Thanh Hóa triển khai hiệu quả nhiều chương trình bảo vệ môi trường
Tin tức 18/12/2023 17:56
Tuyến đường từ UBND xã Hoằng Lưu đi các xã lân cận như Hoằng Phong, Hoằng Thắng (huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) những ngày cuối năm nổi bật với hàng cây xanh mướt hai bên đường. Trước cổng mỗi nhà dân được trang hoàng cờ đỏ sao vàng tươi thắm, đường làng ngõ xóm được các hộ gia đình giữ gìn vệ sinh mỗi ngày.
Đường nông thôn mới xanh, sạch, đẹp tại xã Hoằng Lưu |
Nhờ làm tốt công tác bảo vệ môi trường (BVMT) thời gian qua, đã mang tới diện mạo nông thôn mới xanh, sạch và đẹp cho địa phương. Ông Lê Ngọc Hạnh, Chủ tịch UBND xã Hoằng Lưu cho biết: Xác định công tác BVMT là nhiệm vụ quan trọng, góp phần hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc qua xây dựng nông thôn mới, các cấp ủy, chính quyền đã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện.
Đối với Hội phụ nữ sẽ phụ trách công tác phân loại rác thải hộ gia đình; xây dựng vườn mẫu và cải tạo vườn tạp. Hội NCT phụ trách vệ sinh môi trường tại các nghĩa trang, tuyến đường các thôn; Hội Cựu chiến binh tổ chức vệ sinh môi trường ngoài đồng ruộng, thu gom rác thải, đặc biệt là vỏ thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy định,... Hàng tuần, vào chiều thứ 7 sẽ tổ chức vệ sinh môi trường, thu gom rác thải 2 ngày một lần tập trung vào lò đốt rác thải để xử lý.
Người dân xã Hoằng Thắng phấn khởi khi có đường mới xanh, sạch, đẹp. |
Đến nay, tỷ lệ hộ gia đình trên địa bàn xã có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt gần 100%; hầu hết các gia đình chăn nuôi gia súc, gia cầm đã xây dựng công trình biogas xử lý chất thải. Đặc biệt, xã đang xây dựng 2 thôn Nghĩa Lập và Nghĩa Phú trở thành thôn kiểu mẫu.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Thanh Hóa, sau 2 năm thực hiện, công tác BVMT đã và đang đi vào nề nếp. Các địa phương và người dân đã quan tâm thu gom, xử lý rác thải, cải tạo cảnh quan môi trường, trồng hoa và cây cảnh hai bên đường, trong khu dân cư.
Đến nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã trồng được hơn 1.350 km đường hoa; 1.193 km đường cây xanh và hơn 3.600 km đường điện sáng. Nhiều mô hình BVMT được duy trì và nhân rộng mạnh mẽ như: Mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp”, “Nhà sạch, vườn mẫu” hay “Đường hoa, đường tranh, hàng cây, hàng rào xanh” do Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Thanh Hóa phát động,... Đến nay, đã có hơn 610.000 hộ gia đình đạt 8 tiêu chí 5 không và 3 sạch. Qua đó, góp phần vun đắp giá trị gia đình Việt Nam, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Mô hình "Nhà sạch - Vườn Mẫu" tại xã Hoằng Thắng |
Các cấp Hội Nông dân cũng tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên và triển khai các hoạt động thiết thực Chương trình. Trong đó, xây dựng gần 590 đội tự quản về BVMT.
Tỉnh Đoàn Thanh Hóa tích cực triển khai phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh” với hơn 3.500 hoạt động thiết thực. Nổi bật như xây dựng 204 tuyến đường thanh niên kiểu mẫu “con đường bích họa”, “cột điện nở hoa”, hơn 300 đường “hàng cây thanh niên” và trồng mới hơn 390.000 cây xanh; thành lập mới 54 đội hình “thanh niên xung kích bảo vệ môi trường”,...
Công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại cho các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh duy trì kết quả khả quan. Đặc biệt là việc thu gom rác thải nguy hại từ hoạt động sản xuất nông nghiệp như bao gói thuốc bảo vệ thực vật được nhiều địa phương quan tâm, triển khai thực hiện theo đúng quy định.
Tính đến hết năm 2022, tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt toàn tỉnh ước đạt 89,02%; tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý đạt 82%; tỷ lệ chất thải y tế nguy hại, được thu gom xử lý đạt 100%. Tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 88,96% (tăng 11,2% so với năm 2021). Tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 97,04% (tăng 0,44% so với năm 2021); trong đó, có 60,2% số hộ sử dụng nước sạch (tăng 1,8% so với năm 2021).
Mô hình ngôi nhà xanh ở huyện Đông Sơn (Thanh Hóa). |
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tiếp tục được tăng cường; thực hiện nghiêm theo Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVIII) và đã đạt được những kết quả rất tích cực.
Các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, hoặc ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định; đã thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm tại 252 cơ sở, xử lý vi phạm 12 cơ sở.
Đến nay, toàn tỉnh có 351 chợ được công nhận an toàn thực phẩm trong tổng số 388 chợ đang hoạt động. Ngoài ra, Thanh Hóa đã có 495 xã, thị trấn được công nhận an toàn thực phẩm.