|
Ảnh minh họa. (Nguồn: orangewebsite.com) |
L’Obs dẫn lời một kỹ sư của Google thừa nhận: "Nếu bạn biết những gì chúng tôi biết về người ta thì bạn sẽ kinh hoàng."
Phóng viên của L’Obs đã thử tìm hiểu dấu vết mà một số người đã để lại trên Facebook.
Chẳng hạn khi xem xét tài khoản của chính lãnh đạo Facebook ở Pháp, nhà báo Laurent Solly, người ta đã khám phá ra tuổi tác, nơi ở, quê quán của ông, biết được bậc phổ thông nhân vật này học ở đâu, tốt nghiệp các trường lớn nào, biết được số bạn bè, người thân hay quan hệ nghề nghiệp, ngành nghề của tất cả những người này...
Quan điểm chính trị, sở thích phim ảnh sách báo của ông Solly cũng được phơi bày qua những lần ông bấm nút “like.”
Thậm chí thông tin về gia đình, nhất là vợ con ông Solly, cũng khó có thể che giấu được.
Một phóng viên của L’Obs, Boris Nanenti, đã bày tỏ tâm trạng “kinh hoàng” khi khám phá chi tiết về đời sống riêng tư của mình mà Facebook và Google, Amazon, Twitter... đã thu thập.
Boris biết là mình bị “nhận dạng,” nhưng không ngờ là đến mức chi tiết như vậy. Cụ thể, phóng viên này đã thu về 62 gigabyte thông tin về bản thân, nếu in ra sẽ là khoảng 37.000 trang A4.
Trong thông tin về chính mình thu thập từ Facebook, Boris tìm thấy từ ngày tháng năm sinh, các địa chỉ hòm thư điện tử đã dùng, các công việc đã làm qua, thậm chí cả số điện thoại di động và các cô bạn gái cũ.
Nanenti không ngờ Facebook đã ghi lại hết, kể cả trên 1.000 thư điện tử từ năm 2008 mà ông đã xóa.
Google cũng không thua kém, dấu vết Nanenti để lại khi tìm kiếm trên các trang Maps, Drive, hay YouTube đều bị lưu lại, dù ông sử dụng máy tính bàn ở phòng làm việc hay máy tính Mac cá nhân, điện thoại iPhone... và các dữ liệu được lưu trữ từ năm 2007.
L’Obs cũng lưu ý đến việc các cửa hàng và siêu thị đang “bủa vây” và theo dõi khách hàng, phân tích thói quen mua sắm của họ qua các loại thẻ “ưu tiên,” khách hàng “trung thành” hay những ứng dụng mua sắm.
Trang mạng gulfnews.com mới đây cũng có bài viết cảnh báo về thực tế “các tập đoàn kỹ thuật số khổng lồ lợi dụng dữ liệu khách hàng để trục lợi,” trong đó tác giả cho rằng nhiều người dùng mạng xã hội dường như quan tâm tới các “khuyến mãi và giảm giá” hơn là "tính riêng tư."
Tuy nhiên, bài học từ Cambridge Analytica vừa qua là quá lớn. Giám đốc phụ trách khối khách hàng và kỹ thuật số tại công ty nghiên cứu Kantar TNS, ông Satish Dave, cho rằng: “Các nhãn hàng, các nhà quảng cáo, các hãng truyền thông và nhà xuất bản - toàn bộ hệ sinh thái kỹ thuật số này - cần phải thận trọng hơn với việc dùng truyền thông xã hội để nhắm vào khách hàng.
Một nghiên cứu toàn cầu mới đây cho thấy có tới 40% số người được hỏi lo ngại về thông tin cá nhân của họ mà các doanh nghiệp có thể nắm được”./.
VIETNAM+