Vấn đề ưu tiên dùng hàng Việt trong bối cảnh dịch Covid-19
Kinh tế 06/10/2021 09:02
Quỹ hàng nội dồi dào
Việc tái cơ cấu và áp dụng công nghệ sinh học tạo ra nhiều vùng trồng trọt, nông phẩm mới năng suất, sản lượng, chất lượng cao. Việc liên doanh với nước ngoài làm ra không ít công nghệ phẩm chất lượng, bổ sung vào quỹ hàng tiêu dùng. Nhờ đầu tư, đổi mới sản xuất, kinh doanh, Việt Nam có nhiều thương hiệu ấn tượng, khẳng định sức vươn lên trong “cuộc đua” chinh phục người Việt và nhà nhập khẩu. Danh mục hàng Việt Nam chất lượng cao, thương hiệu uy tín được người tiêu dùng bình chọn ngày càng dài.
Trong hệ thống siêu thị nội địa, hàng Việt chiếm tỉ trọng từ 80 - 90%, hàng Việt tại các siêu thị nước ngoài chiếm từ 60 - 96%, trong đó có khá nhiều thương hiệu Việt danh tiếng. Tỉ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi càng cao. 67% số người được khảo sát cho hay sẽ ưu tiên dùng hàng Việt và 36% điều chỉnh thói quen xài hàng ngoại.
Khó khăn cũ chưa qua
Nước ta từng có ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, song vì nhiều lí do, các tên tuổi lớn lần lượt rút khỏi thị trường, nhường mặt bằng cho cao ốc và thị phần cho hàng ngoại.
Những xí nghiệp còn lại kiên cường bám trụ, song do chất lượng, kiểu dáng, giá thành… đuối sức với hàng ngoại. Cách đây hơn 2 thập kỉ, thương hiệu Biti’s bền, đẹp, nhẹ, là sự lựa chọn của nhiều người, song khi hàng loạt giày dép nước ngoài đổ vào, Biti’s bị lu mờ. Ngày nay, nhiều nhà chọn gạch lát Tây Ban Nha, Trung Quốc, ít màng tới gạch Đồng Tâm, Long An hoặc Thạch Bàn, Hà Nội. Dù bạt ngàn ruộng mía, lắm nhà máy đường song vẫn để đường Thái Lan áp đảo, buộc phải áp thuế chống bán phá giá. Bóng đèn hình vô tuyến đen trắng Hanel hãnh diện một thời, nay mất tăm…
Công nghiệp phụ trợ cho ô tô ì ạch cùng với các hạn chế khác, khách hàng không mặn mà với xe nội trong khi xe Thái, Indonesia, thuế nhập khẩu 0%.
Khi các FTA được kí, hàng Việt thuận đường xuất khẩu thì của ngon vật lạ nước ngoài cùng với hàng lậu, có khi áp đảo hàng ta. Một số tập đoàn bán lẻ khi ra đời hoành tráng, nay kín tiếng.
Hàng hóa nước ta ngày càng nâng cao về chất lượng, đa dạng mẫu mã đáp ứng thị hiếu người Việt |
Thách thức mới từ đại dịch
Qua ba đợt đối phó với dịch Covid-19, song do đợt 4 phức tạp nên theo khảo sát, trên 87% số doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng. Nhiều xí nghiệp chế biến thủy sản chỉ “chạy” khoảng một nửa công suất. Các DN Dệt may cho rằng, chỉ cần 14 - 21 ngày ngưng sản xuất sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất cả năm 2021 và đến tháng 8 đã nhận ra điều đó. Ngành du lịch từng có 2,9 triệu người lao động, đến nay gần 90% người đã nghỉ hoặc tạm thời ngừng việc. Lưu chuyển hàng hóa có biểu hiện ách tắc. Chợ đầu mối, chợ dân sinh đóng cửa hoặc hạn chế, người đi chợ cách nhật… Nếu dịch bệnh lây lan rộng, cường độ mạnh, kéo dài, thì DN càng khó khăn, thậm chí phải đóng cửa.
Nỗ lực càng phải mới
Các DN được kịp thời hỗ trợ về tiền tệ, tài chính, tín dụng. Thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh được cắt giảm… Các DN thực hiện "vừa cách li, vừa sản xuất", chia ca làm việc, bố trí nơi ăn, nghỉ cho lao động từ các địa phương khác; cấp giấy thông hành "1 cung đường, 2 điểm đến" cho công nhân từ nơi ở tới xí nghiệp…
“Danh mục hàng hóa cấm lưu thông” thay việc liệt kê “Danh mục hàng hóa thiết yếu được phép lưu thông” trước đó, từng khiến cho mỗi nơi hiểu, vận dụng khác nhau, gây tắc nghẽn cục bộ lưu chuyển hàng từ địa phương này sang địa phương khác, thậm chí ngay trên một địa bàn, bị dị nghị là tái lập cảnh ”cấm chợ, ngăn sông”.
Với người lao động mất hoặc bớt việc làm, nhất là người ngoại tỉnh, Nhà nước có gói cứu trợ mới, thủ tục đơn giản, đến tay người được hưởng kịp thời. Một số địa phương trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ tiền thuê nhà trọ. Cộng đồng tăng cường hoạt động thiện nguyện…
Dù vậy, nguồn hàng vừa bị suy suyển, vừa bị ách tắc lưu thông do dịch bệnh và do cả việc hiểu không đầy đủ, lường hết mọi tình huống, vận dụng các quy định khác nhau. Hàng ngoại không dồi dào như trước. Nếu dịch bệnh chậm được khống chế, tiềm lực của DN còn bị bào mòn, sức chống chịu còn bị thách thức. Người lao động chưa hết gieo neo.
Giải pháp cũng phải mới
Ngay khi dịch được khống chế, giúp DN trở lại trạng thái bình thường mới, khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh với gương mặt mới, tổ chức lưu thông hàng hóa nội địa thông suốt. Kết nối thị trường bên ngoài, không để đứt gãy chuỗi cung ứng đầu vào cho cũng như đầu ra cho sản xuất trong nước.
Nâng cấp cơ sở hạ tầng thương mại hiện đại đa năng. Gây dựng các tập đoàn thương mại, đối trọng với các tập đoàn nước ngoài đang hiện diện trên thị trường nước ta. Mở mang mạng lưới phân phối nhiều thành phần, đa phương thức, tiện ích, phủ rộng khắp, chú trọng miền núi, hải đảo. Áp dụng xúc tiến thương mại truyền thống, điện tử. Xây dựng và bảo vệ thương hiệu…
Khuyến khích dùng hàng Việt phù hợp với quốc sách tiết kiệm. Ngăn ngừa bệnh phô trương, lãng phí, nhất là những người được ủy nhiệm chi tiêu bằng “tiền chùa”.
Ngăn chặn, xử lí nghiêm mọi hành vi sản xuất, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, chất lượng kém, không rõ xuất xứ, đặc biệt là thiết bị, vật tư y tế phòng chống Covid-19.