Trao máy tính cho học sinh trường vùng cao xứ Thanh

Xã hội 13/10/2022 08:32
Sau những ngày hành quân vào điểm tập kết tại Hà Tĩnh và dự khóa huấn luyện một tháng, các cô được biên chế vào Trung đội 3, C3, D33, Binh trạm 14, Đoàn 559. Đồng chí Dương Thị Trình, xã Hải Hòanay là phường Hải Hòa được chỉ định làm Trung đội trưởng. Trung đội được giao nhiệm vụ bảo vệ tuyến đường 20 Quyết thắng tại cung đường từ cua chữ A đến ngầm Ta Lê và đèo Phu La Nhích (gọi tắt là trọng điểm ATP). Đèo Phu La Nhích thuộc huyện Mường Phìn, tỉnh Khăm Muộn của nước bạn Lào.
Đây là đầu mối chiến lược vận tải quan trọng, là con đường huyết mạch nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn để chi viện cho chiến trường miền Nam và làm nghĩa vụ Quốc tế với 2 nước Lào và Campuchia. Vì vậy, cung đường này là trọng điểm thường xuyên bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt. Tại đây ngày nào cũng có trên dưới 30 lần tốp máy bay Mỹ đến săn lùng, oanh tạc. Riêng ở khu vực đèo Phu La Nhích có đợt chúng ném bom suốt 87 ngày đêm, nhiều tốp máy bay B52 đến rải thảm làm cho núi đồi trơ trụi, không còn cây cối, chỉ có hố bom chằng chịt, đất đá xới tung, đỏ quạch, khiến cho nhiều chiến sĩ ta bị thương vong.
![]() |
Đại diện Trung đội nữ công binh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày gặp lại sau 30 năm. Ảnh tư liệu |
Thấm nhuần lời Bác Hồ dạy “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền”, với ý chí “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, nhiều tấm gương chiến đấu, hi sinh cao cả đã xuất hiện tại cung đường này. Đó là Anh hùng Vũ Thị Nhạ ở đèo Phu La Nhích, Anh hùng phá bom nổ chậm Nguyễn Thị Vân Liệu ở cua chữ A...
Tại đèo Phu La Nhích, cứ sau mỗi trận bom cả trung đội 3 công binh nữ và một tiểu đội công binh nam lại từ những hầm hố, hang đá dưới chân đèo nhanh chóng ra mặt đường phá bom nổ chậm, lấp hố bom và hướng dẫn cho xe, pháo ta đi vào tiền tuyến. Ngoài trực chiến trên đèo, chị em còn có nhiệm vụ đi phá đá, chống úng ngập ở ngầm Ta Lê. Có những ngày trời mưa to, ngầm ngập sâu, chị em phải ngâm mình dưới nước qua đêm, nắm tay nhau làm cọc tiêu dẫn đường cho xe pháo đi qua.
Mặc cho đạn bom khốc liệt, cái chết luôn cận kề, thời tiết lúc nắng cháy bỏng da, lúc mưa nguồn suối lũ, lạnh giá thấu xương và đời sống thiếu thốn, khó khăn, nhất là đối với chị em phụ nữ khi đến những ngày định kì hằng tháng. Song, chị em luôn động viên nhau vượt qua gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ.
Với những thành tích đó, trung đội và nhiều chị em nhiều lần được cấp trên biểu dương, khen thưởng. Đặc biệt là vào một ngày tháng 3/1973, Trung đội vinh dự được tin Đại tướng - Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp tới thăm, chị em ai cũng hồi hộp đón chờ. Thế rồi niềm vui òa vỡ, Đại tướng đến, thân mật bắt tay từng người, thăm hỏi về tình hình sức khỏe, công tác và đời sống một cách chan hòa. Đại tướng hỏi chị em có thiếu thốn gì không? Trung đội trưởng Dương Thị Trình thay mặt báo cáo. Chị không nói nhiều về thành tích hay sự khó khăn trong sinh hoạt mà chỉ hứa với Đại tướng sẽ tiếp tục cống hiến hết mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Nghe xong, Đại tướng trầm ngâm, lặng đi một lúc rồi nói: “Các cô không phải là người thường nữa rồi, ở nơi này chỉ có gang thép mới chịu được”. Rồi Đại tướng nói, từ nay đơn vị các cô có tên mới là “Trung đội nữ công binh thép”. Tiếp đó Đại tướng căn dặn chị em cố gắng khắc phục khó khăn, tiếp tục chiến đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Tổ quốc giao phó. Những thiếu thốn của chị em sẽ được quan tâm giải quyết.
Sau đó không lâu, Trung đội đã nhận được món quà của Đại tướng. Khi mở thùng quà ra thì đó là 100 bánh xà phòng, một bì bồ kết và một cuộn vải màn lớn. Cả Trung đội xúc động và sung sướng, vì đây là những thứ thật cần thiết, thật quý, quý hơn cả vàng, vì nó rất phù hợp với nhu cầu trong sinh hoạt của chị em nữ nơi chiến trường máu lửa này. Nước mắt chị em chảy dài với lòng biết ơn vị Đại tướng kính yêu đã giúp họ có thêm động lực để càng hăng hái phấn đấu giữ đường, thông tuyến trong mọi tình huống.
Sau Đại thắng mùa Xuân 1975, đất nước hòa bình, thống nhất, các chiến sĩ “Trung đội nữ công binh thép” trở về địa phương với cuộc sống đời thường. Ai cũng tưởng rằng những gì đã có của một thời hoa lửa sẽ dần đi vào quên lãng. Nhưng thật bất ngờ, vào ngày 26/12/2002 tại Đại hội Cựu Chiến binh toàn quốc lần thứ 3 trong bài phát biểu của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có nhắc tới “Trung đội nữ công binh thép”. Đại tướng nói, trước đây khi đi vào chiến trường có gặp Trung đội nữ công binh ở đèo Phu La Nhích, bây giờ ai còn sống, ở đâu thì biên thư cho Đại tướng biết.
Cựu Trung đội trưởng Dương Thị Trình xem ti vi nghe được rất mừng, đã thu xếp đi ra nhà số 30 Hoàng Diệu (Hà Nội) xin gặp Đại tướng. Nhận ra người nữ chiến sĩ công binh năm xưa, Đại tướng chuyện trò với chị khá lâu. Khi biết sau khi chị em về địa phương không có chế độ gì, Đại tướng rất buồn. Người dặn chị Dương Thị Trình về bảo chị em khai báo, lập hồ sơ để Đại tướng lo. Vì vậy, sau đó tất cả chị em trong trung đội ai cũng được giải quyết chế độ theo chính sách của Nhà nước.
Đến ngày 16/7/2003, chị em trong “Trung đội nữ công binh thép” lại được ra Hà Nội để gặp Đại tướng. Kí ức của cuộc hội ngộ sau 30 năm ở đèo Phu La Nhích lại ùa về. Những cái nắm tay thân thiết của Đại tướng khiến ai cũng mừng vui khôn xiết. Trong câu chuyện thân tình, ấm áp với chị em, Đại tướng trăn trở và mong muốn xây dựng Trung đội này thành đơn vị Anh hùng. Thế nhưng tâm nguyện này chưa thực hiện được thì Đại tướng đã theo Bác Hồ về với thế giới người hiền.
Tuy Đại tướng đã đi xa nhưng hằng năm các thành viên của “Trung đội nữ công binh thép” vẫn tổ chức ra Hà Nội hoặc vào Vũng Chùa, Đảo Yến (Quảng Bình) để dâng hương tưởng nhớ tới Người.