Tích cực vận động con cháu, người dân trồng quế hữu cơ
Hoạt động hội địa phương 23/06/2023 07:59
Tròng quế hữu cơ ở huyện Văn Yên |
Đã khá lâu mới có dịp về thăm các xã của huyện Văn Yên vào những ngày cuối tháng 6 chứng kiến sự đổi thay to lớn đang diễn ra, những nương đồi trọc hay vốn chỉ trồng ngô, sắn, lúa nương trước kia nay đã được phủ xanh bởi quế hữu cơ, những tuyến đường bê tông trắng vắt ngang lưng chừng đồi về bản thay thế đường đất mòn xưa.
Bên các tuyến đường mọc lên những khu dân cư quần tụ, tập trung với những ngôi nhà, biệt thự vườn, nhiều nhà mua ô tô con, xe tải, xe máy và nhiều tiện nghi đắt tiền... tất cả thể hiện bộ mặt nông thôn mới vùng cao khởi sắc, cuộc sống mới ấm no hiện hữu nhờ thay đổi tư duy trong sản xuất từ truyền thống sang trồng quế hữu cơ...
Huyện Văn Yên có hơn 4500 ha quế được trồng ở 25 xã, thị trấn trên địa bàn toàn huyện. Trong đó, có gần 26ha quế được xác lập chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tại 8 xã: Phong Dụ Thượng, Phong Dụ Hạ, Xuân Tầm, Châu Quế Hạ, Tân Hợp, Đại Sơn, Viễn Sơn và Mỏ Vàng. Quế hữu cơ của Văn Yên đạt chứng nhận tiêu chuẩn châu Âu, châu Mỹ, trong đó Công ty Hương gia vị Sơn Hà 2.500ha, Công ty Olam Việt Nam 1.500ha và Công ty Vimex 500 ha.
Hiện cây quế đã và đang khẳng định là cây trồng chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần giảm nghèo và làm giàu ở Văn Yên. Đặc biệt, những năm gần đây, người dân trồng quế trong huyện đã thực hiện quy trình sản xuất quế hữu cơ, từ đó nâng cao giá trị cây quế cũng như sản phẩm quế của địa phương.
Bình quân mỗi năm, huyện Văn Yên xuất ra thị trường khoảng 6.000 tấn vỏ quế khô các loại, tận thu trên 65.000 tấn cành lá quế và hơn 50.800 m3 gỗ quế, chưng cất tinh dầu quế đạt 300 tấn mang lại doanh thu lớn và riêng năm 2021, thu nhập từ quế đạt trên 1.000 tỷ đồng.
Theo đó, huyện đã và đang tập trung triển khai một số các giải pháp, xây dựng các vùng chuyên canh cây quế, trọng tâm là các xã đã được cấp chỉ dẫn địa lý, huyện sẽ chú trọng tới sản xuất quế hữu cơ và các sản phẩm quế sạch.
Đồng thời, tiếp tục giới thiệu, quảng bá và tham gia các chương trình xúc tiến đầu tư, xuất khẩu các sản phẩm quế do các cơ quan có thẩm quyền tổ chức. Cùng với đó, kiểm soát tốt nguồn cung ứng giống và áp dụng khoa học công nghệ trong canh tác, phòng trừ sâu bệnh hại quế, kiểm soát tốt các sản phẩm đầu ra của quế để đảm bảo giữ vững thương hiệu quế Văn Yên.
Gia đình ông Nông Đức Thảo, ở thôn Trạng, xã Yên Thái, huyện Văn Yên có 10ha quế. Trước đây, gia đình và các hộ trong thôn thường phun thuốc trừ cỏ để giảm tiền thuê nhân công. Tuy nhiên, khoảng 3 năm nay, gia đình không phun thuốc trừ cỏ cho quế, thay vào đó là phát dọn thủ công.
Trò chuyện với phóng viên, ông Thao tâm sự: Sau khi được tuyên truyền, hướng dẫn làm quế hữu cơ, chúng tôi ý thức được tác hại của thuốc diệt cỏ nên không sử dụng nữa. Thay vào đó, nhà nào cũng tự trang bị một máy phát cỏ cầm tay. Làm như vậy vừa tốt cho môi trường, tạo độ ẩm và tăng dưỡng chất hữu cơ cho đất, vừa không ảnh hưởng đến sức khỏe của gia đình, cộng đồng, lại nâng cao chất lượng sản phẩm quế nhờ sản phẩm đạt được tiêu chuẩn hữu cơ.
“Tôi cũng đã đầu tư làm vườn ươm quế giống, trung bình mỗi năm gieo ươm trên 5 vạn bầu quế giống, xuất bán cho bà con trong thôn, xã. Nhờ trồng quế hữu cơ và gieo ươm giống quế, gia đình tôi thoát nghèo, vươn lên khá giả trong thôn…”, ông Thảo cho hay.
Nhằm nâng cao giá trị cây quế Văn Yên có thương hiệu và phát triển bền vững, huyện tiếp tục tuyên truyền bà con thay đổi thói quen chăm sóc cây quế bằng phun thuốc cỏ, bón phân sang phát cỏ bằng máy phát và không bón phân các loại, hướng đến xây dựng vùng sản xuất quế an toàn, đạt tiêu chuẩn hữu cơ.
Đồng chí Lưu Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện niềm nở cho biết: Thời gian qua, chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc, khai thác sản phẩm quế, khuyến khích người dân đầu tư thâm canh mở rộng diện tích trồng quế hữu cơ, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn cây giống. Đồng thời, phối hợp với Hội NCT vận động nhân dân, con cháu hình thành nhóm, tổ hợp tác để chế biến các sản phẩm từ quế ngay tại địa phương, tạo việc làm cho người lao động.