CLB Liên thế hệ tự giúp nhau giúp nâng cao năng lực cán bộ Hội NCT
Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau 13/05/2024 07:54
Ông Phan Hữu Đức |
PV: Xin ông cho biết kết quả thực hiện Đề án 1336 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận?
Ông Phan Hữu Đức: Ngày 31/8/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1336/QĐ-TTg “Phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình CLB LTHTGN giai đoạn đến năm 2025” trên cả nước. Tại Ninh Thuận, ngày 8/1/2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 72 triển khai Đề án trên địa bàn.
Tiếp đó, ngày 18/7/2021, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1371 “Phê duyệt Đề án giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương về thu nhập và sức khỏe NCT tại Việt Nam” trên địa bàn tỉnh. Dự án được Quỹ Phát triển Xã hội thuộc Chính phủ Nhật Bản tài trợ thông qua Ngân hàng Thế giới (WB); Tổ chức Hỗ trợ NCT Quốc tế (HAI) tại Việt Nam phối hợp Hội NCT tỉnh thực hiện, cùng sự hỗ trợ kĩ thuật từ Hội NCT Việt Nam.
Ngay khi bắt đầu, Hội NCT tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản pháp lí tiếp nhận, chỉ đạo các Sở, ban ngành và các cấp chính quyền địa phương triển khai Dự án. Đồng thời chủ trì và phối hợp các ban, ngành, địa phương, làm việc với các cấp ủy và chính quyền cấp huyện và xã có liên quan để chọn địa bàn, chuẩn bị nhân sự CLB. Hội NCT tỉnh đã xác lập mối quan hệ thường xuyên và chặt chẽ với các ban, ngành liên quan như: Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc và UBND các huyện, thành phố có Dự án để phối hợp chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho Hội NCT cơ sở và Ban Chủ nhiệm CLB thực hiện tốt Dự án. Nhờ đó, nhận được sự đồng thuận và ủng hộ của các cấp chính quyền và các Sở, ban ngành. Riêng ngành Y tế đã có chương trình phối hợp thông qua Công văn số 312 ngày 23/1/2021, tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động chăm sóc sức khỏe của CLB.
Hội NCT tỉnh đã tổ chức 3 buổi tham quan mô hình tại CLB. Các buổi tham quan chia sẻ đã có sự tham dự của lãnh đạo các ban ngành tỉnh, cấp huyện và cơ sở nơi có CLB. Qua các buổi tham quan, các đại biểu đánh giá cao ý nghĩa mô hình CLB LTHTGN.
Kết quả, trong 4 năm thực hiện, toàn tỉnh đã thành lập 36 CLB LTHTGN tại 6 huyện, thành phố, thu hút gần 2.000 thành viên tham gia, vượt chỉ tiêu UBND tỉnh giao. Các CLB đều thực hiện đủ 8 mảng hoạt động và duy trì sinh hoạt ổn định, đều đặn hằng tháng với hơn 85% thành viên tham dự. Việc vận hành và đi vào hoạt động hiệu quả của 36 CLB bước đầu đã làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của cộng đồng, có tác động mạnh mẽ và tích cực trong việc triển khai Dự án nhân rộng mô hình CLB LTHTGN của tỉnh.
Hội NCT tỉnh Ninh Thuận họp triển khai mô hình CLB LTHTGN năm 2024 |
PV: Theo ông, vai trò của Hội NCT các cấp trong nhân rộng mô hình CLB LTHTGN trên địa bàn được thể hiện như thế nào?
Ông Phan Hữu Đức: Xác định việc nâng cao năng lực và vai trò của Hội NCT các cấp góp phần tích cực bảo đảm tính bền vững của mô hình nên trong suốt quá trình triển khai, Hội NCT tỉnh đã huy động toàn bộ cán bộ, nhân viên cơ quan và cán bộ Hội các cấp hỗ trợ CLB. Bên cạnh việc tham dự các lớp tập huấn, cán bộ Hội cũng trực tiếp tham gia giám sát, hỗ trợ kĩ thuật và chứng kiến sự phát triển của CLB. Thông qua đó, cán bộ Hội được tiếp xúc và nắm bắt cách quản lí từ xa, sử dụng các nền tảng trực tuyến để kết nối và làm việc (như zalo, facebook, website...). Đồng thời, được nâng cao kiến thức, tiếp cận các tài liệu của Dự án (sức khỏe, tăng thu nhập, luật pháp, quản lí và nhân rộng mô hình…). Qua đó, giúp cán bộ Hội NCT có thể tự quản lí được hoạt động của CLB.
Hội NCT các xã, phường, thị trấn có CLB cũng đã thể hiện vai trò và trách nhiệm trực tiếp quản lí, theo dõi, giám sát tổ chức và hoạt động của CLB theo quy chế “CLB LTHTGN thôn, khu phố là tổ chức trực thuộc Hội NCT cấp xã, chịu sự hướng dẫn và giám sát của Hội NCT cấp xã”. Chủ tịch Hội NCT xã, phường, thị trấn có CLB trong Dự án đều trực tiếp tham gia thành viên chính thức hoặc thành viên danh dự của CLB để có điều kiện gắn bó với CLB. Qua đó, mô hình CLB LTHTGN cũng luôn nhận được những phản hồi tốt đẹp từ các thành viên cũng như NCT tại cộng đồng.
Tiết mục văn nghệ của CLB LTHTGN tỉnh Ninh Thuận |
PV: Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm nhân rộng mô hình CLB LTHTGN trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận?
Ông Phan Hữu Đức: Từ thực tiễn triển khai Đề án, chúng tôi rút ra một số bài học kinh nghiệm bước đầu như sau: Trước hết, phải làm tốt công tác truyền thông về mô hình để nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng và lợi ích mà mô hình CLB mang lại cho NCT cũng như ở cộng đồng dân cư, nhất là trong giai đoạn già hóa dân số đang tăng nhanh hiện nay. Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền (nhất là ở cơ sở), tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện để CLB được thành lập và hoạt động hiệu quả. Đồng thời, phải làm tốt công tác phối hợp giữa Hội NCT và các ban, ngành đoàn thể trong việc hỗ trợ hoạt động; lồng ghép các hoạt động ở địa phương, cơ sở với hoạt động của CLB. Hội NCT các cấp phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, là cầu nối giữa CLB với cấp ủy, chính quyền và các ban ngành đoàn thể trong hoạt động CLB, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cấp Hội. Phải biểu dương khen thưởng kịp thời các cách làm hay, mô hình tốt; tổ chức trao đổi, giao lưu học tập lẫn nhau. Đặc biệt, lựa chọn thành viên Ban Chủ nhiệm có sức khỏe, có điều kiện, nhất là sự tâm huyết nhiệt tình, hi sinh vì cộng đồng và quan tâm xây dựng quỹ để CLB có nguồn tài chính hoạt động bền vững.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!