Toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Sáng 30/6, tại Hà Nội, Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 đã diễn ra với gần 500 đại biểu dự họp trực tiếp và hơn 80.000 đại biểu dự họp trực tuyến tại hơn 4.000 điểm cầu trong cả nước.

Tạp chí Người cao tuổi trân trọng giới thiệu bài Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Nhìn lại 10 năm qua; định ra phương hướng nhiệm vụ cho thời gian tới”:

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

“Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,

Thưa các vị đại biểu,

Thưa toàn thể các đồng chí,

Hôm nay, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2012 - 2022 và định hướng hoạt động cho giai đoạn tới. Đây là một hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng, bàn về những vấn đề liên quan đến "chống giặc nội xâm", giữ gìn sự trong sạch, vững mạnh của Đảng và hệ thống chính trị; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta; được cán bộ, đảng viên và nhân dân rất quan tâm, đặt nhiều kỳ vọng. Sự có mặt đông đủ của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt các ban, bộ, ngành Trung ương và toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với gần 500 đại biểu dự họp trực tiếp và hơn 80.000 đại biểu dự họp trực tuyến tại hơn 4.000 điểm cầu trong cả nước (nhiều tỉnh, thành phố kết nối đến cấp huyện, xã) đã thể hiện ý thức trách nhiệm, tinh thần nghiêm túc và quyết tâm cao của toàn Đảng ta trong việc kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện nghiêm Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về vấn đề này, cũng như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 các khóa XI, XII, XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Trước hết, tôi xin được thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhiệt liệt hoan nghênh, chào mừng và cảm ơn các đồng chí đã tham dự Hội nghị đông đủ và đóng góp nhiều ý kiến rất quan trọng, tâm huyết, sâu sắc, mang đến cho Hội nghị một tinh thần phấn chấn, đoàn kết, trách nhiệm và thống nhất cao. Tôi cũng xin gửi đến các vị đại biểu và các đồng chí có mặt ở các điểm cầu lời chào thân ái, lời thăm hỏi chân tình và lời chúc tốt đẹp nhất.

Thưa các đồng chí,

Hội nghị của chúng ta đã nghe đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trình bày tóm tắt Báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và ý kiến phát biểu của một số đại biểu. Tất cả các ý kiến phát biểu đều bày tỏ sự thống nhất cao với nội dung Báo cáo, đồng thời bổ sung, phân tích, làm rõ thêm nhiều vấn đề; nêu thêm một số kinh nghiệm quý, cách làm hay trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, từ đó đề xuất, kiến nghị, nhấn mạnh thêm một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới. Để kết thúc Hội nghị, tôi xin phát biểu một số ý kiến có tính chất khái quát lại những kết quả chủ yếu đã đạt được và làm rõ, nhấn mạnh thêm một số vấn đề để chúng ta cùng thống nhất cao lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện trong thời gian tới. Tôi xin nói hai vấn đề:

- Nhìn lại công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2012 - 2022.

- Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.

I- Nhìn lại công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2012 - 2022

Như chúng ta đều biết, xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới và với mong muốn, quyết tâm tạo bước chuyển mới, mạnh mẽ, rõ rệt hơn nữa trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Hội nghị Trung ương 5 khóa XI (tháng 5/2012) đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng Ban để chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước. Thực hiện chủ trương này, ngày 01/02/2013, Ban Chỉ đạo đã chính thức được thành lập và bắt đầu triển khai các hoạt động, với thành phần gồm những cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các cơ quan có liên quan của Đảng và Nhà nước.

Qua Báo cáo tổng kết và nghe các ý kiến phát biểu; qua kết quả cụ thể trong thực tế, và qua điều tra dư luận xã hội, sự đánh giá của các tổ chức quốc tế, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để khẳng định rằng: Phát huy kết quả và rút kinh nghiệm về công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng trong các giai đoạn trước, trong 10 năm gần đây, với việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí (trực thuộc Bộ Chính trị) đến nay, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, ngày càng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể, rất quan trọng, toàn diện, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội, và thực sự "đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược", được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được bạn bè quốc tế ghi nhận. Tham nhũng từng bước đã được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta. Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành mới đây, tuyệt đại đa số ý kiến của người dân (93%) bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; khiến cho mọi sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực xấu, thù địch đều trở nên trơ trẽn, nực cười. Đó là thành công lớn trong công tác phòng, chống tham nhũng của chúng ta trong thời gian qua. Nổi bật là ở 5 điểm sau:

1. Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng đã được chỉ đạo và thực hiện một cách bài bản, đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng với tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào".

- Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán của Nhà nước được tăng cường, phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.

Cấp ủy đảng, ủy ban kiểm tra các cấp đã chủ động, tăng cường chỉ đạo, tập trung kiểm tra, xử lý các tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; xử lý cả cán bộ đương chức và cán bộ đã nghỉ hưu, cả cán bộ cấp cao và cán bộ trong lực lượng vũ trang; làm một cách nghiêm minh từ trên xuống dưới, có trọng tâm, trọng điểm; kỷ luật đảng đi trước, tạo tiền đề, mở đường cho kỷ luật hành chính và cho công tác thanh tra, điều tra, xử lý hình sự theo pháp luật. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thể hiện rõ bản lĩnh, tinh thần kiên quyết, mở rộng phạm vi, đối tượng kiểm tra xuống đến cả cấp ủy cấp huyện và cơ sở; xử lý dứt điểm nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương. Trong giai đoạn 2012 - 2022, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.740 tổ chức đảng, hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng; đã kỷ luật 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 29 Ủy viên Trung ương, nguyên Uỷ viên Trung ương; 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã thi hành kỷ luật 50 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (cao hơn gấp 4 lần so với nhiệm kỳ khóa XI và bằng gần một nửa số cán bộ cấp cao bị xử lý của nhiệm kỳ khóa XII), trong đó có 8 Uỷ viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương, 20 sĩ quan cấp tướng. Đây là một bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng.

