Tỉnh An Giang: Làm tốt công tác phòng chống dịch Covid-19, tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội năm 2021
Tin tức 16/01/2021 08:16
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang |
Tỉnh An Giang tích cực khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế và điều kiện để duy trì mức tăng trưởng nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội |
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Ngày mới, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: “Có thể nói, tốc độ tăng trưởng kinh tế của An Giang ước thực hiện năm 2020, theo giá so sánh 2010, tăng 5,45% so cùng kỳ. Về cơ cấu kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 32,86%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 14,40%, khu dịch vụ chiếm 49,09%. Tỉnh An Giang đã xây dựng kế hoạch điều hành phát triển kinh tế theo diễn biến dịch bệnh Covid-19 để tập trung chỉ đạo, điều hành nhằm khôi phục sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, thúc đẩy triển khai các dự án đầu tư của doanh nghiệp, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao nhất”. Tính đến nay, toàn tỉnh An Giang có 61/119 xã được công nhận đạt chuẩn “xã nông thôn mới”, đạt tỷ lệ 51,2% tổng số xã. An Giang ban hành quyết định chọn 28 xã điểm và 2 huyện (Chợ mới và Châu Thành), tập trung đầu tư đạt chuẩn nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025. Đáng nói là, dù trong hiện dịch Covid-19, thương mại - dịch vụ của An Giang vẫn tiếp tục khởi sắc. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội năm 2020 đạt 272 ngàn tỷ đồng, tăng 9,4% so cùng kỳ, trong đó, bán buôn đạt 131,7 ngàn tỷ đồng, tăng 7,87% so cùng kỳ. Bán lẻ hàng hóa đạt 104,4 ngàn tỷ đồng, tăng 10,94% so cùng kỳ. Dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 26,3 ngàn tỷ đồng, tăng 11,24% so cùng kỳ; dịch vụ tiêu dùng khác đạt 9,7 ngàn tỷ đồng, tăng 9,09% so với cùng kỳ. Về xuất khẩu: Riêng mặt hàng gạo có cơ hội xuất khẩu nhiều hơn do nhu cầu thị trường thế giới gia tăng. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2020 đạt 930 triệu USD, tăng 4,49% so cùng kỳ, đạt 100% so với kế hoạch năm. Trở lại với lĩnh vực du lịch, một trong những mũi nhọn kinh tế của An Giang, ông Nguyễn Thanh Bình phân tích: “Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, khách du lịch đến các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn tỉnh đạt 6,5 triệu lượt khách, giảm 30% so cùng kỳ. Đầu tư cho lĩnh vực này, An Giang hiện có 97 cơ sở lưu trú du lịch, 13 công ty lữ hành, gồm 11 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế, 2 đơn vị kinh doanh lữ hành nội địa, 15 điểm tham quan, trong đó nổi tiếng là 2 khu du lịch cấp tỉnh Núi Cấm, 1 khu du lịch quốc gia Núi Sam và 2 điểm du lịch khác. Doanh thu từ hoạt động du lịch năm 2020 ước đạt 4000 tỷ đồng”.
Được biết, năm 2020, tổng thu ngân sách của tỉnh An Giang từ kinh tế địa bàn là 6,765 tỷ đồng, đạt 100,12% so dự toán HĐND tỉnh giao, đạt 94,14% so với cùng kỳ. Tổng số dư vốn huy động ngành ngân hàng thực hiện đến cuối năm 2020 là 58.101 tỷ đồng, so với cuối năm 2019, tăng 7,16%. Tổng dư nợ thực hiện đến cuối năm 2020 là 78.426 tỷ đồng, so với cuối năm 2019 tăng 8,09%. Trong đó dư nợ ngắn hạn là 56.109 tỷ đồng, chiếm 71,54%; dư nợ trung, dài hạn là 22.317 tỷ đồng chiếm 28, 46%. Nhìn chung, năm 2020 là một chặng đường đầy khó khăn nhất định cho việc phát triển kinh tế - xã hội tỉnh An Giang. Nhưng với sự tập trung lãnh đạo của Tỉnh ủy, chỉ đạo điều hành quyết liệt của UBND tỉnh, giám sát của HĐND tỉnh, cùng sự nỗ lực và đồng thuận của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp và Nhân dân, nền kinh tế của An Giang vẫn tăng trưởng, các lĩnh vực văn hóa, an sinh xã hội, cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Trước thềm năm mới 2021 và trong không khí khẩn trương chuẩn bị đón Mừng Đảng, Mừng Xuân Tân Sửu, Tết Nguyên đán truyền thống, An Giang có những thuận lợi triển vọng phát triển kinh tế do việc hoàn tất ký kết Hiệp định Thương mại tự do và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVFTA và IPA) đem lại, Việt Nam tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ mở ra cho tỉnh An Giang có nhiều cơ hội và thị trường. Nhất là các mặt hàng chủ lực trong lĩnh vực nông nghiệp. Năm 2021 là năm đầu tiên của kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo đà tăng trưởng cao và bền vững cho cả giai đoạn 2021-2025.
Ông Nguyễn Thanh Bình tin tưởng rằng: “An Giang xác định rõ nhiệm vụ, yêu cầu để từ đó xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 theo hướng tích cực, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế và điều kiện để duy trì mức tăng trưởng nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh một cách bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh nhà”.