“Vua nho” Sáu Lang
Tuổi cao gương sáng 17/06/2023 08:45
Ông Nguyễn Thường Lang |
Ông bảo, ông sinh ra và lớn lên ở TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. Năm nay 65 tuổi rồi và đang đảm nhiệm rất nhiều chức vụ như Chi hội trưởng Nông dân, Ủy viên BCH Hội Nông dân phường, thành phố và tỉnh; Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam phường, thành phố và đã có trên 20 năm làm Chủ nhiệm CLB Liên thế hệ tự giúp nhau ở khu phố nơi ông đang sinh sống. Không chỉ đoạt nhiều giải thưởng trong sản xuất, kinh doanh và sáng kiến cải tiến kĩ thuật, ông còn là nông dân đầu tiên đưa cây nho dại thành loại cây cho giá trị kinh tế cao, làm giàu cho người dân Ninh Thuận và nhiều vùng nho trong cả nước.
Ông Lang nhớ lại: Xuất thân từ nhà nông nên gắn bó với nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trước đây, gia đình ông cũng như nhiều hộ khác chủ yếu sống bằng nghề trồng nho. Những năm 1997 - 1998, do tình trạng sâu rầy phá hoại, thời tiết diễn biến thất thường làm cả vùng nho chết sạch. Nhiều nông dân nản chí muốn chuyển nghề. Còn ông vẫn tiếp tục trăn trở: Phải làm sao đây?
Ông Nguyễn Thường Lang trong vườn nho giống |
Vườn nho giống của ông Sáu Lang |
Một lần, ông được tham dự hội thảo về nho ở tỉnh Bình Thuận. Thông qua hội thảo, ông tiếp thu thêm được phương pháp trồng, chăm sóc, kĩ thuật ươm ghép, chăm sóc nho, đồng thời ông còn được tiếp nhận 10 cành nho dại Coudere 1613 về trồng thử. Nhận thấy cây nho có khả năng phát triển tốt, năm 2000, ông đầu tư 100 triệu đồng mở trang trại nho 7.000m2.
Những năm đầu công việc không được thuận lợi, bởi bà con còn e dè chưa biết nhiều về cây nho ghép, nên việc tiêu thụ sản phẩm còn khiêm tốn. Không chấp nhận bỏ cuộc, ông cất công xuống từng hộ giới thiệu sản phẩm và trực tiếp hướng dẫn cách chăm sóc, kĩ thuật trồng nho ghép. Ông mạnh dạn tổ chức “hội thảo đầu bờ” ngay dưới giàn nho của mình để “cầm tay chỉ việc” cho bà con; đồng thời hỗ trợ giống, kĩ thuật cho nông dân là chủ yếu.
Một góc vườn ươm nho của ông Nguyễn Thường Lang |
Từ vài hộ trồng thành công ban đầu, nhiều hộ gần xa đến tìm hiểu về phương pháp ghép nho dại độc lạ này. Tiếng lành đồn xa, khách hàng đến với ông nhiều hơn. Chỉ 4 năm sau, ông tiếp tục chi 1,5 tỉ đồng đầu tư làm vườn ươm nho theo quy trình VietGap có nhà lưới, các thiết bị lọc nước, hệ thống điều chỉnh nhiệt độ… Nắm bắt thị hiếu của khách hàng, ông Lang còn làm nho bonsai làm cảnh cho các khách sạn, nhà hàng, resort và phục vụ trong các dịp lễ tết. Những năm gần đây, ông chuyển đổi kĩ thuật ghép nho dại (ghép trực tiếp) sang ghép gián tiếp sau đó mới ươm, cách làm này đang mang lại hiệu quả vượt trội, cây sống đạt gần 100%. Còn trồng nho theo phương pháp ghép cành trên thân nho dại sẽ giúp cây nho có sức đề kháng tốt, giảm bớt sâu bệnh, năng suất tăng gấp 2-3 lần, tiết kiệm được 30% công lao động, giảm được lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Nho bonsai của ông Nguyễn Thường Lang |
Với tổng vốn đầu tư 3 tỉ đồng, trại ươm 1,2ha của ông ngày càng tạo được uy tín, sản phẩm bán ra tiêu thụ rất nhanh, mỗi năm cung cấp ra thị trường trên 1 triệu cây giống, lợi nhuận cũng tăng lên đáng kể. Trừ chi phí sản xuất, mỗi năm, gia đình ông thu lời khoảng 3-4 tỉ đồng, thu nhập bình quân đầu người trong gia đình 500 triệu đồng/người/năm; tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 6,5 đến 7,5 triệu đồng/người/tháng. Ông tích cực vận động bà con thay đổi tư duy cách làm, canh tác nho bằng hóa học sang làm nho hữu cơ sinh học vừa an toàn, vừa sạch; hướng dẫn nông dân cách tự làm phân compoat hữu cơ sinh học tại vườn, nguyên liệu tự có sẵn tại địa phương, hộ gia đình. Không chỉ cung cấp sản phẩm trong nước, ông còn kí kết hợp đồng cung cấp nho giống và chuyển giao kĩ thuật trên diện tích hàng chục hécta cho nông dân Campuchia.
Vườn nho của ông Nguyễn Thường Lang đang cho thu hoạch |
Vừa sản xuất, kinh doanh giỏi, ông Sáu Lang còn nêu tấm gương sáng tích cực học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ông bảo, cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã giúp tôi có thêm động lực, cố gắng hoàn thiện bản thân. Trong công việc chung, ông luôn đề cao tinh thần đoàn kết, sự phối kết hợp, tương thân tương ái và đặt lợi ích tập thể lên hàng đầu. Ông cho biết: CLB Liên thế hệ tự giúp nhau do ông làm Chủ nhiệm có 36 thành viên, thường xuyên quan tâm thăm hỏi hội viên ốm đau, hỗ trợ hội viên khó khăn và phúng viếng tiễn đưa hội viên qua đời chu đáo, tình nghĩa. Với vốn quỹ thu từ nguồn xã hội hóa gần 40 triệu đồng, CLB đã cho 9 thành viên vay để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Từ hoạt động hiệu quả của CLB, nhiều người từ các phường, xã khác cũng đến làm đơn xin gia nhập CLB…
Vườn nho của ông Nguyễn Thường Lang đang cho thu hoạch |
Tích cực tham gia hoạt động xã hội và từ thiện nhân đạo, từ năm 1996 đến nay, ông đã vận động nhân dân khu phố góp tiền, góp công mở rộng hơn 18.000m2 đường nông thôn; mua 18 trụ điện bê-tông, kéo đường đây điện phục vụ điện sinh hoạt cho 200 hộ gia đình; cùng góp chi phí với Công ty CP Nước Ninh Thuận lắp đặt đường ống nước đưa nước sạch phục vụ sinh hoạt cho bà con trong khu phố. Hằng năm, ông vận động bà con nạo vét 3.500m kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất; dành hàng chục triệu đồng hỗ trợ, xây nhà đại đoàn kết cho người nghèo. Gia đình nào gặp khó khăn, ông đều đến ân cần thăm hỏi, động viên, giúp đỡ bà con vượt khó vươn lên; trong 5 năm qua, con số tham gia hoạt động từ thiện nhân đạo của ông Nguyễn Thành Lang cũng khoảng 1 tỉ đồng.