Tập trung ứng phó lũ sau cơn bão số 3
Tin tức - Sự kiện 10/09/2024 16:45
Chung cư IEC xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội sau cơn bão |
Tổ chức tuyên truyền đến người dân tại các khu vực có nguy cơ cao, đặc biệt là các vùng ven sông, vùng trũng thấp bằng nhiều hình thức thông báo, cảnh báo người dân; tăng cường tuyên truyền tại các trường học, khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp; phối hợp với các tổ chức, đoàn thể để tuyên truyền đến từng hộ gia đình.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, bố trí cán bộ trực ban 24/24h, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt; theo dõi sát sao các bản tin dự báo, cảnh báo mưa lũ; kịp thời báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện khi có sự cố, tình huống bất thường, duy trì liên lạc thường xuyên giữa các địa phương và các đơn vị liên quan để nắm bắt tình hình và chỉ đạo kịp thời. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện, duy trì lực lượng ứng cứu nhanh, sẵn sàng cơ động khi có tình huống xảy ra; kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng quân đội, công an, y tế để ứng cứu kịp thời, hiệu quả.
Chung cư IEC xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội sau cơn bão |
Chủ tịch UBND các xã, thị trấn thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin về việc xả lũ các hồ chứa thủy điện thượng nguồn, lũ lớn trên các sông; kịp thời thông báo cho người dân ở những vùng thấp, trũng có khả năng bị ngập úng hoặc có nguy cơ sạt lở biết để chủ động phòng tránh; không để người dân đến những khu vực bị ngập, có nguy cơ sạt lở. Chủ động rà soát, sẵn sàng các phương án sơ tán người dân, di chuyển tài sản đến nơi an toàn khi cần thiết; xác định các khu vực nguy hiểm, khu vực sát bờ sông, có nguy cơ sạt lở nguy hiểm, khu vực bãi sông Hồng; lên danh sách các hộ dân cần sơ tán, chuẩn bị các điểm sơ tán an toàn, đảm bảo chỗ ở, lương thực, nước uống, thuốc men cho người dân; hướng dẫn người dân nắm rõ quy trình, thao tác khi có lệnh sơ tán; kiên quyết triển khai phương án sơ tán, đảm bảo an toàn đối với người dân; phân công cán bộ phụ trách từng khu vực, hộ gia đình cần sơ tán, đảm bảo không bỏ sót người dân.
Cây đổ đè lên ô tô đỗ ở khu vực gần Nhà thi đấu Thanh Trì |
Thường xuyên kiểm tra hoạt động của đò ngang, đò dọc, các phương tiện nổi trên sông để đảm bảo an toàn cho người, phương tiện. Có phương án bảo vệ tài sản, kho tàng, hàng hóa của Nhà nước và Nhân dân ở những khu vực có khả năng bị ảnh hưởng của lũ; di chuyển chất dễ cháy, nổ, hóa chất độc hại ra khỏi vùng bãi sông; đảm bảo an toàn về điện.
Tăng cường kiểm tra hệ thống đê điều, kịp thời phát hiện và xử lí các sự cố về đê điều ngay từ giờ đầu; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng phó đối với những tình huống xấu nhất có thể xảy ra; thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa lũ theo quy định của Luật Đê điều và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Thông tư số 01/2009/TT-BNN ngày 6/1/2009.
Cổng chào tại trung tâm thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì bị đổ sau cơn bão đêm 7-9 |
Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Công an huyện chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan sẵn sàng phương án hiệp đồng với các đơn vị để triển khai các biện pháp phòng, chống lũ và ứng phó kịp thời khi có tình huống xảy ra; duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng cơ động, hỗ trợ công tác di dời, cứu hộ, cứu nạn người dân tại các khu vực nguy hiểm; tăng cường tuần tra, kiểm soát các khu vực trọng điểm, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người dân và tài sản.
Đội Thanh tra Giao thông vận tải phối hợp rà soát, sẵn sàng triển khai phương án phân luồng tổ chức giao thông, bố trí lực lượng hướng dẫn và đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, đường thủy, cầu qua sông; kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền và hoạt động tại bến đò để đảm bảo an toàn về người và phương tiện.
Trụ điện, biển báo giao thông ở trung tâm huyện Thanh Trì bị dổ ngã sau bão |
Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát, thống kê và sẵn sàng phương án hỗ trợ, chăm sóc, bảo vệ người già, trẻ em, người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn, các khu vực có nguy cơ cao; kịp thời tổ chức các hoạt động thăm hỏi, động viên, hỗ trợ tinh thần cho người dân khi có tình huống xảy ra.
Phòng Y tế tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm; chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, vật tư y tế, hóa chất xử lí môi trường để ứng phó với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra; tổ chức các đội cứu y tế lưu động, sẵn sàng khám chữa bệnh, cấp cứu cho người dân tại các vùng bị ảnh hưởng; phối hợp với các đơn vị liên quan để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân trong và sau mưa lũ.
Hàng cây nhiều năm tuổi trên đường Ngọc Hồi, đoạn qua huyện Thanh Trì đổ ngã hàng loạt sau cơn bão số 3 |
Phòng Quản lí đô thị, Ban Quản lí Dự án đầu tư xây dựng huyện phối hợp UBND các xã, thị trấn và các đơn vị liên quan tập trung toàn bộ nhân lực, trang thiết bị khẩn trương triển khai giải tỏa ngay cây đổ, cành gãy, xử lí thu dọn cây đổ, cành gãy, dựng lại cây, trồng thay thế và dọn vệ sinh; kiểm tra, rà soát các công trình xây dựng, nhà ở, hạ tầng kĩ thuật, đặc biệt các khu nhà tập thể cũ ở khu vực có nguy cơ cao; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để hỗ trợ di dời người dân, tài sản tại các khu vực nguy hiểm; đảm bảo nguồn cung cấp nước sạch sinh hoạt phục vụ người dân.
Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông và các đơn vị liên quan tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình mưa lũ; phối hợp với các nhà mạng đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và ứng phó với mưa lũ; cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về tình hình mưa lũ, các biện pháp phòng tránh, ứng phó đến người dân; xử lí nghiêm các trường hợp đưa tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận.
Người dân chợ Văn Điển, huyện Thanh Trì thu dọn sau cơn bão |
Các phòng, ban, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động, sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án phòng, chống thiên và tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống xảy ra. Đảm bảo an toàn hệ thống điện, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất; sẵn sàng phương án cắt điện khẩn cấp khi cần thiết để đảm bảo an toàn cho người dân, sau đó khôi phục trong thời gian nhanh nhất; chuẩn bị lực lượng, phương tiện ứng trực để khắc phục sự cố điện do mưa lũ gây ra, trong đó ưu tiên không để ảnh hưởng đến hoạt động của các trạm bơm tiêu. Tăng cường vận hành các trạm bơm và triển khai các biện pháp tiêu úng đảm bảo sản xuất và sinh hoạt của người dân. Hạt Quản lí đê số 5 kiểm tra kĩ thuật, đánh giá khả năng chịu lực của hệ thống đê, kè; báo cáo và tham mưu cấp có thẩm quyền sửa chữa, gia cố ngay các vị trí xung yếu, hư hỏng.