử dụng đường bộ tại tuyến cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, Trung Lương – Mỹ Thuận, dự án mở rộng nâng cấp Quốc lộ 1 ở một số nơi trước khi quyết định giá vé cho cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn.
Cuối cùng, mức vé thấp nhất trên cao tốc được UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt là 2.100 đồng/km, cao nhất là 8.100 đồng/km; mức vé thấp nhất trên QL1 là 52.000 đồng/lượt, cao nhất là 200.000 đồng/lượt. “Mức giá vé này đã giảm so với mức giá Nhà đầu tư đề xuất, phù hợp với thực tiễn, và đảm bảo quy định mức trần năm cơ sở tại Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT” đại diện UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết.
Cũng theo đại diện UBND tỉnh Lạng Sơn, nếu so với cao tốc Vân Đồn – Hạ Long (60km) hay Trung Lương – Mỹ Thuận (51km) thì mức vé cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn là tương đương. Theo đó, cao tốc Vân Đồn – Hạ Long và Trung Lương – Mỹ Thuận cùng mức vé thấp nhất là 2.100 đồng/km, cao nhất 8.400 đồng/km, tùy loại xe.
UBND tỉnh Lạng Sơn cũng phân tích, trên hợp phần Quốc lộ 1 thuộc Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, chiều dài đầu tư nâng cấp, cải tạo là 110km, thu 1 trạm với giá 52.000 đồng/lượt đối với phương tiện nhóm 1, tương đương với trung bình 472 đồng/01km. Trong khi đó, đường QL1 đoạn Km1374-Km1392 và đoạn Km1405-Km1425 thuộc tỉnh Khánh Hòa có tổng chiều dài 37,5 km đặt 1 trạm thu phí với mức giá 41.000 đồng/lượt đối với phương tiện nhóm 1, tương đương với trung bình 1.093 đồng/1km. Đường QL91 với chiều dài 52km thu phí 2 trạm, mức giá mỗi trạm là 41.300 đồng/lượt đối với phương tiện nhóm 1, tương đương với trung bình 1.588 đồng/1km. “Như vậy giá vé trạm thu phí tại QL1 thuộc tỉnh Lạng Sơn đã rẻ hơn so với nhiều tuyến Quốc lộ khác trên địa bàn cả nước”, UNBD tỉnh Lạng Sơn đánh giá.
Do dịch bệnh nên xe hàng hóa ít lên Lạng Sơn, lượng người lên Lạng Sơn du xuân, đi lễ hội tâm linh cũng giảm mạnh nên doanh thu BOT cũng giảm theo. Thực tế, khi hàng ngàn doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thậm chí có những doanh nghiệp còn giảm tới 80-90% hoặc phải đóng của vì dịch Covid-19, thì Đèo Cả vẫn còn “may mắn” khi lưu lượng xe giảm một nửa như nói trên. Trong khi đó, doanh nghiệp cũng được hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng.
Khi địa phương ưu ái
Thực tế, phí cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn do Tập đoàn Đèo Cả đề xuất nhưng gần như "không ra mặt". Trả lời báo chí, ông Đặng Tiến Thắng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn cho biết, cuối năm 2019, đơn vị tài trợ vốn là VietinBank đã tiến hành “chạy lại” phương án tài chính Dự án thành phần 1.
Sau khi đối chiếu kỹ số liệu tài chính từ doanh nghiệp dự án, VietinBank khẳng định, phương án tài chính Dự án thành phần 1 đã bị phá vỡ rất sâu so với cam kết ban đầu, do sự thay đổi khách quan từ cơ chế chính sách. Theo đó, doanh thu thu phí tại cả 2 đoạn đường, sau khi trừ chi phí (vận hành, bảo trì, tổ chức thu phí), không đủ bù đắp chi phí lãi vay, với tổng giá trị thiếu hụt khoảng 3.189 tỷ đồng và kéo theo thời gian hoàn vốn của Dự án tăng thêm 10 năm, vọt lên đến 28 năm so với phương án tài chính được duyệt.
