Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trả lời chất vấn các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực xây dựng
Sự kiện 04/11/2022 08:33
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã báo cáo một số nội dung về các nhóm vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn thuộc lĩnh vực xây dựng tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, gồm: Nhóm vấn đề thứ nhất: Thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý đô thị của Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn; việc di dời trụ sở Bộ, ngành khỏi nội đô thành phố Hà Nội.
Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý đô thị của Việt Nam: Đến hết tháng 9/2022, hệ thống đô thị nước ta có 883 đô thị, trong đó có 2 đô thị đặc biệt, 22 đô thị loại I; 33 đô thị loại II, 47 đô thị loại III, 93 đô thị loại IV phân bố tương đối đồng đều trong cả nước. Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 41% (tăng hơn 5,3% so với năm 2015); tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực đô thị được giảm mạnh từ 6,9% (2010) xuống 1,1% (2021 - theo chuẩn nghèo đa chiều).
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trả lời chất vấn 4 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực xây dựng |
Tăng trưởng kinh tế đô thị: đạt 12 -15% trung bình năm; kinh tế đô thị chuyển dịch theo hướng dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, đóng góp khoảng 70% GDP của cả nước. Cơ sở hạ tầng đô thị: bước đầu đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân, chất lượng hạ tầng đô thị được cải thiện. Tỷ lệ dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung khoảng 92%; tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch giảm còn 17,2%; tổng lượng nước thải được thu gom khoảng 15%.
Kiến trúc cảnh quan, diện mạo đô thị: đã có nhiều thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại hơn. Công tác nâng cấp, phân loại đô thị: có nhiều đổi mới theo hướng tập trung nâng cao chất lượng và tính đồng bộ của các đô thị...
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn một số quy hoạch đô thị thiếu tầm nhìn, một số nội dung thiếu khả thi, chưa tính toán đầy đủ và thiếu các nguồn lực thực hiện; chưa đồng bộ, gắn kết giữa các cấp độ quy hoạch đô thị và giữa quy hoạch đô thị với các quy hoạch khác (quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hạ tầng…); chưa gắn kết giữa việc thực hiện quy hoạch, thực hiện dự án đầu tư với kế hoạch vốn đầu tư trung hạn và hàng năm.
Việc điều chỉnh quy hoạch đô thị (bao gồm cả điều chỉnh tổng thể và điều chỉnh cục bộ), nhất là điều chỉnh quy hoạch chi tiết tại một số địa phương còn có biểu hiện tùy tiện, không tuân thủ quy định pháp luật và yêu cầu của quy chuẩn về quy hoạch xây dựng.
Tỷ lệ đô thị hoá đạt được thấp hơn mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 và còn khoảng cách khá xa so với tỷ lệ bình quân của khu vực và thế giới.
Chất lượng đô thị hoá chưa cao, nhiều nơi còn tình trạng phát triển đô thị theo chiều rộng, mức độ tập trung kinh tế còn thấp.
Kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị; chưa thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó với dịch bệnh quy mô lớn, còn xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, ngập lụt tại các thành phố lớn…
Việc di dời trụ sở Bộ, ngành khỏi nội đô TP Hà Nội: Thực hiện nhiệm vụ quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể tại Hà Nội đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 837/QĐ-TTg ngày 04/6/2014; phê duyệt Điều chỉnh tại Quyết định số 86/QĐ-TTg ngày 19/01/2017, Bộ Xây dựng đã thực hiện rà soát 36 cơ quan Trung ương thuộc đối tượng quy hoạch (18 Bộ, 4 cơ quan ngang Bộ, 8 cơ quan thuộc Chính phủ, 6 cơ quan đoàn thể Trung ương) để xây dựng các phương án quy hoạch cụ thể.
Nhóm vấn đề thứ 2: Quản lý thị trường bất động sản; việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch, huy động vốn, kinh doanh bất động sản.
Quản lý thị trường bất động sản: Thị trường bất động sản là một trong những thị trường quan trọng của nền kinh tế quốc dân, có vai trò quan trọng trong việc thu hút các nguồn lực, tạo ra các tài sản cố định cho nền kinh tế, thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển (thị trường về vốn, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, nội thất, lao động,…), đáp ứng nhu cầu về chỗ ở của người dân, phát triển đô thị, du lịch.
