Bàn chân - Nền móng của cơ thể
Sức khỏe 15/11/2018 09:37
Thân hình là mẹ cha cho
Sức khỏe là phải tự lo cho mình
Ăn uống, luyện tập dưỡng sinh...
Thầy thuốc tốt nhất: Chính mình, bạn ơi!
Với tâm nguyện giúp NCT có thêm kiến thức và kĩ năng để tự làm thầy thuốc cho mình, Báo Người cao tuổi mở chuyên mục: Thầy thuốc tốt nhất là chính mình. Mong nhận được những ý kiến phản hồi, đóng góp của quý độc giả gần xa để chuyên đề này ngày càng hữu ích.
Kì 1: Cấu tạo và chức năng của bàn chân
Khi hai chân đứng ở tư thế chịu lực đúng (lực tác động đều lên hai bàn chân) giúp hai đầu gối chịu lực đều nhau, tiếp theo là hai khớp háng và xương chậu sẽ được chịu lực đúng. Như vậy giúp cho cột sống không bị cong vẹo.
Nếu hai bàn chân chịu lực không đều, lâu ngày sẽ khiến cho bàn chân bị bẹt, xương ngón cái bị cong lồi ra, gót chân bị lệch dẫn đến cơ thể chịu lực không cân bằng gây biến dạng các khớp và cong vẹo cột sống.
Các chuyên gia xương khớp cho rằng hình thái của xương khớp được quyết định từ đôi bàn chân. Có đến 87% nguyên nhân xương khớp trong cơ thể bị biến dạng là do đôi chân tạo thành. Nếu như tư thế đi đứng không đúng, hoặc mang kiểu giày không phù hợp, hoặc trọng lượng cơ thể quá nặng, sẽ khiến phần gót chân bị biến dạng, độ cong bàn chân cũng biến dạng (bàn chân bẹt).
Theo Y học Phương Đông, bàn chân là "gốc rễ" của cơ thể. Nếu bàn chân được quan tâm chăm sóc đúng cách, đều đặn cộng với lối sống lành mạnh, sống lâu trăm tuổi hoàn toàn là chuyện trong tầm tay.
Bàn chân có 6 đường kinh trong tổng số 12 đường kinh mạch của cơ thể chạy qua. Sáu đường kinh mạch này được bắt đầu hoặc kết thúc từ đầu các ngón chân. Ngón cái có hai đường kinh chạy qua là Túc thái âm Tì và Túc quyết âm Can. Như vậy ngón chân cái liên quan đến Tì và Can. Ngón thứ hai có đường kinh Túc dương minh Vị chạy qua. Như vậy, ngón chân thứ hai liên quan đến dạ dày. Ngón thứ tư có đường kinh Túc thiếu dương Đởm đi qua. Như vậy ngón thứ tư liên quan đến gan, mật. Ngón út có đường kinh Túc thái dương Bàng Quang. Như vậy ngón út liên quan đến bàng quang. Riêng đường kinh Túc thiếu âm thận bắt đầu từ huyệt Dũng tuyền ở dưới gan bàn chân chạy lệch chéo lên phía sau mắt cá trong rồi đi lên. Như vậy, lòng bàn chân liên quan đến thận.
Bàn chân cũng có rất nhiều các huyệt đạo, trong đó có nhiều huyệt đạo quan trọng với sức khỏe.
Theo y học hiện đại, bàn chân được giới hạn bắt đầu từ dưới hai mắt cá tới đầu các ngón chân, gồm: Cổ chân, mu bàn chân, gót chân, gan bàn chân và ngón chân. Đây là một cấu trúc giải phẫu phức tạp bao gồm 26 xương hình dạng không đều, 30 khớp hoạt dịch, hơn 100 dây chằng và 30 cơ tác động lên các phân đoạn.
Bàn chân được nuôi dưỡng bởi hệ thống mạch máu và mao mạch rất phong phú. Cũng là nơi tập trung rất nhiều đầu mút tận cùng thần kinh nên rất nhạy cảm. Bàn chân cũng có hơn 60 vùng phản xạ liên quan đến tất cả các bộ phận trong cơ thể. Ví như, khu phản ánh của đầu ở trên bàn chân là ở các ngón chân, dạ dày được phản ánh ở bên trong lòng bàn chân, phía sau hành tá tràng, tiếp đó là bàng quang. Gan và tì ở mặt ngoài lòng bàn chân, khu vực phản ánh của cơ quan sinh dục nằm ở phần gót chân. Thận ở khu vực gần giữa lòng bàn chân, tiếp sau là tiểu tràng và đại tràng, phía trước là tuyến thượng thận, tuyến giáp trạng và phổi, phế quản...
Bàn chân góp phần đáng kể vào chức năng của toàn bộ chi dưới. Bàn chân nâng đỡ trọng lượng của cơ thể cả khi đứng, đi lại và chạy nhảy. Bàn chân vốn là một phần tiếp xúc lỏng lẻo với các bề mặt không bằng phẳng khi nó tiếp xúc. Ngoài ra, khi tiếp xúc với mặt nền, nó đóng vai trò giảm sóc với các lực phản ứng nền. Vào cuối “thì tựa”, nó là một đòn bẩy cứng nên “thì đẩy tới” hiệu quả. Cuối cùng, khi bàn chân bị giữ cố định trong “thì tựa”, nó phải hấp thụ lực xoay của chi dưới. Tất cả những chức năng này của bàn chân xảy ra trong một chuỗi động đóng khi nó đang chịu các lực ma sát và phản ứng từ mặt đất hoặc bề mặt khác.
Tim co bóp đưa máu mang chất bổ dưỡng nuôi toàn cơ thể. Còn bàn chân, nơi xa tim nhất chịu sức nặng theo kiểu dồn nén từ trên xuống. Trong lòng tĩnh mạch có van ngăn không cho máu chảy ngược, hệ cơ ở chân góp sức ép đẩy máu chảy về tim. Máu đẩy đến chân thì dễ nhưng máu tĩnh mạch chảy ngược về tim thì lại khó. Khi hai chân được cử động đều đặn hoặc được xoa bóp đúng cách, chúng giống như một cái máy bơm có tác dụng bơm máu về tim. Bởi vậy các chuyên gia thường ví “chân là trái tim thứ hai của cơ thể”.
Mời quý độc giả đón đọc kì tiếp theo: “Bàn chân - nền móng của cơ thể” với nội dung: Tín hiệu cảnh báo, cách thức chăm sóc bàn chân để tăng cường sức khỏe. Chuyên mục này được sự đồng hành của Công ty CP truyền thông chăm sóc sức khỏe Sao Đại Việt. ĐC: Số 18 Nguyễn Đổng Chi - phường Cầu Diễn - quận Nam Từ Liêm - thành phố Hà Nội. Điện thoại: 0243.207.26.26 Fanpage: Sao Đại Việt
Email: saodaiviet.vn@gmail.com
BS Đỗ Nam Khánh