Để giảm áp lực dòng tiền cho các bên, UBND tỉnh Lạng Sơn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cân đối từ nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ cho Dự án thành phần 1, với số tiền là 2.056 tỷ đồng, bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để tham gia dự án, chi trả cho các hạng mục công việc như giải phóng mặt bằng các công trình đường gom, hầm chui dân sinh, cầu vượt trực thông…
Theo tỉnh, khoản hỗ trợ này, tương tự chính sách mà Chính phủ đã và đang áp dụng tại một số dự án triển khai đầu tư theo hình thức PPP có vốn ngân sách nhà nước tham gia hỗ trợ như các dự án đầu tư xây dựng một số đoạn tuyến trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái...
UBND tỉnh Lạng Sơn thừa nhận, do một loạt yếu tố đầu vào thay đổi rất lớn, nên ngay cả khi nhận được khoản hỗ trợ 2.056 tỷ đồng, thời gian thu phí hoàn vốn của Dự án thành phần 1 vẫn lên tới khoảng 24 năm 8 tháng (tăng khoảng 6 năm 5 tháng so với phương án tài chính ban đầu).
“Nếu không có khoản hỗ trợ này, khả năng vỡ phương án tài chính là rất lớn. Đồng thời, việc này sẽ làm cho các ngân hàng thương mại lo ngại trong việc xem xét tài trợ vốn cho Dự án thành phần 2 - xây dựng đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng”, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cho biết.
Tập đoàn Đèo cả nhiều lần được người dân phản ánh chuyện phí và sự minh bạch về lượt thu phí. Tuy nhiên, có lẽ nhờ mối quan hệ tốt nên được địa phương đồng hành. Còn nhớ năm 2019, có khoảng 10 người dân thay phiên nhau ngồi gần Trạm BOT Ninh Lộc để đếm lượt xe qua lại cả hai chiều. Mục đích người dân nhằm minh bạch số lượt phương tiện qua trạm, cũng như con số thực thu của BOT Ninh Lộc.
Bởi họ nghi ngờ việc báo cáo không đúng lượt phương tiện qua trạm và số tiền thu được lên Bộ GTVT nhằm kéo dài thời hạn thu phí. Khi người dân tiến hành đếm lượt xe qua trạm nhưng sau đó bị chính quyền xã Ninh Lộc – Ninh Hoà cưỡng chế vì dựng lán trái phép trên đất công và thực hiện theo dõi gây cảm giác việc đếm xe của dân nguy hiểm.
Và sau một tuần tự đếm xe qua trạm BOT Ninh Lộc, người dân chuẩn bị tổng hợp các số liệu để gửi cơ quan chức năng, thì đột ngột phát hiện giấy tờ ghi số liệu đếm xe bị mất gần hết.
Chủ đầu tư trạm BOT Ninh Lộc là Công ty CP đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa. Trong năm 2018, trạm BOT Ninh Lộc đối mặt tình hình căng thẳng, phải nhiều lần xả trạm vì nhiều tài xế dừng lại giữa làn để phản đối thu phí, khiến giao thông ùn ứ. Từ giữa năm 2019, vụ việc đến xe tại BOT Ninh Lộc sau đó được giải quyết và cũng lắng xuống. Nhưng lòng tin của người dân về sự minh bạch của doanh nghiệp vẫn còn bỏ ngỏ.
Công ty CP tập đoàn Đèo Cả hiện nay là một thương hiệu lớn, một nhà đầu tư hàng đầu của cả nước về hạ tầng giao thông nhưng cũng mang nhiều tai tiếng như vì sao nhiều dự án sau khi tiếp nhận được đưa về tỉnh, doanh nghiệp có mối quan hệ tốt với tỉnh như thế nào, lãi suất vay ngân hàng từng điều chỉnh ra sao, chiêu bài “kêu khó” xin hỗ trợ vốn, doanh nghiệp lớn nhưng vốn ảo, quản lý lỏng lẻo trong quá trình thi công,…
Những vấn đề này dần được đề cập rõ những bài viết tiếp theo,…cùng doanh nghiệp cũng khắc phục hạn chế, khẳng định lại niềm tin và uy tín.