Thành công của ông Sơn xuất phát từ việc thành lập và làm Giám đốc HTX Mây tre đan Vân Sơn, vốn điều lệ 2,2 tỉ đồng; chuyên sản xuất hàng thủ công mĩ nghệ, chế biến nguyên liệu, mua bán các sản phẩm mây tre và lâm sản phụ.
|
Ông Lê Viết Sơn tại Hội nghị biểu dương NCT làm kinh tế giỏi toàn quốc năm 2018 |
|
Ông Lê Viết Sơn với những sản phẩm của mình |
|
Một góc xưởng sản xuất của ông Lê Viết Sơn |
Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, ông Sơn chia sẻ: Khi về nghỉ hưu, vẫn tích cực tham gia sinh hoạt Hội NCT, làm Phó Chủ tịch Hội Nông dân và tham gia các Hội xã hội. Song vẫn đau đáu ý nguyện được đóng góp một phần công sức xây dựng quê hương, hưởng ứng phong trào NCT làm kinh tế giỏi do TW Hội NCT phát động. Ông luôn trăn trở, suy nghĩ tìm hướng phát triển kinh tế gia đình, giải quyết việc làm cho bà con trong xã, khai thác tiềm năng sẵn có tại địa phương, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Năm 2013, HTX Mây tre đan Vân Sơn ra mắt, đi vào hoạt động. Nhận rõ những khó khăn, thử thách của một nghề đòi hỏi khắt khe về chuyên môn kĩ thuật, ông chú trọng tổ chức lực lượng lao động, công tác quản lí, hạch toán kinh doanh, thị trường tiêu thụ. Tìm hiểu khảo sát nguồn nguyên liệu từ rừng tự nhiên phong phú, thị trường thị hiếu người tiêu dùng ngày càng rộng. Để việc sản xuất kinh doanh thuận lợi, giải phóng sức lao động, tăng năng suất, ông đầu tư xây dựng 2 nhà xưởng diện tích 580m2 làm nơi sản xuất và hội trường phục vụ sơ tổng kết, tập huấn chuyển giao khoa học kĩ thuật và dạy nghề; lò luộc, lò sấy, trang bị 9 máy chế biến nguyên liệu các loại.
Khẳng định đây là nghề tiềm năng nhưng muốn đạt được cũng cần quan tâm nhiều điều kiện, yếu tố khách quan, chủ quan, ông Sơn cho rằng, không chỉ tìm thị trường để tiêu thụ sản phẩm mà phải tìm đối tác tạo được mối liên kết bền vững; áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất; thực hiện tốt an toàn vệ sinh lao động gắn với bảo vệ môi trường. Bước đầu ông liên kết với cơ sở sản xuất hàng thủ công mĩ nghệ ở Hà Nội, bán nguyên liệu thô và hợp đồng thợ giỏi vào đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động. Liên kết với một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh như An Giang, Quảng Nam, TP Đà Nẵng, Hà Nội… để bán nguyên liệu và sản phẩm. Tích cực tham gia các chương trình đào tạo nâng cao tay nghề cho thợ giỏi do dự án SRDP tỉnh kết hợp tổ chức.
|
Một góc xưởng sản xuất |
Trải qua bao khó khăn ban đầu, những kết quả sản xuất kinh doanh năm sau cao hơn năm trước đã tạo động lực cho ông và các thành viên chung tay xây dựng HTX ngày càng phát triển. Mỗi năm, HTX của ông cho ra lò 3.500 - 5.000 sản phẩm. Năm 2014, sản xuất và bán 3.500 sản phẩm mây xiên, 10 tấn nguyên liệu thô qua sơ chế, 1,2 tấn mây sợi, thu 775 triệu đồng. Bên cạnh sử dụng 32 lao động thường xuyên, HTX còn tận dụng lao động nông nhàn, kể các cụ già và học sinh ngày nghỉ có nhu cầu xin làm thêm việc, bình quân thu nhập 100.000 đồng/người/ngày. Năm 2015, doanh thu trên 2,1 tỉ đồng; tạo việc làm thường xuyên cho 35 lao động. Năm 2016, doanh thu 2,2 tỉ đồng, 35 lao động có việc làm ổn định, thu nhập 135.000 đồng/người/ngày. Đến năm 2017 đạt 3,12 tỉ đồng; nộp ngân sách 54,1 triệu đồng.
Bên cạnh việc tích cực phát triển kinh tế, ông Sơn và gia đình luôn chấp hành tốt chính sách, pháp luật của nhà nước, quy định địa phương và Điều lệ, Nghị quyết Hội NCT, hỗ trợ hội viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; tham gia các phong trào thi đua do Hội phát động; đóng góp xây dựng nông thôn mới.
Với những nỗ lực vượt bậc, hằng năm trừ chi phí, HTX thu lãi 450 - 500 triệu đồng/năm; nhiều bộ sản phẩm được tham gia bình chọn và công nhận đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Đặc biệt, HTX có nhiều lao động giỏi được cử đi đào tạo và vinh danh nghệ nhân thợ giỏi. Ông phấn khởi chia sẻ: Đây là động lực để ông tiếp tục sống vui, sống khỏe, sống có ích; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hội viên cũng như làm kinh tế giỏi trong những năm tiếp theo.
Bài và ảnh: Thanh Hà