Thị trường bất động sản nước ta trong thời gian qua đã có sự phát triển mạnh cả về quy mô và trình độ, năng lực của các chủ thể tham gia thị trường;... đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội của đất nước, cụ thể là: Đóng góp trung bình của ngành Xây dựng và bất động sản trong GDP các năm gần đây chiếm khoảng 11% tổng thu ngân sách (trong đó ngành BĐS trực tiếp chiếm khoảng 4,5%, đóng góp trung bình khoảng 0,5 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP). Thu hút nguồn vốn FDI lĩnh vực bất động sản năm 2021 khoảng 2,6 tỷ USD (chiếm 8,6% tổng vốn FDI, đứng thứ 3 trong các lĩnh vực FDI). Đến tháng 9/2022, giá trị vốn hóa ngành BĐS ước tính khoảng 1,7 – 1,8 triệu tỷ đồng.
Dư nợ tín dụng BĐS tính đến 31/8/2022 đạt 777.235 tỷ (tính đến 30/6/2022 là 784.575 tỷ).
Hiện có hơn 1.100 sàn giao dịch bất động sản, hơn 44 cơ sở đào tạo về bất động sản (khoảng 32.900 đã cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản).
Tuy nhiên, thị trường bất động sản là thị trường phức tạp, liên thông, gắn trực tiếp với thị trường tài chính, tiền tệ và các thị trường khác. Theo kinh nghiệm quốc tế, các cuộc khủng hoảng kinh tế thường bắt nguồn từ khủng hoảng thị trường tài chính, tiền tệ và thị trường bất động sản…
Thị trường bất động sản trong 9 tháng đầu năm 2022 tiếp tục gặp khó khăn trong việc huy động các nguồn vốn và khan hiếm về nguồn cung. Nguồn cung về nhà ở từ các dự án mới được bổ sung không nhiều, nguồn cung nhà ở mới trong 9 tháng chủ yếu vẫn đến từ những dự án đã được triển khai và đang được mở bán. Lũy kế tổng lượng giao dịch (căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền) 9 tháng đầu năm 2022 tăng so cao với cùng kỳ năm 2021, nhưng đã có xu hướng chững lại và giảm mạnh vào quý III/2022. Giá bất động sản vẫn ở mức cao so với khả năng chi trả của đại đa số người dân.
Việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch, huy động vốn, kinh doanh bất động sản: Từ năm 2019 đến nay, Thanh tra Bộ Xây dựng và Thanh tra Sở Xây dựng các địa phương đã triển khai thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước, trong đó có hoạt động kinh doanh bất động sản.
Cụ thể: Thanh tra Bộ Xây dựng đã triển khai 15 đoàn thanh tra về hoạt động kinh doanh bất động sản. Các kết luận thanh tra đã chỉ ra các vi phạm, đã kiến nghị xử lý về hành chính đối với 28 tổ chức và ban hành 28 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt là 5,4 tỷ đồng.
Trước yêu cầu phát triển và tháo gỡ, tạo nguồn cung nhà ở xã hội cho thị trường bất động sản, trong năm 2021, 2022, Thanh tra Bộ đã và đang thanh tra chuyên đề diện rộng về dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn 11 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Long An.
Hàng năm, với định hướng của Thanh tra Bộ Xây dựng, Thanh tra Sở Xây dựng các địa phương đã triển khai thanh tra liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản. Theo báo cáo của Thanh tra Sở Xây dựng tại 03 Thành phố lớn (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng), giai đoạn 2020 đến tháng 9/2022, đã triển khai 441 lượt kiểm tra về hoạt động kinh doanh bất động sản, ban hành 77 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền xử phạt là 29,2 tỷ đồng...
Nhóm vấn đề thứ 3: Việc xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu kinh tế, khu công nghiệp và các thành phố lớn.
Tính đến nay, trên địa bàn cả nước, đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 155.800 căn, với tổng diện tích hơn 7.790.000 m2. Đang tiếp tục triển khai 401 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 454.360 căn, với tổng diện tích khoảng 22.718.000 m2; trong đó có 245 dự án với quy mô 300.000 căn hộ đang thực hiện thủ tục đầu tư và có 156 dự án với quy mô 156.700 căn hộ đang đầu tư xây dựng.
Đối với dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị: Đến nay, đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 175 dự án, quy mô xây dựng khoảng 93.090 căn hộ, với tổng diện tích khoảng 4.654.480 m2. Đang tiếp tục triển khai 274 dự án, quy mô xây dựng khoảng 293.460 căn hộ, với tổng diện tích khoảng 14.673.000 m2.
