Thủ tướng chia sẻ 13 vấn đề với các nhà đầu tư
Tin tức - Sự kiện 28/04/2022 17:40
Đây là 13 vấn đề để xây dựng và phát triển môi trường đầu tư, hệ sinh thái đầu tư hướng tới mục tiêu 12 chữ: “Công khai, minh bạch, bình đẳng, an toàn, hiệu quả, bền vững”. Người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ, việc đầu tiên là phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Thủ tướng lưu ý phải xây dựng thể chế, cơ chế minh bạch, công khai, ổn định góp phần phát triển hệ sinh thái môi trường đầu tư.
Kế tiếp, thực hiện các đột phá chiến lược về hạ tầng, nguồn nhân lực và thể chế. Các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý, các nhà đầu tư đều có trách nhiệm trong thực hiện sự đột phá này. Thủ tướng cho rằng, thực hiện các khâu đột phá này, chỉ trung ương hay địa phương đều không thể làm được, do đó cần phải có sự nỗ lực, cố gắng của cả trung ương và địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư…
Thủ tướng yêu cầu phải coi trọng công tác quy hoạch đi trước một bước, có kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển, với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược. “Giải quyết tốt các vấn đề chiến lược có tính toàn cầu, toàn dân như ứng phó dịch bệnh COVID-19, biến đổi khí hậu với các vấn đề tại ĐBSCL như sụt lún, sạt lở, thay đổi dòng chảy, lưu lượng nước sông Mekong… Giải quyết được vấn đề của tỉnh thì sẽ góp phần giải quyết các vấn đề của cả nước, vấn đề toàn cầu. Phải xử lý được các vấn đề này thì các nhà đầu tư mới yên tâm tìm đến”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham quan gian hàng bánh Pía, một đặc sản của tỉnh Sóc Trăng |
Thủ tướng còn yêu cầu phải chọn vấn đề ưu tiên, có tác động lan tỏa lớn, bền vững để làm trước. Làm từng bước chắc chắn, đi từ nhỏ đến lớn, thấp đến cao, đơn giản đến phức tạp, chọn vấn đề trọng tâm, trọng điểm, phải xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để thực hiện, vừa có tính ổn định, vừa có tính linh hoạt, hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư, người dân…
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết để tận dụng thời cơ thu hút đầu tư phát triển kinh tế, Sóc Trăng đã có định hướng thu hút đầu tư giai đoạn 2022 - 2025 theo 5 lĩnh vực, gồm dịch vụ logistics; hạ tầng công nghiệp - đô thị; nông nghiệp công nghệ cao; du lịch và năng lượng tái tạo.
Ông Lâu bày tỏ: “Với những định hướng phát triển rõ ràng, cụ thể, cùng với quyết tâm mạnh mẽ, trong thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng mong muốn được tiếp đón nhiều hơn nữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tỉnh cùng hợp tác và phát triển. Thành công của nhà đầu tư cũng chính là thành công của tỉnh Sóc Trăng”.
Dịp này, UBND tỉnh Sóc Trăng trao quyết định đầu tư cho 4 doanh nghiệp và ký kết 18 biên bản ghi nhớ nghiên cứu, khảo sát đầu tư với tổng số vốn 212.000 tỉ đồng trên các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, năng lượng, giao thông, xây dựng, đô thị, logistics, chuyển đổi số…