Để bắt kịp xu thế “xanh” cần hành động nhanh
Kinh tế 17/10/2024 14:06
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2022, nhu cầu tài chính tăng thêm để Việt Nam xây dựng khả năng chống chịu và giảm phát thải nhà kính giai đoạn 2022 - 2040 lên đến 368 tỉ USD, trong đó thích ứng chiếm 4,7% GDP mỗi năm và khử Carbon chiếm 2,1%. Trong đó, nguồn tài chính đến từ khu vực tư nhân chiếm gần 50% với 184 tỉ USD, các nguồn từ khu vực công là 130 tỉ USD, cùng với đó là nguồn tài chính hỗ trợ từ bên ngoài.
Nguồn vốn được đánh giá là khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp gặp phải trong quá trình giảm phát thải, chuyển đổi xanh. Có 50% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng, họ gặp phải khó khăn về vốn và chỉ có 5,9% cho rằng, không có khó khăn gì về vốn. Đây là một vấn đề cần sự quan tâm đặc biệt vì trong khi doanh nghiệp rất cần vốn cho giảm phát thải, “chuyển đổi xanh” để đón đầu các cơ hội thì “tài chính xanh” chưa phát triển tương ứng.
Sau hơn 10 năm, “tài chính xanh” được triển khai ở Việt Nam nhưng quy mô vẫn nhỏ, “tín dụng xanh” chỉ chiếm 4,5% tổng dư nợ (số liệu từ Ngân hàng Nhà nước tính tới hết năm 2023), trong khi “trái phiếu xanh” còn rất ít.
Cánh đồng Điện gió Bạc Liêu. |
Tính đến 31/12/2023, mới có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ “tín dụng xanh” với gần 621 nghìn tỉ đồng, tăng 24% so với cùng thời điểm năm 2022, chiếm khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
“Tín dụng xanh” hiện nay tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (gần 45%) và nông nghiệp xanh (gần 30%). Việc triển khai “tín dụng xanh” còn nhiều vướng mắc như chưa có khung pháp lí, chính sách tổng thể trong khi các nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng thường là vốn huy động ngắn, trung hạn và bên vay đòi hỏi lãi suất ưu đãi.
Từ chuyển động chính sách và kinh nghiệm quốc tế cũng như thực tế đánh giá doanh nghiệp, Việt Nam cần hành động ngay để bắt kịp yêu cầu, xu thế từ các thị trường, đối tác thương mại chính. Chính phủ cần hoàn thiện mang tính tổng thể các thể chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp “chuyển đổi xanh”, bao gồm: Việc rà soát các chính sách và quy định pháp lí đã tồn tại để phù hợp với xu hướng chuyển đổi, phù hợp với mô hình kinh tế tái chế, tuần hoàn... Các tiêu chuẩn phân loại xanh, danh mục dự án xanh, quy định tín dụng, trái phiếu xanh, các thiết kế về dòng vốn trung và dài hạn… cần được ban hành sớm và hướng dẫn tổ chức thực hiện, triển khai nhanh chóng để doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn cần thiết, phù hợp.
So với nhiều quốc gia trong khu vực, việc tạo lập thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam đang tỏ ra chậm trễ ở một số khía cạnh và cần các Bộ, ngành đầu mối thúc đẩy đúng chỉ đạo của Chính phủ. Thị trường tín chỉ carbon được coi là mảnh ghép quan trọng để các doanh nghiệp và quốc gia “chuyển đổi xanh”.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần thúc đẩy nhanh chóng các chương trình nâng cao năng lực cùng các chính sách để hỗ trợ loạt doanh nghiệp tiên phong thích nghi với cuộc chơi mới, đặc biệt tập trung vào các vấn đề: “Tài chính xanh”, nguồn nhân lực có chuyên môn kĩ thuật, thị trường tín chỉ carbon, chuyển đổi công nghệ và năng lượng…
Theo báo cáo “Mức độ sẵn sàng và khó khăn của doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh” mới được Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) công bố cuối tháng 9, có 3 khó khăn lớn nhất doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải trong quá trình chuyển đổi xanh gồm: Nguồn vốn, nhân sự có kĩ thuật và các giải pháp kĩ thuật để thực hiện chuyển đổi. Từ đó, cần có những giải pháp quyết liệt hơn nữa từ nhiều phía để hàng Việt Nam tự tin xâm nhập thị trường.
Thực tế, “chuyển đổi xanh” đang trở thành “một cuộc đua” ở cấp độ toàn cầu. Các quốc gia lớn đã và đang dành nhiều nguồn lực và thiết kế nhiều khuôn khổ pháp lí lẫn thực tiễn để thúc đẩy “chuyển đổi xanh” tại quốc gia cũng như tạo tác động tới các quốc gia khác.
Các thị trường lớn của Việt Nam đều đang đẩy mạnh thực thi cam kết Net-Zero, do đó, nhiều chính sách mới đã ban hành, dự kiến ban hành đều hướng đến tạo dựng các hàng rào kĩ thuật về phát triển xanh, bền vững, giảm phát thải khí nhà kính. Việt Nam cũng đã có những cam kết mạnh mẽ từ cấp Chính phủ và ghi dấu ấn với quốc tế về vấn đề này. Tuy nhiên, mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp Việt Nam chưa cao.
“Với các diễn biến chính sách từ các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ và nội luật hóa ở Việt Nam, việc các doanh nghiệp dường như chưa chuẩn bị gì sẽ tạo ra những sức ép rất lớn trong tương lai khi các quy định hết thời gian chuyển tiếp và chuyển sang giai đoạn bắt buộc tuân thủ”, báo cáo nhận định.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong chuyển đổi xanh, từ thông tin, nguồn vốn, nhân sự có chuyên môn… Chuyển đổi xanh đòi hỏi nhu cầu về vốn lớn đối với Việt Nam trong cả 3 khu vực.