Các ngành Thanh tra, Kiểm toán có nhiều cố gắng, công tâm, khách quan, làm rõ các sai phạm; đã xử lý và kiến nghị xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan, thu hồi nhiều tài sản cho Nhà nước. Nhất là đã tập trung vào các lĩnh vực có nhiều dư luận về tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm và công khai các sai phạm liên quan đến nhiều dự án gây thất thoát, thua lỗ lớn, dư luận xã hội quan tâm([1]). Từ năm 2012 đến nay, qua công tác thanh tra, kiểm toán, đã xử lý, thu hồi được hơn 975 nghìn tỉ đồng, gần 76 nghìn ha đất; xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân; chuyển cho cơ quan điều tra, xử lý gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu phạm tội; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế hơn 2.000 văn bản, trong đó có nhiều văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp.

- Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được tiến hành một cách kiên trì, kiên quyết, không khoan nhượng, không nương nhẹ, không làm oan, sai; không bỏ lọt tội phạm; rất nghiêm minh, nhưng cũng rất nhân văn, nhân ái, có lý, có tình; hầu hết các đối tượng bị xử lý đều nhận thức rõ sai phạm của mình và tâm phục, khẩu phục, tỏ rõ sự ăn năn, hối cải, xin lỗi Đảng, Nhà nước và nhân dân; có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa mạnh mẽ, được dư luận, nhân dân rất đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao; tạo bước đột phá trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng. Đã xử lý dứt điểm nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, cả những vụ tồn đọng, kéo dài từ nhiều năm trước([2]), với nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý hình sự, kể cả Ủy viên Bộ Chính trị, bộ trưởng, thứ trưởng, chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang. Trong 10 năm qua, các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm gần 16.000 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế với hơn 30.300 bị cáo. Riêng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo gần 1.000 vụ án, vụ việc ở 3 cấp độ([3]); trong đó trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 313 vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, đã đưa ra xét xử sơ thẩm 120 vụ án, 1.083 bị cáo, trong đó có 37 cán bộ diện Trung ương quản lý, bị xử lý hình sự (1 Ủy viên Bộ Chính trị, 10 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 6 bộ trưởng, nguyên bộ trưởng, 13 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang...).

Kết quả phát hiện, điều tra và xử lý tham nhũng trong thời gian qua càng chứng tỏ chúng ta đã thực hiện rất nghiêm tư tưởng chỉ đạo và quan điểm: "Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, và không chịu sự tác động, sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào". Tôi đã nhiều lần nói rằng: Việc xử lý nghiêm nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm, là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng; nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh về kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm, và kiên quyết làm. Kỷ luật một vài người để cứu muôn người; và sẽ còn phải tiếp tục làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới theo tinh thần Bác Hồ đã dạy: "Cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây".

Cùng với việc tập trung chỉ đạo xử lý nghiêm các sai phạm, công tác thu hồi tài sản tham nhũng cũng có nhiều chuyển biến tích cực; việc kê biên, thu giữ tài sản trong nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng đạt khá cao; tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế tăng lên rõ rệt (Nếu như năm 2013, tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn thi hành án chỉ đạt dưới 10%, thì giai đoạn 2012 - 2022, bình quân đạt tỉ lệ 34,7%). Công tác kiểm tra, thanh tra, phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương, cơ sở cũng được quan tâm hơn, từng bước khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh"; nhiều địa phương, bộ, ngành đã chú ý ngăn chặn, xử lý tệ "tham nhũng vặt".

2. Đi đôi với việc tập trung chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế, thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng được chú trọng đẩy mạnh, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể", "không dám", "không muốn", "không cần" tham nhũng. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, các cơ quan tham mưu, giúp việc của Trung ương đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp, quy định mới, mạnh mẽ, ngày càng quyết liệt về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, hoàn thiện thể chế về kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nhiều quy định, nghị quyết được quán triệt và thực hiện nghiêm túc, đi vào cuộc sống; khắc phục được một bước những sơ hở, bất cập trước đây làm phát sinh tiêu cực, tham nhũng[4]. Có thể khẳng định, cho đến nay, các chủ trương, quy định của Đảng, các văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta cơ bản đã tương đối đầy đủ; cái cần nhất lúc này là sự tự giác, sự thống nhất cao về ý chí và hành động, là tổ chức thực hiện. Vừa qua chúng ta đã làm tốt, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm và phải làm tốt hơn nữa trong thời gian tới.

3. Công tác cán bộ, cải cách hành chính bảo đảm tính công khai, minh bạch; xác định rõ trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực cũng đã được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một cách quyết liệt và đạt kết quả tốt.

Công tác cán bộ đã có nhiều đổi mới theo hướng ngày càng dân chủ, công tâm, khách quan, công khai, minh bạch hơn; đúng nguyên tắc, đúng quy trình, bảo đảm sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng. Nhiều quy định được ban hành đồng bộ, khả thi, đã giải quyết được không ít vấn đề tồn tại trước đây trong công tác cán bộ; tình trạng chạy chức, chạy quyền, cục bộ, địa phương, "thân quen", "cánh hẩu", "lợi ích nhóm" đã giảm hẳn.

Việc Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII mới đây ban hành và chỉ đạo triển khai thực hiện Kết luận về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ; và Quy định mới về những điều đảng viên không được làm là chủ trương rất đúng và cũng là một bài học kinh nghiệm quý trong công tác cán bộ của chúng ta.

Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, tăng cường tính công khai, minh bạch, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Công tác tiếp nhận, xử lý, giải đáp, phản hồi những ý kiến phản ánh, kiến nghị của người dân và đối thoại với các tầng lớp nhân dân cũng được quan tâm. Tăng cường việc kiểm soát tài sản, thu nhập, chuyển đổi vị trí công tác, xử lý trách nhiệm người đứng đầu; thanh toán không dùng tiền mặt; sửa đổi, ban hành chế độ, định mức, tiêu chuẩn; cải cách chính sách tiền lương, thu nhập, nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức,... cũng đã góp phần tích cực vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng”.

4. Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng được tăng cường và có nhiều đổi mới; sự giám sát của các cơ quan dân cử, vai trò của Mặt trận Tổ quốc, nhân dân và báo chí, truyền thông trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được phát huy tốt hơn. Hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh; nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được nâng lên. Việc công khai kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế; chủ động cung cấp thông tin về những vấn đề nhạy cảm, dư luận quan tâm, cũng đã góp phần định hướng tốt dư luận xã hội và thể hiện sự công khai, minh bạch trong xử lý tham nhũng. Các cơ quan thông tấn, báo chí đã tích cực vào cuộc, đồng hành cùng Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng trong phòng, chống tham nhũng; vừa tuyên truyền, vừa tích cực đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực xấu, thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội tăng cường giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; không chỉ giám sát thường xuyên tại các kỳ họp, mà tần suất giám sát chuyên đề về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng được tăng lên. Hội đồng nhân dân các cấp quan tâm giám sát nhiều hơn đối với công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương. Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên tăng cường giám sát các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, gây nhiều bức xúc trong nhân dân; giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức của cán bộ, đảng viên; yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý các thông tin do báo chí nêu về tiêu cực, tham nhũng; tích cực tham gia phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

5. Chú trọng việc kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng làm công tác phòng, chống tham nhũng; tích cực hợp tác quốc tế và từng bước mở rộng nội dung, phạm vi hoạt động phòng, chống tham nhũng. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII mới đây, ở một số địa phương, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được thành lập và nhanh chóng đi vào hoạt động, đạt được những kết quả bước đầu. Chức năng, nhiệm vụ, Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cũng đã được sửa đổi, bổ sung, với nhiều đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động. Phạm vi hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương và địa phương mới đây đã được mở rộng, bao gồm cả "tiêu cực" cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động của Ban Chỉ đạo. Trước đây chỉ nói "chống tham nhũng, lãng phí"; điều đó không sai; nhưng dẫu sao lãng phí cũng chỉ là một việc cụ thể; còn tiêu cực có nội dung và phạm vi rộng hơn, căn cốt hơn, nhất là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đây mới là cái gốc, cái nguy hiểm nhất, dẫn đến tham nhũng, hư hỏng; không chỉ làm mất tiền, mất của, mà còn mất người, thậm chí mất cả chế độ. Ban Chỉ đạo Trung ương đã lựa chọn khâu yếu, việc khó để tập trung chỉ đạo khắc phục; làm việc rất nghiêm túc, trách nhiệm, bài bản, nền nếp, có sự phối hợp rất nhịp nhàng, chặt chẽ, quyết tâm cao và hiệu quả ngày càng tốt; thực sự là "tổng chỉ huy", là "nhạc trưởng" của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ban chỉ đạo cấp tỉnh cũng đã, đang và sẽ triển khai hoạt động theo hướng này. Ban Nội chính Trung ương và ban nội chính các tỉnh uỷ, thành uỷ được tái lập đã bước đầu có nhiều nỗ lực, cố gắng, nâng cao hiệu quả tham mưu về công tác phòng, chống tham nhũng. Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng - đã chủ động, sâu sát, kiên quyết, kiên trì, có bản lĩnh trong thực hiện nhiệm vụ tham mưu, đề xuất, giúp Ban Chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch công tác, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; xử lý nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng trong công tác phòng, chống tham nhũng cũng được chú trọng, tăng cường, nhất là sự phối hợp giữa các cơ quan kiểm tra, giám sát, nội chính của Đảng với cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra; giữa cơ quan thanh tra, kiểm toán với cơ quan điều tra; giữa các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương, địa phương và các bộ, ngành chức năng ngày càng chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả hơn (hầu như không còn tình trạng "quyền anh, quyền tôi", "cua cậy càng, cá cậy vây" như trước). Hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng cũng đã được tăng cường; hoạt động phòng, chống tham nhũng cũng từng bước được mở rộng ra cả khu vực ngoài nhà nước (Vụ án "Việt Á" vừa làm gần đây là một ví dụ điển hình).

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Thưa các đồng chí,

Nhìn lại chặng đường 10 năm kể từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đến nay, nhất là sau 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với ý chí và tinh thần trách nhiệm cao, với sự nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta đã thu được nhiều kết quả quan trọng, góp phần củng cố, nâng cao ý chí, niềm tin của nhân dân vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm cho đất nước ta ngày càng giàu mạnh, ngày càng phát triển, có vị thế xứng đáng trên trường quốc tế. Không phải như một số ý kiến cho rằng, nếu quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm "nhụt chí", "chùn bước" những người dám nghĩ, dám làm, làm "chậm" sự phát triển đất nước; mà hoàn toàn ngược lại, chính nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đặc biệt là góp phần lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân, bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực xấu, thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là "đấu đá nội bộ", "phe cánh". Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng và xây dựng, làm trong sạch Đảng và bộ máy Nhà nước chỉ làm "chùn bước" những ai có động cơ không trong sáng, đã trót "nhúng chàm" và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm.

Qua tổng kết, chúng ta có thể khẳng định rằng, chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lại được thực hiện một cách mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, bài bản và hiệu quả như thời gian gần đây; để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Vậy một câu hỏi được đặt ra là vì sao lại có được những kết quả đó? Trong Báo cáo đã nêu khá rõ, cụ thể. Tôi xin nhấn mạnh mấy nguyên nhân cơ bản, đó là: (1) Trước hết là sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, với nhiều quyết sách đúng đắn, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, trực tiếp nhất là của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp. (2) Sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm của các cơ quan tham mưu và cấp ủy, tổ chức đảng, các ban, bộ, ngành, địa phương, nhất là sự nỗ lực rất cao của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng và các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương. (3) Sự cộng hưởng của những kết quả tích cực, rõ rệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. (4) Sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; sự đồng lòng, ủng hộ, khích lệ của nhân dân; sự chủ động vào cuộc rất tích cực của các cơ quan thông tấn, báo chí, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Ở đây, tôi xin nhấn mạnh rằng, chúng ta đã phát huy được vai trò vô cùng quan trọng của nhân dân, như lời căn dặn của Bác Hồ: Phải "động viên quần chúng, phải thực hành dân chủ, phải làm cho quần chúng hiểu rõ, làm cho quần chúng hăng hái tham gia mới chắc chắn thành công!".

