Bảo đảm quyền lợi của người dân và phát triển bền vững đất nước
TW hội 16/10/2024 16:08
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Phan Văn Hùng nhấn mạnh: Dân số là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta ban hành nhiều chủ trương, chính sách lớn về công tác dân số, nhờ đó công tác dân số đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Quang cảnh Hội thảo |
Việt Nam, với lực lượng dân số đông và trẻ, đang trong giai đoạn dân số vàng, mang lại nhiều cơ hội như thu hút các nhà đầu tư, góp phần quan trọng tăng trưởng kinh tế và an ninh quốc gia. Song, tốc độ già hóa dân số rất nhanh cũng tạo ra nhiều khó khăn thách thức to lớn liên quan đến quản lí và phát triển nguồn nhân lực, phát triển đất nước. Vấn đề chất lượng dân số, phân bố dân số, di cư, cuộc sống của người dân, v.v đang đặt ra yêu cầu cần có chính sách, giải pháp đồng bộ hơn, mạnh mẽ hơn, thích ứng với già hóa dân số.
Việc xây dựng một bộ luật về dân số là cần thiết để có một khung pháp lí vững chắc, hỗ trợ cho việc quản lí dân số hiệu quả và bền vững. Đây là vấn đề khó và phức tạp, nhưng cũng là cơ hội quý báu để các nhà hoạch định chính sách lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các tổ chức xã hội và cộng đồng, nhằm hoàn thiện hơn nữa nội dung đề cương của Dự thảo Luật.
Các đại biểu tham dự Hội thảo |
Hội thảo góp ý Luật Dân số do Trung ương Hội tổ chức nhằm tìm ra những giải pháp tối ưu, những chính sách phù hợp để kiến nghị đưa vào Luật Dân số, đảm bảo quản lí dân số một cách hiệu quả, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người dân, đảm bảo sự phát triển bền vững đất nước.
Trình bày đề dẫn tại Hội thảo, Đại diện Cục Dân số (Bộ Y tế) nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Luật Dân số xuất phát từ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân số đối với sự phát triển nhanh, bền vững của mỗi quốc gia. Trong Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc về sự phát triển bền vững, có nhiều mục tiêu về dân số gắn bó mật thiết với phát triển bền vững. Đảng Nhà nước ta sớm nhận thức được vị trí, vai trò của công tác dân số đối với phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ, phát triển giống nòi quốc gia, dân tộc. Nhờ sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc tích cực của các cấp các ngành và cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức quốc tế, những năm qua, công tác dân số nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Năm 2006, nước ta đã đạt mức sinh thay thế và giữ được mức sinh xung quanh mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước; duy trì mức độ gia tăng dân số phù hợp hằng năm, quy mô dân số đạt hơn 100 triệu người.
TS Phan Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hội NCT Việt Nam khai mạc Hội thảo |
Việt Nam đang ở thời kì dân số vàng, phân bố dân số đã hợp lí hơn; chất lượng dân số, chỉ số phát triển con người (HDI) không ngừng tăng lên; tuổi thọ bình quân người Việt Nam ngày càng nâng cao. Kết quả, công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình đã làm tăng GDP bình quân đầu người khoảng 2%/năm, góp phần đáng kể tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, giảm tình trạng đói nghèo, tăng cường bình đẳng giới… Tuy nhiên hiện nay công tác dân số còn nhiều tồn tại, hạn chế, xuất hiện một số vấn đề bất cập tác động trực tiếp đến sự phát triển bền vững đất nước như có xu hướng mức sinh xuống thấp; chênh lệch mức sinh giữa các vùng, các đối tượng; tốc độ gia tăng tỉ số giới tính khi sinh chưa ổn định và cao hơn mức cân bằng tự nhiên. Ngoài ra, Việt Nam chưa có giải pháp đồng bộ để phát huy lợi thế của thời kì cơ cấu dân số vàng và thích ứng già hóa dân số…
Đại diện Cục Dân số (Bộ Y tế) trình bày đề dẫn Hội thảo |
Thảo luận tại Hội nghị, các chuyên gia, các nhà khoa học đều khẳng định vai trò của công tác dân số và việc xây dựng, ban hành Luật Dân số thay thế Pháp lệnh Dân số là rất cần thiết, sẽ tạo cơ sở pháp lí để thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân số trong tình hình mới. Đồng thời giải quyết các vấn đề về dân số, khắc phục những tồn tại, hạn chế, bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, trong khi hoàn thiện Dự thảo Luật, cũng cần chú ý đến mọi đối tượng, nhất là các đối tượng có ảnh hưởng lớn đến công tác dân số như trẻ em, người cao tuổi, đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa. Luật Dân số cũng phải phù hợp, tương thích với luật pháp quốc tế, bảo đảm quyền con người; tránh chồng chéo so với các luật khác. Nên chăng, cần có 1 chương về người cao tuổi trong Dự thảo Luật?
TS Hoàng Hữu Bình, Viện Nghiên cứu NCT Việt Nam thảo luận |
TS Phan Văn Hùng cho rằng, công tác dân số đặc biệt quan trọng vì liên quan đến kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, sự phát triển bền vững đất nước. Việc tham gia xây dựng Dự thảo Luật là vấn đề khó và rất mới, rất cần sự chung tay, vào cuộc trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn xã hội. Hội NCT Việt Nam sẵn sàng đồng hành cùng Cục Dân số, Bộ Y tế hoàn thiện Dự thảo Luật Dân số. Trung ương Hội giao Viện Nghiên Nghiên cứu NCT Việt Nam tổng hợp, ghi chép ý kiến, làm cơ sở xây dựng văn bản báo cáo lãnh đạo Hội NCT Việt Nam, lãnh đạo Bộ Y tế. Đề nghị sau Hội thảo, các nhà khoa học, các chuyên gia tiếp tục nghiên cứu, đề xuất ý kiến để Hội tổng hợp, hoàn thiện văn bản chuyển cơ quan thẩm quyền, góp phần xây dựng Luật Dân số hoàn thiện, phục vụ cho sự phát triển của Việt Nam trong tương lai.