Người cao tuổi làm nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương

Tuổi cao gương sáng 04/04/2025 08:59
Ngày 9/7/1968, 150 cán bộ, chiến sĩ lực lượng thanh niên xung phong nêu trên được tuyển thẳng vào quân đội, vinh dự hơn chục người được kết nạp Đảng, trong đó có bà Lê Thị Phương, và sau đó bà Phương được cử đi học lớp y tá. Tốt nghiệp bà được biên chế vào đơn vị giao liên T26B, làm nhiệm vụ chăm sóc bộ đội hành quân.
![]() |
Cựu binh Lê Thị Phương. |
Trao đổi với chúng tôi về quãng đời quân ngũ, bà Phương nhớ lại: “Mùa khô năm 1968, tuyến đường Bang - Ho miền Tây Lệ Thủy đi Cù Bai thượng nguồn Bến Hải, huyện Vĩnh Linh. Lúc 10 giờ trưa bộ đội ta trên đường hành quân bất ngờ gặp máy bay B52 trút bom xuống đường, trong lúc bộ đội chưa kịp trú ẩn gây thiệt hại đau lòng, nhiều đồng chí thi thể không còn nguyên vẹn, có đồng chí lúc hi sinh khẩu súng AK còn vác sau lưng.
Để nắm chắc quân số người hi sinh, người bị thương, người bị đất đá, bom vùi, người thất lạc. Cán bộ đơn vị lập danh sách báo cáo cấp trên, trước mắt y tá băng bó người bị thương đưa đi viện hết số người bị thương đến công tác tử sĩ, tập kết số người hi sinh để khâm lượm, mai táng, thời đó thi hài người hi sinh được đựng trong túi ni lông (túi tử sĩ). Lúc đó tôi có sáng kiến để tên liệt sĩ trùng với hài cốt bằng cách lấy lọ thuốc kháng sinh, ghi tên liệt sĩ quê quán, đơn vị, ngày hi sinh vào mảnh giấy xếp nhỏ bỏ vào lọ, đậy nắp cho vào túi tử sĩ trước lúc mai táng. Sáng kiến đó được cán bộ đơn vị đồng ý và thực hiện, đơn vị chọn địa điểm nghĩa địa nằm gần đường giao liên để sau này hòa bình dễ phát hiện. Quả thực sau ngày hòa bình, đội quy tập hài cốt liệt sĩ đưa vào nghĩa trang, họ tấm tắc khen bộ đội trước đây có sáng kiến đề tên liệt sĩ trùng với hài cốt ghi vào bia mộ.
Sau Hiệp định Paris (1973), tôi chuyển công tác vào chiến trường Tây Nguyên, phục vụ ngành y cho đến 30/4/1975, nước nhà được độc lập. Năm 1976, tôi chuyển ngành về làm y tá ở Nông trường Lệ Ninh, huyện Lệ Ninh cho đến lúc nghỉ hưu. Hành trang mang về quê hương: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba, Kỉ niệm chương đường Trường Sơn Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao quý khác”.
Tại quê nhà, bà Phương tích cực tham gia các công tác xã hội, như chăm sóc các nghĩa trang liệt sĩ, kết nghĩa với trường học tuyên truyền về lịch sử của dân tộc mình; tham gia quản lí “đoạn đường tự quản” không rác, không tai nạn, không ùn tắc giao thông. Bà Phương mong muốn, “trời còn thương cho tôi sức khỏe để chữa bệnh cứu người”, đồng thời bà có ý định xin hiến tặng những bộ phận trong cơ thể cho bệnh viện để cứu người. Tấm gương của người đảng viên, cựu chiến binh, người cao tuổi ấy thật đáng trân trọng.