Đại biểu Hà Sỹ Đồng: Biên chế cán bộ công chức viên chức nên giao cho Hà Nội tự quyết định
Sự kiện 13/11/2023 13:13
Tán thành với mục tiêu xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi lần này với cơ chế đặc thù, vượt trội; khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật Thủ đô để xây dựng, phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa của cả nước…
ĐB Hà Sỹ Đồng cho ý kiến vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). |
Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, về cơ bản 9 nhóm nội dung rất phù hợp với yêu cầu phát triển Thủ đô hiện nay với các cơ chế chính sách vượt trội, đặc thù. Đặc biệt là quy định về chế độ công chức, công vụ quy định tại Điều 16 của Dự thảo, trong đó không phân biệt CBCC xã, phường, thị trấn với cán bộ, công chức cấp huyện, quận và cấp thành phố là phù hợp và đổi mới theo hướng tiến bộ; quy định về chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại Điều 17 của dự thảo.
Tuy nhiên, về biên chế thì quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 9 của dự thảo là có vấn đề. Theo lý giải của đại biểu Hà Sỹ Đồng, thực tế, hiện nay chỉ trên Trung ương, Ban chỉ đạo mới có một số lượng biên chế dự phòng cho cả nước. Còn các địa phương khi được cơ quan có thẩm quyền giao biên chế thì không có quy định có biên chế dự phòng. Và hơn nữa, dự thảo lại quy định HĐND Tp Hà Nội đề xuất cơ quan có thẩm quyền quyết định cụ thể về số lượng biên chế tăng thêm- thì quy định này không có ý nghĩa gì, về phân cấp trong quản lý biên chế cả vì vẫn thực hiện như hiện nay. Vừa qua, Quốc Hội cũng đã có Nghị quyết 98 phân cấp giao cho TP Hồ Chí Minh được quyền quyết định cơ cấu và số lượng CBCC làm việc ở xã, phường, thị trấn.
Hiện nay, theo tinh thần và chủ trương của Đảng là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và phát huy vai trò tự quản của chính quyền Thủ đô, đồng thời trong quản lý đội ngũ CBCC cần có chính sách mạnh mẽ, có tính đột phá nên giao cho TP Hà Nội được quyết định biên chế CBCCVC. Tuy nhiên, phải có cơ chế báo cáo, kiểm tra, giám sát và kiểm soát của cơ quan Trung ương trong quá trình thực hiện, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị.
Về danh hiệu công dân Thủ đô quy định tại Điều 7 của Dự thảo, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị nên quy định đồng bộ cho cả người Việt Nam (trong nước và ở nước ngoài) và người nước ngoài có đóng góp đặc biệt trong xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô hoặc trong việc thiết lập, mở rộng, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, quan hệ hợp tác quốc tế của Thủ đô.
Do đó, việc quy định danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô như dự thảo để trao tặng cho người nước ngoài. Nhưng cũng cần bổ sung thêm danh hiệu Công dân ưu tú Thủ đô vào dự thảo để trao tặng cho người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài. Như thế mới thu hút được người có tài năng tham gia vào sự nghiệp phát triển Thủ đô. Vì vậy, nên thiết kế lại Điều 7, đưa 2 danh hiệu này vào cho phù hợp, đại biểu Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh.
Về tổ chức chính quyền tại Thành phố Hà Nội, bên cạnh việc đề xuất lưu ý những chủ trương của Đảng đã qui định, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị, quy định tổ chức chính quyền đô thị ở Thủ đô chỉ 1 cấp chính quyền (không tổ chức HĐND Quận, HĐND Phường) mà nên áp dụng như thành phố HCM và Đà Nẵng.
Tuy nhiên, qua kinh nghiệm thực tiễn cần quy định UBND Quận; UBND Phường là một cấp Ngân sách thay vì là một đơn vị dự toán Ngân sách như hiện nay.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, khi không là một cấp Ngân sách thì không còn nguồn kết dư, chi khác, dự phòng và tăng thu ngân sách- rất khó khăn trong hoạt động; Dù không tổ chức HĐND ở quận, ở phường thì UBND Quận, Phường vẫn là chính quyền địa phương (như Hiến pháp quy định); Giúp UBND Quận, Phường chủ động, linh hoạt trong việc thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, thiên tai, dịch bệnh,.... xảy ra.