Cần có giải pháp để thích ứng Già hóa dân số
Hoạt động hội địa phương 10/05/2023 18:43
Ông Huỳnh Thành Lập, Phó Chủ tịch Hội NCT Việt Nam, Trưởng BĐD Hội NCT TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại tập huấn già hóa dân số ngày 9/5 |
Già hóa dân số là một xu hướng nhân khẩu học nổi bật toàn cầu, trong các thập kỷ gần đây, quá trình này được thức đẩy bởi giảm sinh và cải thiện khả năng sống trong quá độ nhân khẩu học. Năm 2019, thế giới có 703 triệu người từ 65 tuổi trở lên chiếm 9% tổng dân số, con số này sẽ tăng lên 1,5 tỷ người chiếm 16% vào năm 2050 (UN 2019).
Tình trạng già hóa dân số ở Việt Nam và TP Hồ Chí Minh hiện nay
Tại Việt Nam, theo kết quả điều tra biến động Dân số - Kế hoạch hóa gia đình năm 2011, tỷ lệ NCT trên 60 tuổi của Việt Nam là 8,65 triệu người, chiếm gần 10% dân số, tỷ lệ NCT trên 65 tuổi chiếm 7% Dân số. Với số liệu này, năm 2011 Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn “Già hóa Dân số”. Số liệu mới nhất từ kết quả Tổng Điều tra Dân số năm 2019 cho thấy, tỷ lệ NCT trên 60 tuổi tiếp tục tăng, chiếm 11,9% dân số.
Việt Nam đang nằm trong tốp 5 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới cho thấy, thời gian quá độ chuyển từ “già hóa dân số” sang “dân số già” ở Việt Nam trong khoản từ 15 năm đến 20 năm, ngắn hơn nhiều nước trên thế giới, kể cả những quốc gia có trình độ phát triển hơn. Theo ước tính NCT ở nước ta hiện có khoảng 12 triệu người, dự báo đến năm 2050, số NCT này sẽ tăng lên 32 triệu người, đưa nước ta trở thành quốc gia “siêu già” trên thế giới.
Thạc sĩ Phạm Chánh Trung, chi cục Trưởng Chi cục dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP Hồ Chí Minh |
Tại TP. Hồ Chí Minh, cũng từ kết quả Tổng điều tra dân số năm 2019 cho thấy, số NCT trên 60 tuổi của Thành phố là 841.007 người, chiếm tỷ lệ 9,35% trên tổng dân số. Hiện nay, số NCT của Thành phố cao xếp thứ hai trong cả nước và Thành phố vẫn đang phải đối diện với thách thức về già hóa dân số. Già hóa dân số tại Thành phố chịu sự tác động sâu sắc của mức sinh thấp, mức chết thấp và tuổi thọ trung bình tăng cao.
Tuổi thọ bình quân của người dân Thành phố là 76,6 tuổi, so với cả nước là 73,6 tuổi, trong khi đó, số con trung bình của mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 1,39 con. Chỉ số già hóa (tỷ số dân số từ 60 tuổi trở lên so với dân số dưới 15 tuổi) của Thành phố là 49,4% cao hơn so với số liệu của cả nước là 48,8%, những số liệu vừa nêu cho thấy Thành phố cũng đang trong quá trình bước vào giai đoạn Già hóa dân số.
Cơ hội và thách thức của quá trình Già hóa dân số
Thạc sĩ Phạm Chánh Trung cho biết, già hóa là một thành tựu của quá trình phát triển, nâng cao tuổi thọ là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của loài người. Con người sống lâu hơn nhờ các điều kiện tốt hơn về chế độ dinh dưỡng, vệ sinh, tiến bộ y học, chăm sóc y tế, giáo dục và đời sống kinh tế. Quá trình biến đổi nhân khẩu học này cũng không ngừng đem lại những cơ hội, “Dân số già hóa” với kinh nghiệm, sức khỏe, an sinh và năng động cả về kinh tế - xã hội có thể tiếp tục có những đóng góp không ngừng cho xã hội.
Tuy nhiên, các vấn đề gặp phải khi dân số bước vào giai đoạn già hóa cũng là một thách thức về mặt xã hội, kinh tế và văn hóa cho các cá nhân, gia đình, xã hội và cộng đồng, cụ thể:
Già hoá dân số sẽ khiến cấu trúc gia đình thay đổi. Con người sống lâu hơn, sinh ít con hơn và cũng ít quyền được lựa chọn chăm sóc hơn. Hiện tại, dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, tinh thần cho người cao tuổi ở nước ta chưa phát triển, đa số NCT vẫn sống nương tựa vào con cháu.