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng: Công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn những hạn chế, tồn tại như trong Báo cáo đã nêu. Đó là: Một số bộ, ban, ngành, địa phương chưa có quyết tâm cao, chưa có sự chuyển biến mạnh. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế; tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn thấp; việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ, cơ quan, đơn vị còn là khâu yếu. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, xảo trá, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng, tiêu cực vẫn là một trong những "kẻ thù hung ác", nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta.

Nguyên nhân cơ bản của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc tính chất nghiêm trọng của tình hình tham nhũng ở địa phương, cơ quan, đơn vị, lĩnh vực mình quản lý; chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt, nói chưa đi đôi với làm; thiếu bản lĩnh, dĩ hoà vi quý, nể nang, né tránh, thậm chí còn bao che cho người vi phạm. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ cấp cao, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, sa vào chủ nghĩa cá nhân, thậm chí suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Cơ chế kiểm soát quyền lực, công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn chưa được quan tâm đúng mức; luật pháp, cơ chế, chính sách còn nhiều kẽ hở, dễ để bị lợi dụng; việc thực thi pháp luật nói chung và các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng nói riêng ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa nghiêm. Tổ chức, bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn, phương tiện, điều kiện làm việc của các cơ quan, đơn vị chức năng phòng, chống tham nhũng vẫn còn hạn chế, bất cập; năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu; thậm chí có trường hợp còn sa vào suy thoái, mắc vào tiêu cực, tay đã nhúng chàm, không dám đấu tranh hoặc tiếp tục tiếp tay cho tham nhũng.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Thưa các đồng chí,

Từ thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta thời gian qua, chúng ta có thể rút ra nhiều bài học quý, có giá trị cả về mặt lý luận và thực tiễn. Tôi xin mạnh dạn thử gợi mở, nêu ra một cách khái quát mấy vấn đề cốt yếu sau đây:

1) Trước hết, cần phải nhận thức thật đầy đủ, sâu sắc vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để từ đó có quyết tâm chính trị rất cao, biện pháp rất trúng và phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung, thống nhất của Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị; Ban Nội chính Trung ương là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo. Phải biến quyết tâm chính trị thành hành động thực tế của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng. Tham nhũng thường diễn ra trong nội bộ, do người có chức, có quyền thực hiện. Phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người, trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình; liên quan đến lợi ích, chức vụ, danh vọng, uy tín của tổ chức, cá nhân. Vì vậy, phải có thái độ thật kiên quyết, không khoan nhượng và hành động thật quyết liệt, cụ thể, hiệu quả. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về những yếu kém, sai phạm về tham nhũng trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Người được giao chức vụ, quyền hạn phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa; đồng thời phải tăng cường giám sát, kiểm soát có hiệu quả việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn. Mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm; quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn; bất kể ai lạm dụng, lợi dụng quyền lực để trục lợi đều phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm. Nói phải "nhốt" quyền lực vào trong "lồng" cơ chế là với ý nghĩa như vậy.

2) Phòng, chống tham nhũng là "chống giặc nội xâm", tức là chống những thói hư, tật xấu, nhất là sự suy thoái về phẩm chất, đạo đức, tệ ăn bớt, ăn cắp, ăn chặn của công dưới nhiều hình thức; tiền tài, của cải, vật chất,... do người khác "biếu xén", "cho, tặng", hối lộ,... với động cơ không trong sáng. Nó thường diễn ra đối với những người có chức, có quyền. Vì vậy, đây là nhiệm vụ rất quan trọng, nhưng cũng vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, "không nghỉ", "không ngừng" ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự; với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm; phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng"; một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để "không dám tham nhũng"; và một cơ chế bảo đảm để "không cần tham nhũng". Tham nhũng là "khuyết tật bẩm sinh" của quyền lực, là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Thời đại nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có, không thể xóa ngay tận gốc tham nhũng trong một thời gian ngắn. Do vậy, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng không thể chủ quan, nóng vội, thoả mãn; không được né tránh, cầm chừng; trái lại, phải rất kiên trì, không "ngừng", không "nghỉ"; vừa phải kiên quyết phát hiện, xử lý tham nhũng, vừa phải kiên trì giáo dục, quản lý, ngăn ngừa, răn đe, không để xảy ra tham nhũng, vừa phải cảnh giác, đấu tranh với những âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng đấu tranh phòng, chống tham nhũng để kích động, chia rẽ, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

3) Phải kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý kịp thời, đồng bộ, nghiêm minh các hành vi tham nhũng; trong đó, phòng ngừa là chính, là cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là đột phá, quan trọng. Để chủ động, tích cực phòng ngừa, cần phải tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về kinh tế - xã hội, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Trong phát hiện, xử lý, phải quán triệt nguyên tắc: Có vụ việc thì phải xác minh làm rõ; tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó; xử lý cả hành vi tham nhũng và hành vi dung túng, bao che cho tham nhũng; can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng. Có dấu hiệu phạm tội thì phải khởi tố, điều tra; kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật; vụ việc chưa đến mức xử lý hình sự thì xử lý kỷ luật nghiêm theo quy định của Đảng, Nhà nước, đoàn thể. Phải tiến hành đồng bộ giữa kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính của Nhà nước, đoàn thể và xử lý hình sự. Kỷ luật của Đảng thực hiện trước, tạo tiền đề để xử lý kỷ luật hành chính của Nhà nước, của đoàn thể và xử lý hình sự. Việc xử lý phải lấy giáo dục, răn đe, phòng ngừa làm chính, kết hợp giữa trừng trị với khoan hồng; đồng thời bảo vệ, khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp chung.

