Tỉnh Thanh Hóa: Khát vọng trở thành một trong những trung tâm kinh tế lớn của cả nước và khu vực
Kinh tế 26/09/2020 08:30
Chặng đường 10 năm bứt phá
Với nhiều nỗ lực chặng đường 10 năm (2010 – 2020), Thanh Hoá đạt được nhiều thành tựu, đặc biệt là 3 đột phá quan trọng trong phát triển kinh tế: Thứ nhất là đột phá về tốc độ tăng trưởng kinh tế, GRDP bình quân hàng năm ước đạt 10,3%/năm, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và trong nhóm ít các tỉnh dẫn đầu cả nước; quy mô nền kinh tế tăng gấp 4,5 lần năm 2010, đứng thứ 8 cả nước.Thứ hai là đột phá về thu ngân sách. Dự kiến năm 2020, thu ngân sách của tỉnh ước đạt 28.967 tỉ đồng, gấp 5,5 lần năm 2010; đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ, đứng thứ 11 cả nước. Thứ ba là đột phá về thu hút vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư nước ngoài. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá có 132 dự án FDI, với tổng vốn đăng kí 14,13 tỉ USD, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ, đứng thứ 8 cả nước.
Theo số liệu thống kê, tỉ trọng của ngành công nghiệp trong GRDP của tỉnh Thanh Hóa tăng từ 22,3% (2011) lên 32,4% (2019) và dự kiến đạt mức 35% vào năm 2020. Đây được coi là mức cao (cả về tỉ lệ và tốc độ tăng) so với các địa phương trong vùng duyên hải miền Trung (đứng thứ hai, sau Hà Tĩnh: 39,1%). Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp xây dựng và dịch vụ, giảm tỉ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản. Năm 2019, công nghiệp và xây dựng chiếm 47,8%, dịch vụ 33,17%.
Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, dự án trọng điểm của Thanh Hóa |
Trong nhiệm kì 2015-2020, nhờ có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị mà Thanh Hóa đang vươn lên mạnh mẽ, chi thường xuyên đã gần như tự chủ, kinh tế đang chuyển mình trở thành vùng trọng điểm của khu vực Bắc Miền Trung.
Sự chuyển mình của Thanh Hóa có thể thấy rõ qua sự phát triển mạnh mẽ của "tứ Sơn". Đó là một Bỉm Sơn với trọng tâm là công nghiệp xi măng, từ sản lượng 2,5 triệu tấn/năm, đến nay đạt gần 9 triệu tấn/năm và đang tiếp tục đi lên, góp phần quan trọng đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh sản xuất xi măng hàng đầu cả nước.
Sầm Sơn đã hoàn toàn "thay da đổi thịt" từ cơ sở hạ tầng du lịch với sự góp mặt của nhiều tập đoàn kinh tế lớn, lớn nhất là Tập đoàn FLC và sắp tới là Sun Group..., đến văn hóa du lịch và cách làm du lịch, tạo nên một Sầm Sơn nổi tiếng trong lòng du khách thập phương.
Khu kinh tế Nghi Sơn phát triển đột phá được thúc đẩy bởi nhiều dự án lớn của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, mà hạt nhân là dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn có tổng mức đầu tư trên 9 tỉ USD và cuối cùng là một Lam Sơn - Sao Vàng đang từng ngày hình thành trung tâm công nghiệp - nông nghiệp công nghệ cao, gắn với Cảng Hàng không Thọ Xuân đã được Thủ tướng Chính phủ quy hoạch là cảng hàng không quốc tế.
Nhờ hội tụ được các điều kiện, cơ hội mà trong nhiệm kì 2015-2020, tỉnh Thanh Hóa đã có những phát triển vượt bậc, có thể nhìn thấy rõ qua số thu ngân sách nhà nước tăng không ngừng qua từng năm. Cụ thể, năm 2015 Thanh Hóa thu ngân sách mới đạt 11.000 tỉ đồng; năm 2016 là 11.300 tỉ đồng; năm 2017 là 13.300 tỉ đồng. Đặc biệt, năm 2018, lần đầu tiên Thanh Hóa thu ngân sách cao kỉ lục, lên tới 23.464 tỉ đồng; năm 2019 là hơn 28.000 tỉ đồng; năm 2020, ước tính gần 29.000 tỉ đồng (đứng thứ 11 cả nước). Ngoài ra, quy mô nền kinh tế lớn gấp 4,5 lần so với năm 2010, từng bước trở thành một cực tăng trưởng mới của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước. Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2018 là 15,16%, năm 2019 là 17,15% (toàn nhiệm kì là 12,1%), đứng đầu Bắc Trung Bộ và thuộc nhóm các tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao nhất nước.
Khát vọng trở thành một trung tâm kinh tế lớn của cả nước và khu vực
Ngày 17/7 vừa qua, tại Hà Nội, Bộ Chính trị đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa, chính thức thông qua đề án "Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Tại cuộc họp, Bộ Chính trị nhất trí ban hành Nghị quyết về "Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", khẳng định quan điểm của Đảng về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Thanh Hóa đối với khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước, tạo sự thống nhất cao trong tư tưởng và nhận thức của các cấp, các ngành, từ đó xác định những giải pháp mới, đột phá, thu hút mọi nguồn lực vật chất và tinh thần để tỉnh hiện thực hóa mục tiêu đã đề ra.
Đây là cơ hội nhưng cũng đầy thách thức, bởi để thực hiện được "khát vọng thịnh vượng", mục tiêu, nhiệm vụ của tỉnh Thanh Hóa trong nhiệm kì 2020-2025 vẫn còn nhiều khó khăn, khi mà tình hình thế giới vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Trong nhiệm kì tới, Thanh Hóa sẽ tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử, khát vọng thịnh vượng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở tập trung phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, 5 trụ cột tăng trưởng, 6 hành lang kinh tế và 6 vùng liên huyện; tiếp tục coi phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới là nền tảng, công nghiệp là then chốt, dịch vụ là quan trọng.