Quảng Ninh: 6 tháng đầu năm 2024, GRDP tăng 9,02%, xếp thứ 4 vùng Đồng bằng sông Hồng
Kinh tế 21/06/2024 10:43
Theo đó, với sự quyết tâm, nỗ lực, đoàn kết, chung sức, đồng lòng của các cấp, các ngành, nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, trong lao động, sản xuất kinh doanh, kinh tế tiếp tục duy trì tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 9,02% , xếp thứ 4 vùng Đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 8 các tỉnh, thành phố trong cả nước
Ngành công nghiệp chế biến chế tạo ước tăng 23,05%, cao hơn 10,3% cùng kỳ, tiếp tục là động lực mới trong tăng trưởng của tỉnh; ngành dịch vụ du lịch tăng 13,85%, tổng khách du lịch đến Quảng Ninh ước đạt 10,4 triệu lượt, tăng 18% cùng kỳ, trong đó, khách quốc tế ước đạt gần 2 triệu lượt, tăng 140% cùng kỳ, tổng thu du lịch ước đạt 22.285 tỷ đồng, tăng 34% cùng kỳ.
Toàn cảnh buổi họp báo. |
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 30.774 tỷ đồng, tăng 6% cùng kỳ, trong đó: Thu nội địa ước đạt 21.324 tỷ đồng, tăng 01% cùng kỳ; Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 9.450 tỷ đồng, tăng 21% cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương 6 tháng ước đạt 10.769 tỷ đồng, bằng 37% dự toán, tăng 32% cùng kỳ; trong đó chi thường xuyên dự kiến đạt 6.378 tỷ đồng, bằng 45% dự toán, tăng 38% cùng kỳ.
Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 là 15.130 tỷ đồng; giải ngân đến 14/6/2024 đạt 2.351 tỷ đồng, bằng 15,5% kế hoạch vốn, dự kiến giải ngân đến hết 6 tháng đầu năm 2024 đạt 30,8%. Tổng vốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 1.549 triệu USD, bằng 141% kế hoạch 6 tháng đầu năm, bằng 51,6% kế hoạch năm 2024 (thu hút 3 tỷ USD). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 48.035 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ.
Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được tập trung triển khai, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân. Năm 2023 là năm thứ 7 liên tiếp Quảng Ninh giữ vị trí Quán quân PCI (từ 2017-2023); năm thứ 6 dẫn đầu Chỉ số PAR INDEX (năm 2017, 2018, 2019, 2020, 2022, 2023); năm thứ 5 liên tiếp dẫn đầu Chỉ số SIPAS (2019-2023) và 11 năm liên tiếp trong nhóm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước. Năm 2023, Quảng Ninh cũng đồng thời đứng thứ nhất về xếp hạng chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI).
Đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao về chất lượng, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, thu hẹp chênh lệch vùng miền, khoảng cách giàu nghèo. Các chính sách đảm bảo an sinh xã hội được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng theo quy định; tổng kinh phí thực hiện an sinh xã hội 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 1.144 tỷ đồng, tăng 10% cùng kỳ.
Lãnh đạo một số Sở, ngành trả lời câu hỏi của phóng viên. |
Thu nhập bình quân đầu người của vùng đồng bào dân tộc, biên giới, hải đảo năm 2023 ước đạt 6,1 triệu đồng/người/tháng, cao hơn gấp 1,23 lần so với thu nhập bình quân cả nước. Ước 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh giảm 121/246 hộ nghèo, bằng 49,19% kế hoạch năm; giảm 828 hộ cận nghèo, bằng 69% kế hoạch năm 2024. Công tác giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm. Tổng số người tham gia BHYT là 1.317.679 người, tăng 11.238 người cùng kỳ, đạt 99,9% kế hoạch giao, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95,4% dân số.
Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững, tuyệt đối không để xảy ra đột xuất, bất ngờ; duy trì khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác, phát triển. Hoạt động đối ngoại tiếp tục được tăng cường, mở rộng triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả.
6 tháng cuối năm 2024 tỉnh Quảng Ninh xác định trọng tâm là hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết số 20-NQ/TU, Nghị quyết số 176/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh gắn với chủ đề công tác năm “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”.
Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP cả năm đạt 10,9%; thu ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm đạt 24.824 tỷ đồng, cả năm không thấp hơn 55.600 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%; thu hút vốn FDI 6 tháng cuối năm đạt khoảng 1,5 tỷ USD, cả năm đạt ít nhất 3,0 tỷ USD; tổng khách du lịch 6 tháng cuối năm đạt trên 7 triệu lượt khách, cả năm đạt trên 17 triệu lượt khách...
Kiên trì thực hiện chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững địa phương trên các khía cạnh kinh tế, xã hội, môi trường và an ninh. Xác định 03 trụ cột bảo đảm giữ vững tăng trưởng kinh tế hai con số năm 2024 là: (1) Công nghiệp chế biến, chế tạo; (2) Đầu tư công, đầu tư xây dựng cơ bản vốn ngoài ngân sách; (3) Du lịch, dịch vụ, kinh tế biển và kinh tế số. Giữ vững sự ổn định và phát triển bền vững ngành than, điện.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành thu, chi ngân sách và quản lý chặt chẽ đầu tư công. Đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thuế, phí và khai thác hiệu quả các nguồn thu còn dư địa. Quản lý sử dụng tiết kiệm, hiệu quả vốn ngân sách nhà nước; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để dành nguồn lực tăng chi đầu tư phát triển tập trung cho an sinh xã hội, thu hẹp chênh lệch vùng miền và đầu tư các công trình có tính chất động lực lan tỏa. Xác định việc giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đến đến 30/9/2024 đạt tối thiểu 80% và đến 31/12/2024 đạt 100% kế hoạch vốn đầu tư giao đầu năm.
Đẩy mạnh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông, tổng thể, có trọng tâm, trọng điểm. Tập trung triển khai công tác chuẩn bị đầu tư các dự án dự kiến khởi công mới cuối năm 2024 và năm 2025; xác định danh mục các dự án khởi công mới làm cơ sở triển khai xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026-2030 theo quy định. Tiếp tục triên khai các dự án, công trình trọng điểm, trọng tâm là các dự án: Đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều, đoạn từ đường tỉnh 338 đến thị xã Đông Triều; Xây dựng hoàn chỉnh nút giao Đầm Nhà Mạc (tại Km20+050, đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng);… hoàn thành, đưa vào khai thác cầu Bến Rừng, cầu Lại Xuân; hoàn thành và triển khai Đề án nâng cấp giao thông nông thôn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Tiếp tục đi sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, gắn với trách nhiệm người đứng đầu; phấn đấu giữ vững vị trí nhóm đầu về Chỉ số PCI, Par Index, SIPAS cấp tỉnh. Tiếp tục hực hiện có hiệu quả đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng, kiến thức, tay nghề, kinh nghiệm, năng lực sáng tạo gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số; đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án nhà ở xã hội, xây dựng chính sách phát triển dân số trong tình hình mới.
Gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển con người, xây dựng văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh; đảm bảo an sinh, phúc lợi, tiến bộ và công bằng xã hội, hài hòa giữa đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần. Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, duy trì toàn tỉnh không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia; hoàn thành chỉ tiêu không còn hộ nghèo và giảm 50% hộ cận nghèo theo quy định chuẩn nghèo của tỉnh. Hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm đạt ít nhất 30.000 việc làm mới tăng thêm. Quan tâm, chăm lo phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, nhất là ở các xã vùng miền núi, biên giới, biển đảo, thực hiện hiệu quả y tế dự phòng và y tế cơ sở. Tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước; quản lý, giáo dục thanh thiếu nhi, học sinh trong dịp hè.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước toàn diện trên các lĩnh vực, nhất là về quy hoạch, đất đai, xây dựng, đô thị, tài nguyên môi trường, khoáng sản, đầu tư công, tại các địa bàn trọng điểm. Chủ động thực hiện các phương án phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”. Nâng cao năng lực quản lý, điều hành, xây dựng chính quyền địa phương các cấp liêm chính, phục vụ, thực sự “của dân, do dân, vì dân”. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về công tác dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo; chuẩn bị tốt Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ IV năm 2024.
Bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.