4) Phải gắn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; gắn phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên; của nhân dân, cơ quan truyền thông và báo chí, doanh nghiệp, doanh nhân trong phòng, chống tham nhũng. Phải quán triệt sâu sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Dân là gốc"; dựa vào dân, lắng nghe dân, lắng nghe dư luận để chọn lọc, tiếp thu cái đúng, nhưng không đơn giản "theo đuôi", chạy theo dư luận. Triển khai có hiệu quả hoạt động phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước; tăng cường hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng.

5) Kiểm soát cho được việc thực hiện quyền lực nhà nước, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; phát huy vai trò nòng cốt và sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, kịp thời, hiệu quả của các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng. Ban Chỉ đạo phải thực sự là trung tâm chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động, là chỗ dựa vững chắc để các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng thực thi nhiệm vụ được giao. Đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng phải có bản lĩnh vững vàng, có dũng khí đấu tranh; phải trung thực, liêm chính, "chí công vô tư", thực sự là "thanh bảo kiếm" sắc bén của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Kiểm soát quyền lực và thực hành liêm chính trước hết phải được tiến hành có hiệu quả trong các cơ quan này, phải chống tham nhũng ngay trong các cơ quan làm công tác phòng, chống tham nhũng.

6) Các giải pháp phòng, chống tham nhũng phải phù hợp với bối cảnh yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và truyền thống văn hoá của Dân tộc; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài. Đồng thời, phải xây dựng được văn hoá công vụ của mỗi ngành, cơ quan, đơn vị. Văn hoá công vụ sẽ bảo đảm tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, minh bạch, hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ. Trong từng giai đoạn khác nhau, phải xác định những nhiệm vụ trọng tâm, những giải pháp có tính đột phá, phù hợp với tình hình của đất nước, của địa phương để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả.

II- Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Thưa các đồng chí,

Trong thời gian tới, với mục tiêu tổng quát là "Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa…; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa"; Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định và bổ sung một số định hướng lớn cho công tác phòng, chống tham nhũng thời gian tới là: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn. Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, tiêu cực, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng, tiêu cực; không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự.

Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, tuyên truyền, tạo sự tự giác, thống nhất cao về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu cấp uỷ, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương; kiên trì giáo dục, rèn luyện đức tính liêm khiết; xây dựng văn hoá tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí, trước hết trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kinh tế - xã hội; về kiểm tra, giám sát và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu cấp uỷ, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương; kiên trì giáo dục, rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hoá tiết kiệm, không tham nhũng, trước hết trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực; kiên quyết thu hồi tài sản tham nhũng; kịp thời xử lý, thay thế những cán bộ lãnh đạo, quản lý có biểu hiện nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, bảo đảm thật sự liêm chính, trong sạch; nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng và các cơ quan tham mưu cho cấp uỷ lãnh đạo, chỉ đạo công tác này. Từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân và cơ quan truyền thông, báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ...

Quán triệt mục tiêu và những định hướng lớn nêu trên, trong những năm tới, chúng ta, trước hết là Ban Chỉ đạo Trung ương, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và các cơ quan nội chính Trung ương cũng như địa phương, cần tiếp tục phát huy mạnh hơn nữa, tốt hơn nữa những kết quả, thành tích to lớn và những bài học kinh nghiệm quý báu của 10 năm qua; nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa trên con đường đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động trong giai đoạn phát triển mới.

Với tinh thần đó, Hội nghị của chúng ta đã đồng tình, thống nhất cao về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới mà Báo cáo đã nêu, cũng như ý kiến phát biểu tham luận đầy trách nhiệm và tâm huyết của các đại biểu. Tôi chỉ nhấn mạnh, lưu ý thêm một số vấn đề sau:

Một là, phải tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác giáo dục, tuyên truyền, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Đây là nhiệm vụ không mới, nhưng rất quan trọng. Bởi tuyên truyền, giáo dục là một trong những biện pháp căn bản để nâng cao nhận thức, tinh thần, ý thức, đạo đức, xây dựng liêm chính, chống tha hoá, biến chất. Phải quán triệt, tuyên truyền, giáo dục sâu rộng các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp, quy định của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; về sự nguy hại của tham nhũng, tiêu cực,... tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương.

Phải kiên trì giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về đức tính liêm khiết, chính trực; xây dựng văn hoá tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực. Mọi cán bộ, đảng viên phải ghi nhớ sâu sắc lời căn dặn của Bác Hồ rằng: Đảng ta là đảng cầm quyền; Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân. Đảng phải luôn luôn dựa vào Dân, lắng nghe Dân, gắn bó máu thịt với nhân dân; việc gì có lợi cho Dân thì phải hết sức làm và làm cho bằng được; ngược lại, việc gì có hại cho Dân thì phải hết sức tránh. Việc gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm. Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực. Cha ông ta đã dạy: "Thiện căn ở tại lòng ta, chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài; có tài mà cậy chi tài; chữ "Tài" liền với chữ "Tai" một vần!". Tránh tình trạng: "Chân mình còn lấm bê bê, Lại cầm bó đuốc đi rê chân người"; "Thượng bất chính thì hạ tắc loạn!"; "Cấp trên ở chẳng chính ngôi, cho nên ở dưới chúng tôi hỗn hào!".

