Đẩy mạnh mua bán, xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường
Đầu tư - Tài chính 27/01/2022 18:19
Lường trước áp lực nợ xấu từ nợ tái cơ cấu nên nhiều NHTM đã tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro để gia tăng “bộ đệm” chống đỡ. |
Nợ xấu là chỉ tiêu quan trọng để đánh giá chất lượng tín dụng, nếu để nợ xấu tăng cao mà không xử lý kịp thời có thể gây đổ vỡ ngân hàng, đe dọa an ninh tài chính quốc gia. Tại Việt Nam, để tạo hành lang pháp lý, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong xử lý nợ xấu.
Sau hơn 4 năm, Nghị quyết số 42 đã tạo những chuyển biến tích cực trong việc xử lý nợ xấu, tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả giúp các TCTD đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, các TCTD được phép chủ động quyết định biện pháp xử lý khoản nợ là bán nợ, thu giữ tài sản cho dù có hay không có sự đồng ý của bên vay/bên bảo đảm đã tạo áp lực rất lớn buộc bên vay/bên bảo đảm phải có trách nhiệm trong việc trả nợ và phải hợp tác với các TCTD trong quá trình xử lý nợ nếu không muốn mất tài sản.
Nhờ các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần giải quyết nhanh, các TCTD đã xử lý được khối lượng khá lớn nợ xấu, lành mạnh hóa bảng cân đối, góp phần cải thiện đáng kể hiệu quả kinh doanh…
Ông Nguyễn Quang Hòa, Phó Giám đốc Sàn giao dịch nợ VAMC cho biết: Hiện các chủ thế tham gia trên sàn giao dịch gồm: VAMC, các TCTD, các công ty quản lý tài sản (AMC), công ty mua bán nợ, các tổ chức và cá nhân. Hàng hoá giao dịch trên sàn là các khoản nợ xấu của các TCTD và tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu. “Muốn thị trường mua bán nợ phát triển, cần đảm bảo lợi ích cho các bên tham gia vào thị trường, hoạt động xử lý nợ phải công khai minh bạch và hợp pháp, cần thành lập các tổ chức quản lý và giám sát thị trường một cách chặt chẽ và hiệu quả”, ông Nguyễn Quang Hoà cho biết.
Còn theo Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng (VNBA), ông Nguyễn Quốc Hùng, COVID-19 khiến tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu tăng cao trở lại. Trong khi đó, Nghị quyết 42 hết hiệu lực sẽ khiến áp lực xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD trong thời gian tới là rất lớn. Vì vậy, việc luật hóa xử lý nợ xấu cũng là làm tăng hiệu lực, hiệu quả của công tác thể chế. Trong dài hạn, việc luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu là rất cần thiết, khi đó lĩnh vực xử lý nợ xấu sẽ có văn bản luật riêng để điều chỉnh, các quy định xử lý nợ xấu sẽ có giá trị pháp lý cao hơn, giúp cho ngành ngân hàng và các cơ quan Nhà nước liên quan phối hợp xử lý nợ xấu hiệu quả hơn.
Theo đề xuất của một số ngân hàng, cần tháo gỡ một số vướng mắc trong quá trình thực hiện mua bán nợ như chưa có quy định liên quan đến công khai thông tin khoản nợ; chưa có cơ chế ràng buộc, phối hợp của bên nợ với bên mua nợ, phòng ngừa rủi ro…Riêng với trường hợp khoản nợ có vốn Nhà nước, nếu bán nợ mà không định giá chính xác sẽ rất dễ dẫn đến nguy cơ mất vốn Nhà nước. Điều này ảnh hưởng rất lớn khả năng bán nợ của các TCTD, cũng như hoạt động của sàn giao dịch nợ trong thời gian tới.
Để thực hiện mục tiêu xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD theo Nghị quyết 42 của Quốc hội, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh đề nghị VAMC trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như:
Thứ nhất, phát triển VAMC thực sự trở thành trung tâm trong hoạt động xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại hệ thống các TCTD; Thúc đẩy sự phát triển của thị trường mua, bán nợ; Đảm bảo sự phát triển an toàn bền vững của các TCTD; Có đủ năng lực và nguồn lực để thực hiện chức năng và nhiệm vụ mua, bán và xử lý nợ xấu; Định giá, đấu giá tài sản. Trong đó mục tiêu đến năm 2025 là vận hành Sàn giao dịch nợ; Xây dựng trung tâm dữ liệu về khoản nợ/tài sản tại VAMC, tập trung hoàn thành chỉ tiêu mua nợ theo GTTT được NHNN phê duyệt; Tăng cường xử lý nợ xấu theo giá trị thị trường, tiếp tục xử lý số nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt của các TCTD yếu kém.
Thứ hai, có giải pháp triển khai nội dung hoạt động quy định tại Nghị định 53 như: Đầu tư, sửa chữa, nâng cấp, khai thác, sử dụng, cho thuê tài sản bảo đảm đã được VAMC thu nợ; tư vấn, môi giới mua, bán nợ và tài sản; đầu tư tài chính, góp vốn, mua cổ phần; bảo lãnh cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân vay vốn của TCTD.
Thứ ba, tích cực tham gia hoạt động mua, bán nợ trên Sàn giao dịch nợ.
Thứ tư, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy chế nội bộ của VAMC đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật; Kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực, hoàn thiện bộ máy hoạt động; Tập trung sắp xếp cán bộ, người lao động theo hướng tăng cường cho hoạt động xử lý nợ, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
“Nếu tính cả dư nợ của khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN có nguy cơ chuyển thành nợ xấu thì tỷ lệ nợ xấu hiện khoảng 7,31%”, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN cho biết. Do đó, NHNN sẽ đẩy mạnh thực hiện các giải pháp để kiểm soát và xử lý nợ xấu, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh. Đồng thời, sẽ tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng, đặc biệt là đối với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao để duy trì tỉ lệ nợ xấu ở mức an toàn dưới 3%. |
Được chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 15.275 tỷ đồng, MSB đang làm ăn ra sao? Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản chấp thuận cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải Việt Nam (MSB) được tăng vốn ... |
Ngành tài chính ngân hàng cẩn trọng với “gia vị” nợ xấu Mặc dù Thông tư 01 đã tạo hành lang pháp lý và cơ chế thuận lợi cho các tố chức tín dụng tháo gỡ khó ... |