Già hoá dân số khiến thời gian sống sau nghỉ hưu tăng lên, làm gia tăng áp lực lên hệ thống y tế và hệ thống trợ cấp lương hưu. Đồng nghĩa với việc hệ thống bảo trợ xã hội cần được cải thiện. Tuy nhiên việc này không dễ thực hiện bởi ngân quỹ quốc gia còn hạn chế, hệ thống khám chữa bệnh chuyên khoa cho người già chưa phát triển, những chính sách an sinh xã hội cũng mới chỉ trợ giúp, đáp ứng được một phần nhu cầu cơ bản của một bộ phận người cao tuổi như: người già neo đơn, không nơi nương tựa, người trên 85 tuổi, v.v.
Già hoá dân số sẽ khiến những thách thức kinh tế mới nổi lên, cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động giảm đi, cơ cấu nghề nghiệp sẽ thay đổi, gánh nặng kinh tế cho người lao động trẻ cũng cao hơn, .v.v. Tất cả những hệ luỵ đó nếu không được giải quyết thoả đáng sẽ là thách thức to lớn cho sự phát triển toàn diện của đất nước trong tương lai không xa.
Bên cạnh đó, việc tiếp cận đầy đủ các dịch vụ tư vấn và chăm sóc sức khỏe của NCT còn bị giới hạn, hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa bắt kịp với tốc độ già hóa dân số ngày càng tăng. Nhìn chung các hoạt động chăm sóc sức khỏe NCT còn phân tán, riêng lẻ, chưa mang tính hệ thống và thiếu sự lồng ghép với các chương trình khác liên quan đến NCT. Về tổng thể, hạn chế trong chăm sóc sức khỏe NCT thể hiện trên một số khía cạnh: Thiếu các dịch vụ chăm sóc tại nhà cho NCT; nguồn nhân lực cho chăm sóc sức khỏe NCT còn chưa được quan tâm phát triển; chất lượng chăm sóc NCT còn chưa cao; thiếu nguồn kinh phí tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe NCT, già yếu neo đơn tại cộng đồng; .v.v, Chi cục Trưởng Chi cục dân số TP Hồ Chí Minh cho biết thêm.
Các giải pháp thích ứng với vấn đề Già hóa dân số
Cho đến nay, chương trình Chăm sóc sức khỏe NCT đến năm 2030 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã triển khai thực tại 140 phường, xã và thị trấn thuộc 22 quận, huyện và TP. Thủ Đức.
Các đơn vị y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn Thành phố đã thực hiện nghiêm túc công tác chăm sóc sức khỏe NCT theo điều 12, điều 13 Luật người cao tuổi và Thông tư số 35/TT-BYT ngày 15/10/2011 của Bộ Y tế về hướng dẫn chăm sóc sức khỏe NCT.
Theo số liệu tính đến hết năm 2022, tại Thành phố có 8/32 bệnh viện cấp thành phố thành lập khoa Lão khoa gồm: Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nguyễn Trãi, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn, Bệnh viện Phong Bến Sắn và Bệnh viện Răng Hàm Mặt. 2/32 bệnh viện cấp thành phố tổ chức khoa Lão khoa kết hợp 1 khoa khác: Bệnh viện An Bình và Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức. 3/23 bệnh viện cấp quận - huyện tổ chức khoa Lão khoa kết hợp 1 khoa khác: Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện quận 8 và Bệnh viện TP Thủ Đức.
Bên cạnh đó, ngành dân số đã triển khai các hoạt động Đề án chăm sóc sức khỏe NCT tại 140 phường, xã, thị trấn trên địa bàn Thành phố, hiện đang duy trì hoạt động 140 Câu lạc bộ “NCT giúp người cao tuổi”, với hơn 3.701 hội viên; 140 Tổ tình nguyện viên với trên 1.957 người tham gia; các quận, huyện, phường, xã tổ chức các hoạt động lồng ghép phối hợp, như tổ chức các hoạt động về văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, các bữa ăn dinh dưỡng cho người già, khám chăm sóc sức khỏe miễn phí định kỳ (khám mắt, khám răng, khám sức khỏe tổng quát), thăm và tặng quà cho NCT có hoàn cảnh khó khăn, kịp thời thực hiện các chính sách bảo trợ đối NCT theo đúng quy định.
“Để ứng phó với quá trình Già hóa dân số tại TP. Hồ Chí Minh, ngành Y tế cần tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp: Tăng cường truyền thông giáo dục thay đổi hành vi nâng cao nhận thức, tạo môi trường xã hội đồng thuận tham gia chăm sóc sức khỏe NCT; xây dựng, phát triển phong trào chăm sóc sức khỏe NCT; củng cố, hoàn thiện hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chữa bệnh cho người cao tuổi; xây dựng và phổ biến mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho NCT; tham gia góp ý, hoàn thiện chính sách pháp luật về chăm sóc sức khỏe NCT; khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi”, Thạc sĩ Phạm Chánh Trung bày tỏ.