Tăng cường cho vay để đưa cơ giới hóa vào sản xuất

Kinh tế 18/09/2019 10:18
Chăn nuôi phát triển kéo theo ô nhiễm nặng nề môi trường sống, không khí, đất nước.
Trồng cỏ voi, nuôi bò sữa, là lời giải, là đáp án của người dân vùng bãi huyện Vĩnh Tường, đã tìm ra cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao ở vùng đất này. Cuộc chuyển đổi cây trồng vật nuôi “tự phát” phá bung chăn nuôi nhỏ lẻ của nông hộ trong khu dân cư. Trong khi đó những khu chăn nuôi lớn, trang trại cách xa khu dân cư, cần nguồn kinh tế lớn đầu tư, chưa được phê duyệt về diện tích xây dựng trang trại, là trở ngại lớn nhất, đưa ngành chăn nuôi bò sữa các xã vùng bãi trước thách thức lớn vấn nạn ô nhiễm môi trường không khí, đất, nước, đang xẩy ra ở mức nghiêm trọng.
Mặc dù đã ý thức được vấn nạn ô nhiễm môi trường đất nước, không khí, khi chăn nuôi phát triển, các hộ gia đình đều đã xây dựng hầm bioga thu gom xử lý chất thải chăn nuôi, nhưng mùi khai của nước đái bò, nồng nặc của phân bò lắng đọng trong hệ thống cống rãnh từ đường làng, ngõ xóm, bốc lên trong những ngày nắng, tràn ngập đường làng, vườn nhà, trong những ngày mưa, thành mùi xú ế đặc trưng ở hầu hết các gia đình chăn nuôi bò sữa. Có thể những người nuôi bò sữa họ buộc phải quen và sống chung với mùi không khí xú ế này mà chưa tìm ra lối thoát, còn những người ở xa đến đây cảm nhận ngay được sự ô nhiễm không khí không chịu nổi.
![]() |
Cống rãnh đặc quánh phân bò chất thải chăn nuôi |
Theo số liệu của Chi cục bảo vệ môi trường huyện Vĩnh Tường khảo sát ở xã Vĩnh Thịnh, thì lượng chất thải từ nuôi bò sữa thải ra ở xã này, mỗi ngày lên tới 300 tấn ở giữa khu vực dân cư, lượng chất thải quá lớn, không chỉ không khí mà cả nguồn nước cũng bị ô nhiễm. Ông Nguyễn Ngọc Triển, Bí Thư Đảng ủy xã Vĩnh Thịnh cho biết người nông dân nuôi bò sữa ở Vĩnh Thịnh không biết nên vui, hay buồn, khi đang phải đánh đổi kinh tế, với môi trường sống đang bị ô nhiễm nặng nề, ảnh hưởng đến chất lượng sống. Mỗi năm chăn nuôi bò sữa thu về cho nông dân trong xã 400 tỷ đồng, nhưng cũng phát hiện số người bị mắc ung thư ngày một tăng, hiện có tới gần 40 người.
Thực trạng này càng làm cho lãnh đạo dịa phương trăn trở khi Nghị quyết 01 năm 2014 của Đảng bộ xã về việc phát triển chăn nuôi trâu, bò thịt giai đoạn 2013 - 2020 và đưa khu chăn nuôi ra ngoài khu dân cư triển khai chậm. UBND xã đã đề nghị UBND huyện cho điều chỉnh để mỗi thôn có một khu chăn nuôi tập trung phù hợp điều kiện đường giao thông và các điểm đấu nối điện để phục vụ người dân đầu tư ra 15 khu chăn nuôi tập trung với diện tích 16 ha và được chọn thí điểm tại hai thôn An Lão Trên và Khách Nhi Ngược. Quy hoạch thì đã có nhưng nguồn lực nào để triển khai, theo ông Triển còn là câu chuyện nan giải của xã Vĩnh Thịnh.
![]() |
Ao làng thành nơi chưa chất thải chăn nuôi gây ô nhiễm |
Trong khi xã loay hoay chưa tìm ra nguồn lực để triển khai dự án, thì UBND huyện Vĩnh Tường đã hoàn thành xây dựng dự án “Thí điểm đưa chăn nuôi bò sữa ra ngoài khu dân cư gắn với phát triển du lịch, dịch vụ và bảo vệ môi trường, giai đoạn 2017-2020”, nhằm tìm ra mô hình, giải pháp cụ thể phát triển đàn bò sữa theo hướng nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm ô nhiễm môi trường. Thế nhưng người dân lại chưa đồng thuận với dự án này vì lo khi du lịch phát triển thì sẽ mất đất trồng cỏ, không duy trì được đàn bò sữa đang là thu nhập chính của nông dân. Ngược lại ở vùng quê hiện đang bị ô nhiễm nặng về không khí, đất và nguồn nước, thì du lịch du khách nào dám về đây để hưởng vấn nạn ô nhiễm này?