Phải tăng cường phối hợp, chủ động công khai, kịp thời cung cấp thông tin, định hướng tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng. Chú trọng thông tin tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt; khắc phục tình trạng thông tin một chiều, thông tin không chính xác, mang tính kích động, gây hoang mang. Bảo vệ, khen thưởng, động viên kịp thời những người làm báo tích cực, dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng; đồng thời kiên quyết vạch trần, phê phán, bác bỏ các luận điệu xuyên tạc, lợi dụng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để kích động, chia rẽ, chống phá Đảng, Nhà nước ta; xử lý nghiêm việc đưa tin sai sự thật, vu cáo, bịa đặt, gây hậu quả xấu.

Hai là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những "khoảng trống", "kẽ hở" để "không thể tham nhũng, tiêu cực".

Thể chế nói chung, thể chế về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng, cùng với chuẩn mực đạo đức trên các lĩnh vực và cơ chế kiểm soát quyền lực là yếu tố cơ bản, nền tảng, có tác dụng ngăn chặn từ gốc hành vi tham nhũng, tiêu cực. Phải xây dựng các quy chế nội bộ của Đảng, các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức áp dụng đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, liêm chính, gương mẫu đi đầu trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội để hạn chế sự tác động tiêu cực của "nhóm lợi ích", "sân sau", "tư duy nhiệm kỳ"; ngăn chặn nguy cơ nẩy sinh tham nhũng, tiêu cực ngay từ khi xây dựng chính sách, luật pháp. Khẩn trương hoàn thiện các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm giải trình, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch. Quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực; và bảo vệ người tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đảng viên, người đứng đầu đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng; ngăn chặn có hiệu quả tệ "tham nhũng vặt"; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.

Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện và công khai, có trọng tâm, trọng điểm; tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực, về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Đấu tranh chống tham nhũng phải gắn liền với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Bởi vì hai mặt này có quan hệ chặt chẽ với nhau. Phải kịp thời phát hiện, giải quyết từ sớm, ngăn chặn từ đầu các hành vi sai phạm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn. Mọi cán bộ, đảng viên vi phạm đều phải bị xử lý kịp thời, đồng bộ, nghiêm minh, công khai.

Đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế đã khởi tố theo đúng quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước; chú trọng phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng mới; không có vùng cấm, không có ngoại lệ; không chịu sự tác động không đúng của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào. Tạo chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt hơn nữa trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở; xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vòi vĩnh, nhũng nhiễu, "gợi ý", "lót tay", gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng; chú trọng truy tìm, kịp thời áp dụng các biện pháp đồng bộ để thu hồi triệt để tài sản bị tham nhũng ngay từ giai đoạn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và trong giai đoạn thi hành án; khuyến khích người phạm tội tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Bốn là, tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; cải cách hành chính và xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Cùng với "nhốt" quyền lực vào trong "lồng" cơ chế, thể chế, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình là điều kiện đầu tiên để kiểm soát quyền lực, bảo đảm quyền lực được vận hành đúng đắn, không bị "tha hoá". Vì vậy, phải tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị và các biện pháp bảo đảm để công dân thực hiện đầy đủ quyền tiếp cận thông tin theo quy định của pháp luật. Phát huy vai trò giám sát việc thực thi quyền lực thông qua công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; thanh tra, kiểm toán của Nhà nước; giám sát của cơ quan dân cử và đại biểu dân cử, của cơ quan tư pháp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, của nhân dân và xã hội.

Năm là, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trước hết là các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và các cơ quan nội chính từ Trung ương đến địa phương.

Xây dựng, hoàn thiện các quy chế, quy định để ngăn ngừa có hiệu quả sự tác động tiêu cực, không lành mạnh vào hoạt động của các cơ quan này. Đặc biệt, phải xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thật sự có bản lĩnh, thật sự liêm chính, trong sạch; không chịu bất cứ sức ép không trong sáng nào của tổ chức, cá nhân; bất cứ sự cám dỗ, mua chuộc nào của những kẻ phạm tội. Có chính sách đãi ngộ hợp lý, tạo động lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nỗ lực phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc. Tôi đã nhiều lần nói: Phải phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trước hết và ngay trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực!

Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN
Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Thưa các đồng chí,

Từ những kết quả và kinh nghiệm đạt được trong thời gian qua, chúng ta tin tưởng rằng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới sẽ có bước tiến mới, mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa và đạt hiệu quả cao hơn nữa. Tham nhũng, tiêu cực nhất định sẽ bị ngăn chặn, đẩy lùi; góp phần xây dựng Đảng ta, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và xứng đáng với niềm tin yêu, sự mong đợi của nhân dân. Điều quan trọng có ý nghĩa quyết định là: Nhận thức phải chín; tư tưởng phải thông; quyết tâm phải lớn, và phương pháp phải đúng; góp phần từng bước làm chuyển biến tình hình, thực sự có kết quả rõ ràng, cụ thể.

Nhân dịp này, một lần nữa, tôi xin thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xin gửi tới các đồng chí lời chúc sức khoẻ và hạnh phúc. Mong tất cả các đồng chí, những cán bộ "rường cột" của Đảng và Nhà nước, những "Bao Công" của thời đại ngày nay, hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm và dũng khí trước Đảng, trước nhân dân và đất nước, gương mẫu, đi đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là tập trung chỉ đạo cụ thể hoá, thể chế hoá, hiện thực hoá các nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng phù hợp với tình hình, đặc điểm của bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị mình, góp phần đắc lực vào việc củng cố, xây dựng Đảng ta, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức, lối sống, được nhân dân tin yêu, mến phục; lãnh đạo và tổ chức thành công sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam muôn vàn yêu quý của chúng ta.