Đối với nhà ở công nhân khu công nghiệp: Đến nay, đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 126 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 62.700 căn hộ, với tổng diện tích 3.13 triệu m2. Đang tiếp tục triển khai (bao gồm các dự án đã được chấp thuận đầu tư và đang triển khai đầu tư xây dựng) 127 dự án với quy mô xây dựng khoảng 160.900 căn hộ, tổng diện tích 8.045.000 m2
Triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về chương trình phục hồi nền kinh tế, trong 9 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 13 dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 6.000 căn, với tổng diện tích khoảng 300.000 m2 sàn xây dựng. Đã khởi công 17 dự án với tổng số khoảng 31.230 căn, trong đó, nhà ở xã hội 14 dự án quy mô 27.870 căn, nhà ở công nhân 03 dự án quy mô 3.360 căn…
Việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng, giúp cho hàng trăm ngàn hộ gia đình có điều kiện nâng cao chất lượng nhà ở. Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu đặt ra, đến nay mới đạt 7,79 triệu m2/12,5 triệu m2 theo yêu cầu, trong đó nhà ở công nhân là 3,13 triệu m2 với 62.700 căn hộ; nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đô thị là 4,65 triệu m2 với 93.090 căn hộ.
Nhóm vấn đề thứ tư: Trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng trong xây dựng, ban hành, thực hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, đơn giá, định mức trong xây dựng cơ bản. Việc kiểm soát giá và đảm bảo nguồn nguyên, vật liệu để xây dựng các công trình, dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia.
Trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng trong xây dựng, ban hành, thực hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, đơn giá, định mức trong xây dựng cơ bản: Bộ Xây dựng đã ban hành đầy đủ quy định, hướng dẫn, phương pháp xác định định mức, giá xây dựng, chỉ số giá xây dựng.
Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kỹ thuật đã được tích hợp, bảo đảm gọn, rõ và thống nhất. Cách thức xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kỹ thuật, giá xây dựng đã được đổi mới, tiếp cận các chuẩn mực quốc tế.
Đã kịp thời rà soát, bổ sung, giải quyết ngay những bất cập của hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kỹ thuật hiện nay.
Tuy nhiên, còn thiếu nhiều Tiêu chuẩn kỹ thuật cho các công nghệ mới, dẫn đến phải sử dụng các Tiêu chuẩn nước ngoài. Còn thiếu nhiều định mức ban hành cho một số công tác xây dựng sử dụng công nghệ mới, vật liệu mới và một số công tác có tính chất chuyên ngành và đặc thù.
Một số định mức đã ban hành có hao phí chưa sát với thực tế thi công xây dựng công trình.
Hệ thống suất vốn đầu tư, giá tổng hợp bộ phận kết cấu công trình mặc dù đã tăng trong các năm qua nhưng vẫn còn thiếu, nhất là đối với giá tổng hợp bộ phận kết cấu công trình.
Việc kiểm soát giá và đảm bảo nguồn nguyên, vật liệu để xây dựng các công trình, dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia: Bộ Xây dựng đã giải quyết kịp thời kiến nghị của Bộ, ngành và các địa phương liên quan, hoàn thiện trình Chính phủ cơ chế đặc thù cấp phép các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng phục vụ công trình trọng điểm quốc gia; kịp thời, trách nhiệm trong việc tham gia ý kiến đối với việc điều chỉnh, bổ sung các mỏ khoáng sản để địa phương có cơ sở cấp phép sớm các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng phục vụ công trình trọng điểm quốc gia.
Xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, các chủng loại vật liệu xây dựng, vật liệu thay thế góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng để phục vụ các công trình trọng điểm quốc gia.
Đề xuất các giải pháp, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra các địa phương công bố giá vật liệu, chỉ số giá xây dựng để điều chỉnh, bổ sung kịp thời phục vụ quản lý chi phí đầu tư xây dựng theo đúng quy định.
Đôn đốc các địa phương thường xuyên tổ chức kiểm tra, quản lý việc khai thác, kinh doanh đảm bảo đáp ứng nguồn cung và đúng giá niêm yết, công bố trên thị trường, bình ổn thị trường vật liệu xây dựng, chống đầu cơ, tăng giá bất hợp lý ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình trọng điểm.