Không thể phủ định kinh tế vùng bãi Vĩnh Tường phát triển nhanh nhờ chăn nuôi bò sữa, nhưng làm thế nào để vùng này phát triển bền vững? Ông Lê Duy Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, môi trường đang là trăn trở của lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc. Tỉnh không đánh đổi môi trường lấy kinh tế.
Ô nhiễm môi trường bởi hệ thống tiêu thoát nước trong làng quê đã quá tải.
Còn nhớ trước năm 1975, vùng bãi Vĩnh Tường chủ yếu trông mía, trông ngô, màu xanh của cây trồng với gió mát thông thoáng của sông Hồng, môi trường làng bãi vừa xanh lại trong lành. Trước đó khi chưa có hồ Thủy điện Hòa Bình, năm nào cũng có lũ sông Hồng ngập vùng đất bãi vừa bồi đắp phù sa cho đồng ruộng vừa thau rửa ô nhiễm môi trường. Bây giờ không còn nước lũ sông Hồng, ô nhiễm đồng ruộng tồn đọng nhiều năm, trong làng do dân số phát triển, hồ ao, kênh rạch tiêu úng cho làng xóm bị san lấp vì đời sống dân sinh. Quy hoạch vùng sản xuất nâng bờ vùng, bờ thửa ngoài đồng ruộng, cũng tạo nên những tiểu đê con gây nên úng ngập cục bộ.
Xã Vĩnh Ninh nằm cuối vùng bãi huyện Vĩnh Tường nằm trong tình trạng trên.
Ông Nguyễn Hữu Quân-Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ninh cho biết: Xã có khoảng gần 40% số hộ nuôi bò sữa với tổng đàn lên tới hơn 1.000 con, trong đó đang cho khai thác sữa là 700 con. Mỗi ngày cung cấp ra thị trường từ 16 đến 18 tấn sữa, thu nhập của bà con nông dân rất ổn định. Cả 4 thôn Duy Bình, Kim Xa, Xuân Chiểu, Hậu Lộc đều có những hộ chăn nuôi bò sữa tổng đàn 20-30 con, thu nhập từ 30-60 triệu đồng/tháng.
Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ninh khẳng định:Bò sữa là hướng đi đúng, trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp ở địa phương, nhưng cũng là thách thức lớn với chất lượng sống của người, khi ô nhiễm môi trường đã đến mức báo động, do chăn nuôi bò sữa gây ra. Với độ dốc địa hình các thôn đều có cốt cao kề liền đê bối dốc xuống phía đồng trong đê bối, trước đây mưa lũ thường chảy theo mương rạch tới hệ thống ao ven đê và dốc vào hệ thống rạch sau làng giáp với xã Phú Đa. Nhưng hiện nay hệ thống ao kề trong và ngoài đê bối, hệ thống rạch tiêu thoát nước kề xã Phú Đa đều đã bị san lấp, phần do nhu cầu đất dân sinh, phần do những ao rạch mấy chục năm qua đã thành nơi tiêu chứa chất thải chăn nuôi trở nên ô nhiễm nghiêm trọng phải san lấp. Hiện xã Phú Đa sau khi dồn điền đổi thửa đã tạo nên bờ vùng ngăn tiêu thoát nước ngay sau thôn Kim Xa, khiến phần lớn diện tích đất trồng cỏ của thôn này, hễ mưa là úng ngập cục bộ.
![]() |
Ao lớn cuôi cùng của thôn Kim Xa phải lấp vì trở thành nơi chưa rác thải chăn nuôi gây ô nghiễm nghiêm trọng |
Chăn nuôi phát triển nhưng ao rạch tiêu thoát nước trong làng xóm không còn , nước thải chăn nuôi chảy vào hệ thống rãnh tiêu thoát nước trong làng đổ ra đồng, gây ô nhiễm từ trong làng ra tới đồng ruộng. Thôn Duy Bình hệ thống nước thu gom đổ ra kênh Khách Nhi (xã Vĩnh Thịnh) đổ ra sông Hồng, thôn Hậu Lộc nước thải gom chảy xuống kênh Đại Tự (giáp với xã Đại Tự) còn thôn Kim Xa và Xuân Chiểu, nước thải đang gom chảy ra đồng, cần được xây dựng hệ thống bể lắng xử lý nước thải sau đó đổ ra cống ngầm qua đê chảy ra sông Hồng. Vấn đề là tìm đâu ra nguồn kinh phí đầu tư, chắc chắn phải theo giải pháp Nhà nước và Nhân dân cũng làm, nhưng bao giờ thì sẽ thành hiện thực là ước mơ của người dân vùng bãi?
Không chỉ mơ có bầu không khí trong lành, môi trường sống xanh sạch như “ngày xưa”, người dân làng bãi còn đang mơ được cung cấp nguồn nước sạch, bởi hiện nay họ vẫn đang phải dùng nước mưa và nước giếng khoan mà môi trường đất và nước ở đây cũng đã bị ô nhiễm.