Thưa các đồng chí,

Chẳng mấy khi được dự một Hội nghị có quy mô lớn với nội dung rất quan trọng và có ý nghĩa về nhiều mặt như thế này; lại được gặp mặt thân mật và trang trọng với hầu hết các đồng chí lãnh đạo chủ chốt ở tất cả các cấp từ Trung ương đến cơ sở trong cả nước, tôi rất vinh dự, xúc động và muốn giãi bầy một đôi điều có tính chất tâm sự, tâm tình thêm bằng cách nhắc lại một câu nói đầy ấn tượng và rất sâu sắc của nhân vật Pa-ven Coóc-xa-ghin - nhân vật chính trong tác phẩm "Thép đã tôi thế đấy" của nhà văn nổi tiếng Liên Xô Ni-cô-lai Ốt-xtơ-rốp-xky - một cuốn sách "gối đầu giường" của lớp thanh niên cỡ tuổi chúng tôi thời những năm 1959 - 1960. Đại ý thế này: Cái quý nhất của con người là Cuộc sống và Danh dự sống, bởi vì đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi hổ thẹn vì những việc làm ty tiện, đớn hèn, bị mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay, ta có thể tự hào rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời - sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì sự trường tồn của Dân tộc, sự vẻ vang của Giống nòi và hạnh phúc của Nhân dân!

Tôi xin trân trọng cảm ơn!

([1]) Như vụ việc Mobifone mua 95% cổ phần của AVG; việc cổ phần hoá Cảng Quy Nhơn; các dự án, gói thầu liên quan đến Đinh Ngọc Hệ; Dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II; Dự án đầu tư cải tạo, mở rộng Nhà máy phân đạm Hà Bắc; Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2,...

([2]) Điển hình là: (1) Vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm. (2) Vụ án Dương Chí Dũng và đồng phạm. (3) Vụ án Vũ Việt Hùng và đồng phạm. (4) Vụ án Vũ Quốc Hảo và đồng phạm. (5) Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm. (6) Vụ án Phạm Thị Bích Lương và đồng phạm. (7) Vụ án Giang Kim Đạt và đồng phạm. (8) Vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm. (9) Vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm. (10) Vụ án Châu Thị Thu Nga và đồng phạm. (11) Vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm. (12) Vụ án Trần Phương Bình. (13) Vụ án Phan Văn Anh Vũ. (14) Vụ án Đinh Ngọc Hệ. (15) Vụ án Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam. (16) Vụ án Hứa Thị Phấn. (17) Vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Viễn thông Mobifone. (18) Vụ án xảy ra tại Công ty Hải Thành, Quân chủng Hải Quân…; và mới đây là vụ Việt Á, Cục Lãnh sự; FLC, Tân Hoàng Minh,

([3]) Gồm: Cấp độ Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo là 180 vụ án, 133 vụ việc; cấp độ Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc là 31 vụ án, 5 vụ việc; cấp độ tỉnh uỷ, thành uỷ, ban cán sự đảng bộ, ngành chỉ đạo xử lý là hơn 600 vụ án, vụ việc.

([4]) Từ năm 2012 đến nay, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cơ quan tham mưu của Đảng đã ban hành hơn 250 văn bản về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng; Quốc hội ban hành hơn 300 luật, pháp lệnh, nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hơn 2.600 nghị định, quyết định, chỉ thị; cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương ban hành hơn 45.000 văn bản; các bộ, ngành, địa phương ban hành gần 100.000 văn bản để cụ thể hoá, hướng dẫn thi hành, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Theo TTXVN/Báo Tin tức
Nguồn: https://baotintuc.vn/thoi-su/toan-van-bai-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-hoi-nghi-tong-ket-10-nam-cong-tac-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-20220630165902172.htm

Tin liên quan

Cùng chuyên mục

Hướng đi chiến lược cho hợp tác kinh tế giữa tỉnh Long An và các doanh nghiệp Đức

Hướng đi chiến lược cho hợp tác kinh tế giữa tỉnh Long An và các doanh nghiệp Đức

Trong khuôn khổ chương trình làm việc tại Công hòa Liên bang Đức, ngày 18/11, tại Cologne, CHLB Đức, đoàn công tác xúc tiến đầu tư, thương mại tỉnh Long An, do Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Được làm trưởng đoàn đã tham dự “Hội nghị bàn tròn thương mại đầu tư Long An – Cologne” và xúc tiến các buổi gặp gỡ, trao đổi tích cực với các tổ chức doanh nghiệp và nhà đầu tư hàng đầu tại Đức.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Trưởng Ban Chỉ đạo sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu quả tại các cơ quan thuộc Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Trưởng Ban Chỉ đạo sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu quả tại các cơ quan thuộc Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu quả tại các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội
Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp long trọng kỷ niệm 75 năm ngày thành lập

Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp long trọng kỷ niệm 75 năm ngày thành lập

Ngày 16/11/2024 Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp (MTCN) long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Trường (8/7/1949 - 8/7/2024). Trải qua chặng đường lịch sử đầy vẻ vang, hào hùng... nhà trường là địa chỉ đỏ tin cậy của nhân dân cả nước.
Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ kỉ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc tại tỉnh Cà Mau

Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ kỉ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc tại tỉnh Cà Mau

Tối 16/11, tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau long trọng tổ chức kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc (1954 - 2024), với chủ đề "Tập kết ra Bắc - Tình sâu nghĩa nặng", được truyền hình trực tiếp tại 3 điểm Cà Mau, Hải Phòng và Thanh Hóa. Tổng Bí thư Tô Lâm dự tại điểm cầu Cà Mau.
Kết quả hoạt động của các Hội NCT khu vực Tây Nguyên là những nỗ lực quý báu rất đáng ghi nhận

Kết quả hoạt động của các Hội NCT khu vực Tây Nguyên là những nỗ lực quý báu rất đáng ghi nhận

Đó là đánh giá của ông Phan Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hội NCT Việt Nam tại Hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Tuổi cao – Gương sáng” năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2025 của Cụm thi đua số VII, tổ chức ngày 15/11, tại Lâm Đồng,

Tin khác

Long An – Khởi đầu mới cho doanh nghiệp Pháp tại Việt Nam

Long An – Khởi đầu mới cho doanh nghiệp Pháp tại Việt Nam
Trong nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế và mở rộng cơ hội đầu tư đến từ Pháp, từ ngày 11 đến 14/11, đoàn công tác xúc tiến thương mại đầu tư tỉnh Long An do Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Được làm trưởng đoàn đã tham dự Tọa đàm hợp tác đầu tư Việt Nam – Pháp năm 2024 và có các chương trình làm việc với các tập đoàn của Pháp đang quan tâm đầu tư tại Long An

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Phát huy đoàn kết tạo dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Phát huy đoàn kết tạo dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân
Sáng 14/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024, tại khu dân cư 8, thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn.

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và làm việc tại huyện đảo Bạch Long Vĩ

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và làm việc tại huyện đảo Bạch Long Vĩ
Sáng ngày 14/11, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Tô Lâm đã tới thăm và làm việc tại huyện đảo Bạch Long Vĩ, TP Hải Phòng.

Long An làm việc với Tập đoàn xây dựng hàng đầu tại Pháp - Soletanche Freyssinet

Long An làm việc với Tập đoàn xây dựng hàng đầu tại Pháp - Soletanche Freyssinet
Ngày 12/11 (giờ địa phương), Đoàn công tác tỉnh Long An do Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Được làm trưởng đoàn đã đến Thủ đô Paris, Pháp, bắt đầu chuyến công tác xúc tiến đầu tư thương mại tại châu Âu.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ làm tăng cường kết nối, tạo động lực lan tỏa, mở không gian phát triển kinh tế mới

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ làm tăng cường kết nối, tạo động lực lan tỏa, mở không gian phát triển kinh tế mới
Sáng 13/11, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam; thẩm tra dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện Dự án nhà ở thương mại; điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành...

Vĩnh Phúc: Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.

Vĩnh  Phúc: Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tối 12/11, đồng chí Hồ Đức Phớc, Phó Thủ tướng Chính phủ , Bộ trưởng Tài chính tham dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Chiến Thắng, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc.

Bài phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Bài phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn
Sau 2 ngày làm việc nghiêm túc và trách nhiệm cao, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đối với 3 nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm chính của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Tạp chí Ngày mới online trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Cần sớm cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng vì có chất kích thích, “ma tuý trá hình”

Cần sớm cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng vì có chất kích thích, “ma tuý trá hình”
Sáng 12/11, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các ĐBQH về lĩnh vực y tế và nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì điều hành phiên họp.

Diễn đàn Quốc gia phát triển Kinh tế số và Xã hội số lần thứ II tổ chức tại Bình Dương

Diễn đàn Quốc gia phát triển Kinh tế số và Xã hội số lần thứ II tổ chức tại Bình Dương
Ngày 13-14/11, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương tổ chức Diễn đàn Quốc gia phát triển Kinh tế số và Xã hội số lần thứ II với chủ đề: "Sáng tạo ứng dụng công nghệ số vào các ngành, lĩnh vực để phát triển kinh tế số và nâng cao năng suất lao động".

“Long An- Khát vọng sông Vàm”: Sự kiện lớn hứa hẹn nhiều ấn tượng

“Long An- Khát vọng sông Vàm”: Sự kiện lớn hứa hẹn nhiều ấn tượng
Ngày 12/11, tỉnh Long An tổ chức Họp báo về sự kiện Tuần Văn hóa - Thể thao - Du lịch lần thứ 2 năm 2024, với chủ đề “Long An - Khát vọng sông Vàm”diễn ra từ ngày 28/11 đến ngày 4/12/2024.

Tổng Bí thư Tô Lâm: “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”

Tổng Bí thư Tô Lâm: “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”
Ngày 5/11, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả". Tạp chí Ngày mới Online (Người cao tuổi) trân trọng giới thiệu toàn bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm tới bạn đọc và NCT cả nước.

Đổi mới hình thức và cách thức phân bổ ngân sách và kế hoạch đầu tư phát triển

Đổi mới hình thức và cách thức phân bổ ngân sách  và kế hoạch đầu tư phát triển
Sáng 5/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam...

Nhiều giải pháp đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn, phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và kế hoạch năm 2025

Nhiều giải pháp đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn, phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và kế hoạch năm 2025
Tiếp tục chương trình Kì họp thứ 8, ngày 4/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025...

Tiếp tục thúc đẩy đô thị hóa, giải quyết đất ở, nhà ở cho Nhân dân

Tiếp tục thúc đẩy đô thị hóa, giải quyết đất ở, nhà ở cho Nhân dân
Sáng 3/11, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất...

Đề án cơ cấu lại EVN giai đoạn đến hết năm 2025

Đề án cơ cấu lại EVN giai đoạn đến hết năm 2025
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc vừa kí Quyết định số 1271/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Điện lực Việt Nam giai đoạn đến hết năm 2025.
Xem thêm
Cơ hội mà kỉ nguyên số mang lại cho người cao tuổi

Cơ hội mà kỉ nguyên số mang lại cho người cao tuổi

Sáng 6/11, tại Hà Nội, Công ty TUVA Communication - doanh nghiệp trong lĩnh vực tư vấn và truyền thông về các vấn đề xã hội - tổ chức Tọa đàm “Già hóa dân số trong Thời đại 4.0”. Tham dự có TS Phan Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hội NCT Việt Nam; bà Trần Bích Thủy, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Hỗ trợ NCT Quốc tế (HAI) tại Việt Nam; ông Phạm Hùng Tuyến, Phó Giám đốc VOV Giao thông, Đài Tiếng nói Việt Nam; Mai Quỳnh Anh, Giám đốc Chương trình tại TUVA Communication.
Đẩy mạnh phân cấp, trao quyền chủ động, linh hoạt  trong quản lí đầu tư công

Đẩy mạnh phân cấp, trao quyền chủ động, linh hoạt trong quản lí đầu tư công

Sáng 6/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp…
Nhiều kiến nghị, giải pháp nhằm hoàn thiện Luật Phòng cháy,  chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Nhiều kiến nghị, giải pháp nhằm hoàn thiện Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Sáng 1/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH)...
Phiên bản di động